Cần cơ chế đặc thù làm nhanh đường Vành đai 4 TP.HCM

Sau 13 năm nghiên cứu hướng tuyến và lập quy hoạch dự án Vành đai 4 TP.HCM, cơ quan chức năng vẫn đang loay hoay tìm phương án tối ưu để đầu tư.

Chưa thống nhất quy mô, phương án vốn

Dự án đường Vành đai 4 có tổng chiều dài 206,8km đi qua 5 tỉnh, thành phố. Trong đó, đoạn thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu dài 18,7km, Đồng Nai 45,6km, Bình Dương 47,45km, TP.HCM 17,3km và Long An 78,3km.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn phát biểu tại cuộc họp lấy ý kiến lãnh đạo các tỉnh, thành phố về phương án đầu tư Vành đai 4 TP.HCM ngày 22/2.

Sở GTVT TP.HCM là đơn vị chủ trì tổng hợp dữ liệu nghiên cứu hướng tuyến, phương án tài chính để trình Hội đồng vùng Đông Nam Bộ, Bộ GTVT phản biện trước khi trình Quốc hội thông qua trong năm 2024.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, các đoạn tuyến đang được các địa phương lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

Ở giai đoạn 1, dự án được thiết kế bề rộng mặt đường từ 22 - 27m, bao gồm 4 làn, dải phân cách cứng và 2 làn dừng khẩn cấp. Tổng mức đầu tư giai đoạn này khoảng hơn 106.000 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng 33.095 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng 47.258 tỷ đồng, các chi phí quản lý dự án và tư vấn khoảng 25.611 tỷ đồng.

Chủ trương chung, nguồn vốn ngân sách Nhà nước (gồm vốn Trung ương và vốn địa phương) tham gia 50%, còn lại kêu gọi đầu tư PPP.

Sau nhiều năm phối hợp giữa 5 địa phương cùng 3 đơn vị tư vấn, dự án được đề xuất hai phương án tổ chức thực hiện đầu tư. Phương án 1, các địa phương làm cơ quan có thẩm quyền triển khai các dự án thành phần đoạn tuyến qua tỉnh mình.

Phương án 2, gộp toàn bộ tuyến thành một dự án, trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư.

Theo thông tin của Báo Giao thông, các địa phương đã ký hợp đồng với 3 đơn vị tư vấn gồm: Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (Tedi), Công ty Cổ phần Tư vấn thiết kế GTVT phía Nam (Tedi South), Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng A2Z.

Cũng chính vì mỗi địa phương có một tư vấn nên đã xảy ra tình huống chênh lệch về chiều rộng làn đường, dải phân cách cứng. Thời gian hoàn vốn đầu tư dự kiến tại mỗi dự án thành phần cũng khác nhau.

Chẳng hạn, tại Long An, tuyến đường đi qua có chiều dài lên đến 78,3km, tổng mức đầu tư lên đến 47.068 tỷ đồng. Lãnh đạo địa phương này cho biết, ngân sách địa phương chưa thể cân đối được, ngay cả tham gia với mức 50% cũng khó thu xếp được, nên đề xuất Trung ương hỗ trợ 90%.

Khó khăn về vốn, vì vậy quy mô mặt cắt ngang của tuyến qua từng địa phương cũng được đề xuất chưa thống nhất. Mặt cắt ngang đoạn qua Long An chỉ rộng 22m, trong khi đoạn qua Bà Rịa – Vũng Tàu rộng 27m, Đồng Nai rộng 22m, Bình Dương rộng 24,75m, còn TP.HCM là 25,5m.

Cần cơ chế đặc thù

Phân tích các phương án, ông Trần Quang Lâm cho hay, nếu áp dụng phương án 1, bốn địa phương gồm TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu có đủ thẩm quyền thông qua chủ trương đầu tư. Riêng đoạn qua Long An, do dự án thuộc nhóm A, những địa phương không đủ nguồn vốn nên phải xin chủ trương của Trung ương.

TP.HCM đang tiến hành điều chỉnh hướng tuyến Vành đai 4 ra khỏi các khu dân cư giúp tiết kiệm chi phí giải phóng mặt bằng.

Nếu chọn phương án này, dự án có thể khởi công trong năm 2025, hoàn thành toàn tuyến năm 2028. Đoạn nào hoàn thành trước sẽ đưa vào khai thác trước.

Đối với phương án 2, quá trình đầu tư thuận lợi hơn bởi dễ dàng thống nhất các nội dung về quy mô đầu tư, giải pháp kết nối giữa các tỉnh, trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư một lần. Nhược điểm là tổng mức đầu tư rất lớn, khó tìm được nhà đầu tư đủ năng lực tài chính, kinh nghiệm cho toàn bộ dự án.

