Cần có nhiều sân chơi thể thao cho nữ sinh và trẻ em gái

Hiện nay, tình trạng trầm cảm trong học sinh, các hành vi bạo lực học đường mà nhân vật chính đa phần là nữ giới xảy ra ngày càng nhiều. Vì thế, ngoài những giờ học văn hóa, học sinh, nhất là học sinh nữ rất cần các hoạt động thể chất mang tính tập thể. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, sân chơi cho nữ sinh chỉ tập trung ở các hội thi nữ sinh thanh lịch, hội diễn văn nghệ... Điều này cũng đặt ra yêu cầu cần có thêm nhiều giải đấu, sân chơi thể thao dành riêng cho học sinh nữ để các em có nơi giao lưu, thắt chặt tình đoàn kết và tăng cường kỹ năng sống, giảm thiểu các hành vi tiêu cực...

Cần thêm nhiều sân chơi thể thao cho các nữ sinh thể hiện bản thân, phát triển thể chất - Ảnh: M.Đ

Tuổi vị thành niên là lứa tuổi phát triển chưa toàn diện về thể chất lẫn tâm sinh lý, khó cân bằng cảm xúc, đặc biệt là ở nữ giới. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều sự việc đáng tiếc như: bạo lực học đường, quay clip đánh nhau giữa các học sinh nữ, mâu thuẫn nhau trên mạng xã hội...

Việc thiếu kỹ năng kiểm soát cảm xúc và kỹ năng sống cũng khiến các em gái có xu hướng không thể giải quyết các vấn đề cá nhân, lâu dần sẽ có nguy cơ trầm cảm, hành động tiêu cực. Về vấn đề này, nhiều giáo viên cho rằng cần tích cực tạo thêm sân chơi cho các em gái được vận động, giao lưu để kiểm soát tốt cảm xúc, phát triển toàn diện hơn.

Cô Phan Thị Thùy, giáo viên bộ môn giáo dục thể chất, Trường THCS Nguyễn Trãi (huyện Vĩnh Linh) cho biết: “Quá trình giảng dạy và theo sát học sinh, tôi nhận thấy thực tế nhu cầu hoạt động thể thao của các em gái là rất lớn và khả năng chơi các môn thể thao không thua kém gì các bạn trai. Vừa qua, tôi đã trực tiếp đứng lớp và bổ trợ kiến thức, năng khiếu bóng chuyền cho hơn 100 em, trong đó chủ yếu là học sinh nữ. Khi dạy, tôi cũng khéo léo lồng ghép một số kỹ năng sống cần thiết cho các em, khả năng kiểm soát hành vi, làm việc nhóm, phát huy tinh thần đồng đội hay xử lý một số tình huống khi bản thân hoặc bạn bè gặp nguy hiểm. Những năm qua, ngành giáo dục và đào tạo thường xuyên tổ chức các giải thể thao cấp trường, Hội khỏe Phù Đổng, hội thi thể thao học đường... Tuy nhiên, giải thể thao dành riêng cho học sinh nữ thì rất ít. Vì vậy cũng mong muốn các cấp, ngành quan tâm hơn nữa và có những phương án thích hợp tổ chức các sân chơi thể thao để các nữ sinh có cơ hội phát huy tài năng, nâng cao thể chất và ổn định về mặt tâm lý, tinh thần nhằm hướng đến việc học tập đạt kết quả cao”.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, chơi thể thao là liều thuốc tinh thần giúp học sinh quên đi áp lực học tập, được trải nghiệm và vượt qua những giới hạn của bản thân. Từ đó, các em phát triển tốt hơn về thể chất cũng như trang bị cho mình một số kỹ năng sống phù hợp. Em Lê Anh Quỳnh Như, học sinh lớp 9, Trường THCS Nguyễn Trãi (huyện Vĩnh Linh) chia sẻ: Trước đây, mỗi khi có giải thể thao học sinh thì đa phần các bạn nam tham gia, nữ cổ vũ. Một số bạn nữ có tâm lý e ngại khi tham gia vận động, thi đấu thể thao. Với em thì khác, em luôn hứng khởi trong mỗi giờ học giáo dục thể chất. Hè vừa qua, em tham gia lớp học năng khiếu bóng chuyền và cảm thấy rất yêu thích. Thể thao mang đến cho em nguồn năng lượng tích cực và sức khỏe tốt để phục vụ việc học. Hơn thế, khi được tham gia các sân chơi thể thao, cùng các bạn tập luyện và thi đấu trong một đội, em cảm thấy có tinh thần đoàn kết, thấu hiểu nhau hơn giữa các bạn nữ. Từ đó, chúng em tránh được những bất đồng, góp phần giảm những hành vi bạo lực học đường không đáng có”.

Trên thực tế, không ít nữ sinh có năng khiếu thể thao và khá nổi trội trong hoạt động thể chất. Đối với những học sinh này, giáo viên cần tăng cường khuyến khích, hướng dẫn và huấn luyện để các em phát triển hơn tố chất sẵn có của mình.

Theo anh Nguyễn Đức Quang, HLV bóng đá trẻ, giáo viên môn giáo dục thể chất Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (TP. Đông Hà) thì hiện nay việc tổ chức sân chơi thể thao học đường, đặc biệt là bộ môn bóng đá cho học sinh nữ còn hạn chế.

Do các em bận học thêm những môn văn hóa nên không có thời gian nhiều cho các hoạt động thể thao. Mặt khác, sân bãi phục vụ tập luyện, thi đấu ở nhiều trường chưa đảm bảo. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng các trường học trên địa bàn tỉnh cũng đã khắc phục, chủ động tổ chức thêm các sân chơi thể thao, trong đó có các nữ sinh tham gia.

Vừa qua, một số liên đội của Trường THCS Trần Hưng Đạo, Trường THCS Phan Đình Phùng (TP. Đông Hà)... đã phối hợp với các tổ chức liên quan tổ chức “Ngày hội bóng đá vui” thu hút nhiều học sinh tham gia, nổi bật là các nữ sinh, nhiều em rất tự tin thể hiện tài năng bóng đá của mình.

Đây là một tín hiệu vui, một trong những sân chơi bổ ích, giúp các em gái phát triển niềm đam mê và quan trọng nhất là tránh xa các thiết bị điện tử và thế giới ảo. Có thể thấy, việc quan tâm, tổ chức và tạo sân chơi thể thao cho nữ sinh có “lợi ích kép”.

Bởi điều này vừa nhằm thỏa mãn đam mê, giải tỏa năng lượng cho các em và cũng là bước đệm để tuyển chọn, đào tạo cho tỉnh những nhân tố mới có tính cạnh tranh, nhằm duy trì và phát triển phong trào thể thao học đường Quảng Trị.

Hoài Nhung

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/xa-hoi/can-co-nhieu-san-choi-the-thao-cho-nu-sinh-va-tre-em-gai/180872.htm