Cần cơ chế liên bộ để giải quyết bài toán nợ xấu

Bên lề Quốc hội, nêu quan điểm về xử lý nợ xấu, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh) cho biết:

Năm 2012, nợ xấu lên rất cao, khoảng 8-9% dư nợ. Song khi đó giải quyết nợ xấu rất khó vì ngân sách đang căng và chúng ta đang phải vực dậy nền kinh tế tăng trưởng thấp chỉ khoảng 5,25%. Cho nên giải pháp là tạo lưu thông tiền tệ và tín dụng, tức là thúc đẩy dư nợ tăng lên nhằm giúp nền kinh tế phục hồi. Chúng ta áp dụng giải pháp là chuyển nợ xấu 250.000 tỷ đồng này vào Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) để tạm thời quản lý.

Như vậy, nói nợ xấu trong hệ thống ngân hàng giảm là đúng chứ không sai nhưng nợ xấu của cả nền kinh tế thì chưa giảm, nó đang nằm ở VAMC.

Hiện nay, chúng ta phải tính đến nợ xấu mà VAMC đang tạm thời giữ hộ cho hệ thống ngân hàng thương mại. Bản thân ngân hàng thương mại đã trích dự phòng nhưng trích được bao nhiêu phần trăm thì chúng ta chưa có số liệu chi tiết. VAMC cần phải báo cáo chi tiết số liệu này để xem trong quá trình chuyển về VAMC, mỗi năm phải trích 20% thì hệ thống ngân hàng thương mại có trích nổi hay không. Khi đó chúng ta mới nhìn nhận được bản chất xử lý nợ xấu. Tôi nghĩ rằng, cần phải có một cơ chế liên bộ, một nghị quyết liên bộ hay quyết định liên bộ làm sao giúp ngân hàng thương mại xử lý nợ xấu một cách nhanh nhất và có thể bỏ bớt trình tự trong việc phát mãi tài sản cũng như đấu giá tài sản nợ xấu, có như thế ta mới có thể giải quyết nhanh bài toán này. Không thể dùng ngân sách nhà nước để bù vào nợ xấu mà chúng ta phải có nghị quyết, hỗ trợ nguồn lực về con người, bộ máy để xử lý nhanh nợ xấu.

Xử lý nợ xấu: Nhiều tiền không quan trọng bằng cách làm

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc bổ sung nguồn tiền từ ngân sách hay từ các nguồn khác không quan trọng bằng việc thay đổi phương thức thực hiện.

Phương Nhi

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Chung-khoan/852465/can-co-che-lien-bo-de-giai-quyet-bai-toan-no-xau