Cần có một trung tâm tư vấn phát triển cho vùng Đông Nam bộ

Nhiều chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cho rằng, để phát triển vùng Đông Nam bộ 'xứng tầm' cần nhìn nhận đúng và sớm xóa bỏ nhiều điểm nghẽn cản trở cho sự phát triển. Đặc biệt, cần phải có một trung tâm tư vấn phát triển vùng.

Hội nghị bàn về phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng Đông Nam bộ do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: CTV

Nhiều điểm nghẽn cản trở

Theo Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, với vai trò là đầu tàu kinh tế của cả nước, đóng góp đến trên 50% vào tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ, nhưng việc TP. Hồ Chí Minh tăng trưởng chậm trong những năm gần đây đã ảnh hưởng rất lớn đến tăng trưởng của vùng.

Theo đó, khoảng 10 năm trở lại đây, sự vượt trội của thành phố này so với cả nước ở một số mặt đã chậm lại, thậm chí tụt hậu, các thách thức về giao thông, ngập nước, giáo dục, y tế, sự không bền vững về lao động và dân số gia tăng.

Những điểm nghẽn, nút thắt liên quan đến các vấn đề đất đai, phát triển đô thị, ách tắc giao thông, nguồn nhân lực… đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối vùng, nguồn lực tài chính, ý tưởng sáng tạo để phát triển… được cho là đang làm cản trở sự phát triển thành phố trong nhiều năm qua.

Còn theo các chuyên gia, không riêng TP. Hồ Chí Minh, những điểm nghẽn quan trọng nhất cản trở sự tăng trưởng của vùng Đông Nam Bộ hiện nay là yếu tố hạ tầng. Theo đó, kết cấu hạ tầng vùng, liên vùng còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển.

Hệ thống giao thông quá tải, tắc nghẽn. Tình trạng ngập úng thường xuyên. Ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng. Một số công trình trọng điểm như sân bay Long Thành (giai đoạn 1), di dời cảng trong khu vực TP. Hồ Chí Minh, nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có,... còn chậm tiến độ so với mục tiêu đề ra.

Mô hình đường vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Ảnh: TL

Những điểm nghẽn tiếp đó là hạ tầng xã hội cũng chưa theo kịp sự phát triển. Tình trạng quá tải ở hầu hết các trường học, cơ sở đào tạo, dạy nghề công lập, các cơ sở khám chữa bệnh ngày càng lớn. Thiếu nhà ở và các tiện nghi, tiện ích cho công nhân tại các khu công nghiệp. Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu của hội nhập quốc tế.

Bên cạnh đó, ngành công nghiệp vùng Đông Nam Bộ phát triển nhanh nhưng thiếu tính bền vững và đồng bộ. Các sản phẩm chủ yếu gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng thấp. Việc phân bố các khu công nghiệp, khu chế xuất chưa hợp lý. Các ngành dịch vụ cao cấp, chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.

Tiềm lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa đạt mục tiêu, chưa thực sự trở thành động lực để nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng.

“Nên có một Trung tâm tư vấn phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam hoặc Đông Nam Bộ, chuyên gia chất lượng, kể cả chuyên gia nước ngoài. Trung tâm sẽ hỗ trợ công tác rà soát quy hoạch, thẩm định dự án, tổng hợp thông tin, dữ liệu vùng. Thông qua trung tâm, Chính phủ sẽ nắm được đầy đủ các thông tin liên quan và thuận lợi đưa ra quyết sách lớn”, ông Phạm Bình An đề xuất.

Cần có một trung tâm tư vấn phát triển vùng

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh Phạm Bình An phân tích, để phát triển vùng Đông Nam Bộ chúng ta có ban chỉ đạo và hội đồng phát triển vùng. Tuy nhiên, hội đồng này không có ngân sách riêng, không có bộ máy chuyên trách, dẫn đến hạn chế quyền lực. “Nếu muốn các địa phương gắn kết với nhau để tạo không gian kinh tế vùng thì nên sử dụng công cụ tài chính, ngân sách hơn là các biện pháp hành chính”- ông An cho biết.

“Nên có một Trung tâm tư vấn phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam hoặc Đông Nam Bộ, chuyên gia chất lượng, kể cả chuyên gia nước ngoài. Trung tâm sẽ hỗ trợ công tác rà soát quy hoạch, thẩm định dự án, tổng hợp thông tin, dữ liệu vùng. Thông qua trung tâm, Chính phủ sẽ nắm được đầy đủ các thông tin liên quan và thuận lợi đưa ra quyết sách lớn”, lãnh đạo Viện Nghiên cứu phát triển thành phố đề xuất.

Bên cạnh củng cố hội đồng vùng, theo ông Phạm Bình An, cần xây dựng một định chế ngân sách cấp vùng, có thể xem xét xây dựng đề án thành lập quỹ đầu tư phát triển vùng, trong đó có sự đóng góp của ngân sách trung ương, các tỉnh trong khu vực.

Ngoài ra, vùng Đông Nam Bộ cần có cơ quan tư vấn chuyên trách như hội đồng, tổ công tác, tư vấn chuyên sâu.

Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, hội đồng vùng được thành lập sẽ có nhiệm vụ theo dõi, xác định mục tiêu, giám sát trách nhiệm, tiến độ để có cơ chế cảnh báo. Tuy nhiên, để làm được điều này cần tổ giúp việc cũng như kinh phí và cơ chế tư vấn để giám sát mục tiêu, tiến độ, những phát sinh để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý, không để phát sinh thêm gánh nặng cho ngân sách nhưng vẫn hiệu quả, từ đó có thể điều tiết nhiều lĩnh vực, chương trình dự án trọng điểm đạt được kết quả rõ nét./.

Vùng Đông Nam Bộ cần xây dựng một định chế ngân sách cấp vùng, có thể xem xét xây dựng đề án thành lập quỹ đầu tư phát triển vùng, trong đó có sự đóng góp của ngân sách trung ương, các tỉnh trong khu vực.

Gia Cư

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/can-co-mot-trung-tam-tu-van-phat-trien-cho-vung-dong-nam-bo-108774.html