Cần cơ chế để nhà đầu tư ngoại 'mê' ngân hàng nội

Việc Nghị định xử lý nợ xấu đã được thông qua hay nới giới hạn sở hữu cho người nước ngoài… sẽ tạo cơ hội hấp dẫn để các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng ở Việt Nam.

Theo đại diện NCB, ngân hàng này đã ký hợp đồng chính thức với một ngân hàng lớn của Mỹ về tư vấn và lựa chọn đối tác cho ngân hàng.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020”, trong đó, khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và các định chế tài chính nước ngoài nói riêng mua lại, sáp nhập ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém của Việt Nam.

Tích cực kêu gọi nhà đầu tư ngoại

Sau hơn 2 năm rưỡi cơ cấu lại 3 ngân hàng yếu kém gồm VNCB, OceanBank, GPBank đã có những kết quả nhất định. Đại diện Ngân hàng TNHH MTV Đại Dương (OceanBank) cho biết trong 6 tháng đầu năm, hoạt động cho vay bán lẻ có kết quả cao nhất, đạt 85% kế hoạch năm. Tiền gửi của tổ chức kinh tế đã có sự tăng trưởng trở lại. Đáng chú ý, 6 tháng đầu năm 2017, OceanBank tiếp tục kinh doanh có lãi.

Về nợ xấu, cuối năm 2016 so với cuối năm 2015, nợ xấu của 3 ngân hàng được mua lại bắt buộc giảm 7,73%, trong đó giảm mạnh ở OceanBank và Ngân hàng TNHH một thành viên Dầu khí Toàn cầu (GPBank). Dư nợ thị trường 1 của 2 trong số 3 ngân hàng đã có dấu hiệu tăng trưởng như GPBank và Ngân hàng TNHH một thành viên Xây dựng Việt Nam (CBBank). Huy động thị trường 1 của CBBank tăng khá, cuối năm 2016 tăng hơn 14% so với cuối năm 2015.

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, các ngân hàng thương mại bị mua bắt buộc đến nay đã đạt được một số kết quả bước đầu như: Bộ máy quản trị, kiểm soát, điều hành được thay đổi; thanh khoản được cải thiện, đẩy lùi nguy cơ đổ vỡ ngoài tầm kiểm soát và rủi ro đối với hệ thống ngân hàng; bắt đầu có nguồn thu nhờ các hoạt động kinh doanh trong một số lĩnh vực an toàn dưới sự giám sát của NHNN…

Thời gian vừa qua, NHNN phát đi thông điệp về những cuộc “dạm ngõ” từ nhà đầu tư nước ngoài muốn tham gia, mua lại ngân hàng 0 đồng OceanBank. Theo ông Bùi Huy Thọ, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Quản lý cấp phép các TCTD và hoạt động ngân hàng, Cơ quan Thanh tra Giám sát NHNN, cho hay hiện đang có ngân hàng nước ngoài ngỏ ý muốn tham gia quá trình tái cơ cấu ngân hàng OceanBank.

Ông Thọ cũng cho rằng nhà đầu tư nước ngoài lần này rất nghiêm túc với thương vụ và rất muốn quá trình này thực hiện thành công. Nếu thương vụ M&A này được thực hiện thành công, Việt Nam sẽ có thêm một ngân hàng 100% vốn nước ngoài.

Hay mới đây, đại diện của Ngân hàng Quốc Dân (NCB) cho biết: Năm 2017, NCB dự kiến tăng vốn điều lệ thêm 3.000 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu chuyển đổi và thu hút thêm các cổ đông chiến lược nước ngoài, nâng tổng vốn điều lệ lên mức 6.010 tỷ đồng. Bên cạnh đó, NCB cũng đã ký hợp đồng chính thức với một ngân hàng lớn của Mỹ về tư vấn và lựa chọn đối tác cho ngân hàng.

Nới room để hấp dẫn hơn

Liên quan đến vấn đề nới “room” cho nhà đầu tư nước ngoài, theo NHNN, quy định tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại một ngân hàng thương mại Việt Nam không vượt quá 30% vốn điều lệ quy định tại Nghị định 01/2014/NĐ-CP là phù hợp với cam kết gia nhập WTO của Việt Nam. Để huy động nguồn lực tái cơ cấu hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu, NHNN cho biết sẽ có nghiên cứu tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đối với từng loại hình TCTD.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính - ngân hàng, cho biết với mức room như hiện nay, dễ hiểu khi nhà đầu tư nước ngoài không mặn mà đầu tư vào ngân hàng nội địa, đặc biệt là đối với những ngân hàng yếu, có nợ xấu lớn và đòi hỏi phải thay đổi căn bản phương thức quản lý, hệ thống quản trị rủi ro, nhất là rủi ro tín dụng.

Nhà đầu tư nước ngoài kỳ vọng phải được sở hữu ở mức đủ để bảo đảm vai trò quản trị theo luật lệ của Việt Nam, đồng thời theo thông lệ quốc tế tốt nhất. Cũng trên cơ sở này mới bảo đảm được tính minh bạch - một trong những nguyên tắc quan trọng nhất của quản trị và giám sát.

Chia sẻ mới đây, ông Nghĩa đề xuất: Có thể quy định room cho nhà đầu tư nước ngoài với các mức như sau: Cho phép được sở hữu 30% đối với ngân hàng thương mại khá, 51% đối với ngân hàng trung bình và thậm chí 100% đối với những ngân hàng yếu kém thực sự.

Chuyên gia ngân hàng TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định, với những cải tiến mạnh mẽ trong thời gian qua, ngành ngân hàng của Việt Nam đang gây chú ý với các nhà đầu tư đến từ châu Á. Còn đối với các nhà đầu tư đến từ phương Tây thì họ vẫn còn có chút ngờ vực vì họ cho rằng công nghệ ngân hàng của Việt Nam còn nhiều vướng mắc chưa lường đoán được, đặc biệt là những rủi ro trong hệ thống khi vấn đề Basel II chưa thể thực hiện.

Cũng theo ông Hiếu thì giải pháp tốt nhất đối với các nhà đầu tư nước ngoài khi muốn thâm nhập vào thị trường ngân hàng nội địa là hợp tác với một đối tác trong nước, mua lại toàn bộ một ngân hàng nội địa, hoặc thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam. Cả 3 phương án này hiện không phải là điều quá khó khăn.

Mai Trinh

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/can-co-che-de-nha-dau-tu-ngoai-me-ngan-hang-noi-d61488.html