Cần cơ chế giám sát thực thi

Theo đại diện doanh nghiệp, để triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024 (Nghị quyết 02), cần bám sát kết quả triển khai của từng bộ, ngành được giao; có cơ chế để giám sát thực thi cũng như rõ chế tài xử lý cán bộ, công chức thực hiện.

“Cởi trói” cho nhiều doanh nghiệp

Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP. Hồ Chí Minh Lý Kim Chi cho biết, theo Nghị định số 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm về hồ sơ đăng ký thực phẩm (Nghị định số 15), cơ quan tiếp nhận chỉ được yêu cầu sửa đổi, bổ sung 1 lần; trong trường hợp không đồng ý với hồ sơ của tổ chức, cá nhân hoặc yêu cầu sửa đổi, bổ sung, cơ quan tiếp nhận phải có văn bản nêu rõ lý do và căn cứ pháp lý. Tuy vậy, thực tế, một số địa phương đã yêu cầu doanh nghiệp bổ sung 2 - 4 lần trong hồ sơ và không nêu cơ sở pháp lý, hoặc nêu rất chung chung là “bổ sung theo đúng Nghị định số 15” khiến doanh nghiệp loay hoay và làm tăng thời gian, chi phí của doanh nghiệp.

Bởi lẽ đó, cộng đồng doanh nghiệp thực phẩm đặt rất nhiều kỳ vọng vào Nghị quyết 02 sẽ tháo gỡ một cách căn cơ, dứt điểm các rào cản, tồn tại, hạn chế đang gặp phải, và Nghị quyết đã phần nào đáp ứng được điều này. Cụ thể, Nghị quyết đã giao nhiệm vụ cho Bộ Y tế là chỉ đạo các cơ quan địa phương nghiêm túc thực hiện quy định “cơ quan tiếp nhận hồ sơ chỉ được yêu cầu sửa đổi, bổ sung 01 lần” tại Nghị định số 15 và không được yêu cầu doanh nghiệp bổ sung hồ sơ ngoài quy định của pháp luật”. “Quy định này cởi trói rất nhiều cho doanh nghiệp”, bà Chi nói.

Không những thế, Nghị quyết 02 cũng giao các bộ, ngành nghiên cứu nhân rộng các kinh nghiệm chính sách tốt đã được chứng minh hiệu quả về cách thức quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp như Nghị định số 15, trong đó đặc biệt chú trọng nhân rộng quy định về áp dụng quản lý rủi ro, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm để nâng cao hiệu quả quản lý, đẩy mạnh cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa.

Đại diện Hiệp hội Thương mại Mỹ (Amcham) tại Việt Nam bổ sung, một trong những vướng mắc của các doanh nghiệp là triển khai thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR). Đáng mừng, các chỉ đạo của Nghị quyết 02 để tháo gỡ vấn đề này là “rất cụ thể”.

Theo đó, doanh nghiệp được thực hiện kết hợp cả hình thức tự tái chế và nộp tiền hỗ trợ tái chế trong cùng năm cho cùng một loại bao bì, sản phẩm thải bỏ; doanh nghiệp nộp đóng góp tái chế trên cơ sở quyết toán theo số lượng thực tế khi kết thúc năm và thời hạn nộp đến hết quý I của năm tiếp theo; nghiên cứu, đề xuất chính sách ưu đãi đối với bao bì thân thiện với môi trường hoặc sử dụng vật liệu tái chế. Đại diện Hiệp hội Thương mại Mỹ lưu ý, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần sớm có hướng dẫn cụ thể để triển khai Nghị quyết 02 đúng như tinh thần quyết liệt của Chính phủ.

Rõ cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ

Theo đại diện các doanh nghiệp, trong bối cảnh cải cách thể chế và môi trường kinh doanh có xu hướng chậm lại, thậm chí có lĩnh vực còn tạo thêm thủ tục không cần thiết, sự trở lại của Nghị quyết 02 (năm 2023, Chính phủ gộp nhiệm vụ cải cách môi trường kinh doanh vào thành một nội dung của Nghị quyết số 01 thay vì tách riêng như các năm trước) với nhiều điểm nổi bật sẽ giúp cải thiện môi trường kinh doanh để củng cố, tạo điểm tựa cho cộng đồng sản xuất kinh doanh. Các doanh nghiệp đang rất trông chờ vào triển khai thực hiện Nghị quyết này.

Góp ý cụ thể, bà Lý Kim Chi cho rằng, quá trình thực thi Nghị quyết 02 cần phải bám sát kết quả triển khai từng nội dung của từng bộ, ngành được giao. Những quy định nào đã có chỉ đạo thì bắt buộc phải làm ngay. Thời gian nào hoàn thành và đến hạn mà không hoàn thành thì phải rõ chế tài xử lý cán bộ công chức thực hiện và người đứng đầu.

Bên cạnh đó, đối với những vấn đề doanh nghiệp, các địa phương bị vướng thủ tục, đã “gõ cửa” nhiều nơi mà chưa được giải quyết thì cần làm rõ xem doanh nghiệp có thể liên hệ trực tiếp với thành viên Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng, hoặc chuyển hồ sơ lên đơn vị này được không? “Phải tìm cách tăng hiệu quả đôn đốc, giám sát và xử lý để mỗi cán bộ công chức, mỗi bộ, ngành phải tận lực hỗ trợ, xử lý và xem lợi ích của doanh nghiệp, người dân như là lợi ích cho chính mình, thì việc thực thi Nghị quyết mới hiệu quả”, bà Chi đề xuất.

Nhấn mạnh từ khóa là “chất lượng thực thi”, Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn cho rằng, cải cách môi trường kinh doanh cần tiếp tục được thực thi một cách hiệu quả, thực chất; bảo đảm kỷ luật, kỷ cương của bộ máy thực thi. Cùng với đó, cần có cơ chế để giám sát thực thi, đánh giá hiệu quả hoạt động một cách độc lập; có cơ chế tạo động lực cho việc thực thi; thúc đẩy các hoạt động tham vấn rộng rãi và thực chất hơn nữa.

Còn theo TS. Nguyễn Phương Bắc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh, để thực hiện Nghị quyết 02, cần thành lập tổ độc lập giám sát ban hành theo các nhóm luật về đầu tư kinh doanh. Ông Bắc chỉ rõ, hiện nay, các bộ, ngành đang soạn thảo nghị định, thông tư thực hiện các Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất đọng sản, Luật Đất đai... cần giao cho một cơ quan hoặc tổ công tác độc lập (có thể là VCCI phối hợp với Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội cùng với thẩm tra của Bộ Tư pháp để các văn bản này thống nhất, không xung đột, nhanh chóng đi vào cuộc sống.

Ở góc độ địa phương, để nâng cao tính năng động, cần bổ sung cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ. Theo đó, cần định vị rõ hơn về “cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung” theo Nghị định số 73/2023/NĐ-CP. Thực tế, tại nhiều địa phương đang có những dự án đầu tư cần tháo gỡ. Nếu có cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm để tháo gỡ cho các dự án này sẽ tạo nguồn lực quan trọng đem lại tăng trưởng cho các địa phương, ông Bắc tin tưởng.

Đan Thanh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/can-co-che-giam-sat-thuc-thi-i361784/