Cần cơ chế mới 'cởi trói' cho rừng ở Tây Nguyên

Nhiều địa phương, doanh nghiệp cho rằng cần có cơ chế mới để phát triển kinh tế bền vững gắn với rừng ở Tây Nguyên.

Ngày 4-4, tại TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương chủ trì Hội thảo phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp xanh, bền vững khu vực Tây Nguyên gắn với quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Ông Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban kinh tế Trung ương phát biểu kết luận. Ảnh: VŨ LONG

78% diện tích rừng bị mất từ chuyển đổi mục đích

Ông Hà Công Tuấn, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, cho biết sau giải phóng Tây Nguyên được gọi là “thủ đô” của lâm nghiệp và có tới 3,8 triệu ha rừng tự nhiên, độ che phủ là 70% của toàn vùng.

Ông Hà Công Tuấn, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT. Ảnh: VŨ LONG

Sau khoảng thời gian khai thác gỗ tự nhiên và các yếu tố tác động khác, diện tích rừng ở Tây Nguyên chỉ còn khoảng 2,1 triệu ha. Trong đó, khoảng 10% là diện tích rừng giàu, nhưng chỉ được phân bố ở sáu vườn quốc gia và các rừng phòng hộ. Còn lại là rừng nghèo và nghèo kiệt.

“Chúng ta (vùng Tây Nguyên) còn hơn 466.000 ha rừng trồng, nhưng diện tích có thể cung cấp được sản lượng là không lớn, chỉ có ở khu vực M’Drak (Đắk Lắk) và An Khê (Gia Lai).

Độ che phủ rừng của chúng ta hiện nay theo báo cáo là 46%, nhưng thực tế rừng còn trữ lượng chỉ có hơn 32%. Là con số rất thấp so với cả nước”, ông Hà Công Tuấn cho hay.

Toàn cảnh buổi hội thảo. Ảnh: VŨ LONG

Nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT thông tin thêm, từ năm 1976 đến 2005, mỗi năm chúng ta để mất khoảng 34.000 ha rừng tự nhiên. Từ 2006 về sau có giảm đi, nhất là sau Chỉ thị 13 có giảm, nhưng cũng mất mỗi năm là 25.000 ha.

Trong đó, 78% mất rừng do chúng ta chuyển đổi mục đích sử dụng, phá rừng bất hợp pháp chỉ chiếm 6%, khai thác rừng trồng 4%, cháy rừng 1%, còn 11% là nguyên nhân khác… “Thực tế mất rừng do chúng ta không quản lý được” – ông Hà Công Tuấn khẳng định.

Tại Hội thảo này, ông Hà Công Tuấn kiến nghị, đề xuất Trung ương có chính sách đối với hơn 300.000 ha đất lâm nghiệp trước đây bị người dân lấn chiếm trái phép. Tuy nhiên, người dân cũng đã sinh sống ổn định tại đây suốt thời gian dài.

Trung ương hỗ trợ kinh phí đối với các công ty đã giải thể để chuyển sang đơn vị sự nghiệp. Giải quyết dứt điểm đối với đất đã giao khoán. Xem xét, giải quyết dứt điểm đối với diện tích rừng khộp đã chuyển sang trồng cao su ở Gia Lai để tránh lãng phí về tài nguyên. Xem xét công nhận một số loài cây lâu năm (bơ, sầu riêng), cây lấy gỗ vào mục tiêu là cây rừng.

Ông Hà Công Tuấn cũng cho rằng, trong quá trình thực hiện Chỉ thị 13 đã tạo sự chuyển biến rõ nét không chỉ ở khu vực Tây Nguyên mà còn trên phạm vi của cả nước.

“Nếu không có Chỉ thị 13, sẽ còn có hàng chục nghìn ha rừng tự nhiên ở Tây Nguyên tiếp tục được chuyển sang trồng cao su, chuyển làm thủy điện… Chủ trương đóng cửa rừng là quyết tâm chính trị rất lớn và rất cần thiết. Hiện nay còn nguyên giá trị” – ông Hà Công Tuấn khẳng định.