Phương án 2 cũng đồng nghĩa với kịch bản các địa phương phải thanh lý hợp đồng đã ký với các đơn vị tư vấn cũ và cùng ký lại hợp đồng mới với một đơn vị tư vấn thực hiện toàn bộ dự án. Điều này khiến tiến độ dự án khó đạt kỳ vọng khởi công trong năm 2025.

Ông Trần Quang Lâm cho biết, qua trao đổi với lãnh đạo Sở GTVT các tỉnh, thống nhất đề xuất tiếp tục nghiên cứu theo phương án 1.

Mặc dù vậy, để thực hiện phương án này, cần có cơ chế, chính sách đặc thù riêng áp dụng cho các dự án qua từng địa phương, được Quốc hội thông qua. Cụ thể, UBND cấp tỉnh được làm chủ quản, được sử dụng ngân sách địa phương và vốn hợp pháp khác thực hiện đầu tư, được sử dụng ngân sách địa phương này hỗ trợ địa phương khác.

Ngân sách Trung ương hỗ trợ TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu là 50% tổng mức vốn ngân sách tham gia dự án.

Riêng tỉnh Long An, ngân sách Trung ương hỗ trợ 90% vì địa phương này khó khăn. Cho phép tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án không vượt quá 70% tổng mức đầu tư dự án (thay vì chỉ 50%); cho phép chỉ định thầu các gói thầu tư vấn, di dời hạ tầng kỹ thuật, bồi thường, hỗ trợ tái định cư…

Ngoài ra, cần có cơ chế khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, cơ chế quản lý công trình sau đầu tư và quyết toán vốn đầu tư.

Sở GTVT TP.HCM cũng kiến nghị Bộ GTVT thống nhất chọn một đơn vị tư vấn chung cho toàn bộ tuyến. Trên cơ sở đó thống nhất về quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật chung, phân kỳ đầu tư của các dự án qua từng địa phương, tránh tình trạng mỗi địa phương một kiểu vì có từng tư vấn riêng.

Trong buổi làm việc mới đây với các địa phương để nắm tiến độ hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Vành đai 4, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cũng yêu cầu các cơ quan thuộc Bộ GTVT như: Cục Đường bộ, Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Viện Chiến lược và Phát triển GTVT tham mưu cho Bộ, khẩn trương hoàn thiện quy hoạch chi tiết, phân tích lưu lượng giao thông qua tuyến, cùng các địa phương đối chiếu, rà soát lại quy hoạch.

Đặc biệt, Thứ trưởng lưu ý phải đánh giá đầy đủ hiện trạng các khu công nghiệp, khu dân cư hiện hữu dọc tuyến để từ đó bố trí các nút giao phù hợp.

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng, cần sớm có đơn vị tư vấn tổng thể để hỗ trợ các địa phương rà soát từng đoạn, xây dựng phương án tài chính chung. "TP.HCM sẽ làm ngày làm đêm để cùng các địa phương hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trình Quốc hội vào giữa năm nay", ông Mãi nói.

TP.HCM: Điều chỉnh hướng tuyến để tránh nhà dân

Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết, đang phối hợp với UBND huyện Củ Chi cập nhật các vị trí đất nông nghiệp thuộc khu vực điều chỉnh hướng tuyến Vành đai 4.

Trước đây, Vành đai 4 trùng với các tuyến đường Bàu Lách, Nguyễn Thị Rành, Trung Viết, Cao Thị Bèo... (huyện Củ Chi), sẽ có khoảng 1.150 trường hợp bị ảnh hưởng. Phương án điều chỉnh mới nhất, chỉ khoảng 486 trường hợp bị ảnh hưởng. Hướng tuyến điều chỉnh mới phần lớn đi qua đất nông nghiệp, hạn chế tối đa qua các tuyến đường khu dân cư hiện hữu. Vì vậy, khối lượng giải phóng mặt bằng, chi phí bồi thường thấp.

Điều chỉnh này giúp rút ngắn thời gian thực hiện đầu tư, tạo điều kiện để khai thác các quỹ đất dọc tuyến (dự kiến khoảng 590ha) tạo nguồn thu cho ngân sách TP.HCM, góp phần mở rộng, phát triển khu công nghiệp, dịch vụ, khu đô thị mới dọc hai bên tuyến.

Quốc Quang

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/can-co-che-dac-thu-lam-nhanh-duong-vanh-dai-4-tphcm-192240226235954299.htm