Cần có những quy định hợp lý về hiến tạng

Ngoài việc vận động, thay đổi nhận thức, quan điểm về hiến tạng thì việc soạn thảo những quy định, điều luật cũng cần thực tế, hợp lý hơn.

Thêm một câu chuyện đẹp, một nghĩa cử cao quý khi thạc sĩ - nữ hộ sinh L.T.T.L (41 tuổi, làm việc tại Khoa Phụ sản, Bệnh viện E, Hà Nội) được xác định chết não, gia đình đã đồng ý hiến tạng hồi sinh sự sống cho 4 người bệnh, đúng như ước nguyện đăng ký hiến mô, tạng lúc sinh thời của chị.

Người Việt chúng ta còn nặng nề định kiến xã hội, quan điểm truyền thống, gia giáo, tâm linh, còn ngại lời ra tiếng vào. Tỉ lệ người dân đăng ký hiến tạng cũng như tỉ lệ người hiến tạng sau chết não ở Việt Nam thuộc hàng thấp nhất thế giới.

Trong khi khả năng, trình độ ghép tạng của đội ngũ bác sĩ Việt Nam không hề thua kém, hầu hết ca ghép tạng từ tim, phổi, gan, thận, giác mạc... đều có tỉ lệ thành công rất cao.

Mỗi năm ở Việt Nam chỉ có khoảng 10 ca hiến tạng sau chết não. Một con số quá khiêm tốn nhưng vô cùng quý giá, không chỉ về nghĩa cử cứu người, mà còn là tín hiệu vui của sự thay đổi tích cực về mặt nhận thức, quan điểm.

Dù bất kỳ góc nhìn nào, từ quan điểm đời sống, xã hội học đến tôn giáo, tâm linh..., thì việc hiến tạng luôn là nghĩa cử cao đẹp, công đức vô lượng.

Vậy nên, ngoài việc vận động, thay đổi nhận thức, quan điểm thì việc soạn thảo những quy định, điều luật cũng cần thực tế, hợp lý hơn.

Điển hình quy định bắt buộc một người đăng ký hiến tạng thì khi không may chết não mới được hiến tạng là không cần thiết.

Việc hiến tạng chủ yếu là do người nhà của bệnh nhân quyết định, vì thế cần xác định người có mối quan hệ nào với bệnh nhân được quyền quyết định.

Nhân viên y tế cần mạnh dạn làm cầu nối, đưa việc vận động hiến tạng vào quy trình làm việc bình thường khi có ca bệnh phù hợp, như cách làm của nhiều quốc gia phát triển.

Cuối cùng là vấn đề nhận tạng. Đa số các trường hợp hiến tạng sau chết não đều diễn ra ở các thành phố lớn.

Ở các tỉnh vẫn có những trường hợp tương tự nhưng vì lý do nào đó, nhất là về mặt kỹ thuật, chuyên môn nên đành bỏ qua một cách phí phạm, đáng tiếc. Có lẽ ngành y tế nên thành lập các đội phản ứng nhanh phụ trách từng khu vực để khi có trường hợp hiến tạng là nhanh chóng thực hiện.

Thanh Vân

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/can-co-nhung-quy-dinh-hop-ly-ve-hien-tang-196240405205751588.htm