Cần có cơ chế phát triển rừng bền vững

Tại hội thảo, ông Nguyễn Đắc Nhẫn, Phó vụ trưởng Vụ Đất đai (Bộ TN&MT) cho rằng thời gian qua, pháp luật về đất đai, lâm nghiệp và các pháp luật khác có các quy định ngày càng hoàn thiện, đầy đủ. Điều này làm cho công tác quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế -xã hội và môi trường ngày càng cao; diện tích đất lâm nghiệp có rừng ngày càng được bảo vệ, phát triển…

Ông Nguyễn Đắc Nhẫn. Ảnh: VŨ LONG

Theo ông Nhẫn, thực tế vẫn còn những tồn tại, bất cập trong chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp. Điều này, dẫn đến hiệu quả sử dụng đất lâm nghiệp còn hạn chế, chưa xứng đáng với tiềm năng.

Ông Nhẫn đề nghị trong thời gian tới cần rà soát sửa đổi, bổ sung hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp trong dự thảo luật đất đai (sửa đổi). Quy định sử dụng đa mục đích đối với đất lâm nghiệp; hợp nhất trình tự thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất với trình tự thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng.

Nói về việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý bảo vệ rừng, phát triển kinh tế nông lâm nghiệp nâng cao đời sống cho người dân, ông Hồ Văn Mười, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho rằng cần tiếp tục duy trì chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng hiện có; Phát huy thế mạnh của rừng thông qua hoạt động cho thuê môi trường rừng; Từng bước tham gia xây dựng cơ sở dữ liệu, hành lang pháp lý để tiếp cận và tham gia thị trường carbon…

Ông Hồ Văn Mười. Ảnh: VŨ LONG

Ông Hồ Văn Mười cũng đề nghị Ban Kinh tế Trung ương quan tâm, có ý kiến với Chính phủ sớm ban hành nghị định về chính sách đầu tư, bảo vệ và phát triển rừng, chế biến và thương mại lâm sản trong lâm nghiệp; Xem xét công nhận cây bơ, mít, sầu riêng, măng cụt là cây đa mục đích, được phép phát triển trên đất lâm nghiệp và tính độ che phủ; Bố trí thêm phụ cấp ngành, nghề đối với lực lượng quản lý bảo vệ rừng…

Còn ông Hoàng Xuân Lương, nguyên Thứ trưởng, Phó chủ nhiệm ủy ban dân tộc đề xuất trong quá trình sửa đổi Luật Lâm nghiệp làm thế nào để cuối cùng người dân được sử dụng các mô hình kinh tế dưới tán rừng, kể cả ở rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Trên cơ sở đó, người dân có thể tham gia vào công tác bảo vệ rừng.

“Chúng ta nên sử dụng ngay người dân tộc thiểu số tại chỗ để họ trực tiếp tham gia bảo vệ rừng và xem đó là nghề của họ” – ông Hoàng Xuân Lương nói.

Hội thảo cũng đã nghe phát biểu tham luận của các tỉnh Đắk Lắk, Lâm Đồng và các doanh nghiệp... liên quan đến việc phát triển rừng bền vững gắn liền với phát triển kinh tế.

Phát biểu kết luận Hội thảo, ông Trần Tuấn Anh, Trưởng ban Kinh tế Trung ương ghi nhận, đánh giá cao những phát biểu, đóng góp ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các lãnh đạo các bộ, địa phương cùng các chuyên gia, nhà khoa học và doanh nghiệp.

Ông Trần Tuấn Anh phát biểu kết luận. Ảnh: VŨ LONG

Nội dung tập trung vào những nội dung trọng tâm trong phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp xanh, bền vững vùng Tây Nguyên đã mở ra những hướng tiếp cận mới từ thực tiễn, trong công tác bảo vệ, quản lý rừng. Ngoài ra, các đại biểu đã có những nhận xét, đánh giá khái quát rất sâu sắc.

Trên cơ sở những nội dung được báo cáo, tham luận, phát biểu, thảo luận, ông Trần Tuấn Anh đề nghị Ban tổ chức Hội thảo tổng hợp, chắt lọc, tiếp thu tối đa những nội dung được trình bày và ý kiến đóng góp để kiến nghị, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư những quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp xanh, bền vững vùng Tây Nguyên và công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trong thời gian tới.

VŨ LONG

Nguồn PLO: https://plo.vn/can-co-che-moi-coi-troi-cho-rung-o-tay-nguyen-post727210.html