Cần chú trọng quản lý đất công tại Pác Nặm

Những năm qua, công tác quản lý đất công trên địa bàn huyện Pác Nặm chưa thật sự chặt chẽ dẫn tới nhiều diện tích đất, công trình bị bỏ không lãng phí hoặc bị lấn chiếm…

Diện tích đất và trụ sở cũ của cơ quan Bảo hiểm xã hội huyện hiện nay còn bỏ hoang.

Pác Nặm là huyện vùng cao khó khăn nhất của tỉnh, giáp với các tỉnh Cao Bằng, Tuyên Quang và huyện Ba Bể. Huyện có 10 đơn vị hành chính cấp xã (chưa có thị trấn) gồm các xã An Thắng, Bằng Thành, Bộc Bố, Cao Tân, Cổ Linh, Công Bằng, Giáo Hiệu, Nghiên Loan, Nhạn Môn, Xuân La.

Tổng diện tích đất tự nhiên của huyện Pác Nặm là 47.539,13ha, chiếm 9,78% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Diện tích sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân hơn 24.424ha chiếm 51,38%; diện tích sử dụng đất của các tổ chức là 69,46ha chiếm 0,15%; diện tích sử dụng đất cộng đồng dân cư và cơ sở tôn giáo là 358,29ha, chiếm 0,78%; diện tích sử dụng đất của UBND cấp xã là hơn 22.370ha, chiếm 47,05%; diện tích sử dụng đất của cộng đồng dân cư và tổ chức khác là 316,56ha, chiếm 0,67%.

Qua rà soát, tổng số khu đất công sở, trụ sở cơ quan hành chính của huyện là 302 khu. Trong đó, 179 khu đất đã được cấp giấy chứng nhận; 123 khu đất chưa được cấp giấy chứng nhận. Các khu đất cơ bản sử dụng đúng ranh giới được giao, ổn định, không tranh chấp. Có 10 khu đất đã được cấp giấy chứng nhận nhưng nay thay đổi vị trí sử dụng do diện tích nhỏ so với nhu cầu sử dụng, gồm: 04 khu đất để hoang, 03 khu đất người dân sử dụng trồng cây hằng năm, 03 khu đất sử dụng vào các mục đích khác như xây trụ sở y tế, trường mầm non…

Cửa hàng Thương nghiệp cũ tại xã Bộc Bố bỏ hoang từ lâu.

Thực tế hiện nay việc quản lý đất công trên địa bàn huyện còn gặp nhiều khó khăn, nhiều diện tích đã bị lấn chiếm hoặc sử dụng vào mục đích khác. Một số khu đất đã thu hồi để xây dựng công trình nhưng không sử dụng hết, phần đất còn lại tiếp giáp liền kề với đất của các hộ dân đang sử dụng mà diện tích đất công còn lại không nhiều, không đủ tạo thành thửa để thực hiện bán đấu giá theo quy định. Diện tích đất công còn lại tiếp giáp mặt trước đất ở của hộ gia đình và tiếp giáp với đường giao thông, trong trường hợp này nếu hộ khác sử dụng thì hộ gia đình này không có lối vào nhà. Một số phần đất công còn lại nằm bên trong khu nhà dân và tiếp giáp với đất lâm nghiệp không có đường vào cũng gây khó khăn trong quản lý và sử dụng. Phần đất đã thu hồi mà các công trình không sử dụng hết diện tích nhỏ, manh mún, nằm ngoài tường bao và tiếp giáp với đất hộ gia đình nên rất khó quản lý, đặc biệt là các công trình giao thông.

Một số công trình thu hồi đất đã lâu, mất hiện trạng, hồ sơ lưu không đầy đủ, một số cơ quan đơn vị đại diện quản lý đất thay đổi qua nhiều thế hệ do đó việc quản lý, sử dụng đất không được chặt chẽ dẫn đến tình trạng đất bị lấn chiếm. Một số thửa đất mặc dù đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tuy nhiên không tiến hành cắm mốc cụ thể ngoài thực địa, không quản lý, sử dụng toàn bộ phần đất do Nhà nước giao mà chỉ quản lý, sử dụng phần diện tích tính từ tường rào trở vào, do đó vẫn còn tình trạng các hộ dân có đất liền kề lấn chiếm, sử dụng dẫn đến tranh chấp đất đai.

Bên cạnh đó, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng trung tâm theo giai đoạn 5 năm, 10 năm và định hướng phát triển nhưng chưa đền bù cho người dân. Thực tế, một số hộ gia đình không có vị trí đất khác để làm nhà ở hoặc vị trí nhà ở vướng vào quy hoạch đường giao thông, đất dự trữ phát triển nên khó khăn trong quản lý, đối thoại với Nhân dân khi có nhu cầu xây dựng mới, mặc dù có quy định được phép xây dựng có thời hạn.

Đồng chí Quách Văn Thuyết- Bí thư, Chủ tịch UBND xã Bộc Bố cho biết: Bộc Bố là xã trung tâm của huyện, thời gian qua xã thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, một số diện tích thuộc đất công được bàn giao cho địa phương quản lý nhưng cũng không đủ diện tích để xây dựng các công trình phúc lợi xã hội hoặc diện tích này nằm ngoài quy hoạch chung của huyện. Ngoài ra một số diện tích đất lưu không nằm trên đường tỉnh 258B trước đây Nhà nước đã thu hồi nhưng chưa sử dụng hết đã bị một số hộ dân lấn chiếm.

Để ngăn chặn, xử lý hành vi lấn chiếm, sử dụng đất không đúng mục đích, không đúng ranh giới, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với UBND các xã kiểm tra những trường hợp có dấu hiệu lấn chiếm đất công, đất dành cho đường bộ, xây dựng các công trình trái phép, san ủi đất cải tạo mặt bằng… Đồng thời tiến hành lập biên bản đối với các hộ vi phạm và yêu cầu trả lại hiện trạng đất ban đầu. Kịp thời nắm bắt thông tin, tuyên truyền vận động, hướng dẫn người dân chấp hành đúng các quy định của Nhà nước về quản lý đất công, đất dành cho đường bộ, kịp thời báo cáo xin ý kiến chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của các cơ quan chức năng…

Đồng chí Ma Văn Tuấn- Phó Chủ tịch UBND huyện Pác Nặm cho biết: Trong quá trình thực hiện công tác thu hồi đất giải phóng mặt bằng để xây dựng các công trình phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương đảm bảo đúng theo quy định, huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, đơn vị trực thuộc và UBND cấp xã thường xuyên rà soát tình hình quản lý sử dụng đất trên địa bàn và tổ chức kiểm tra, đề xuất xử lý nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật đối với các trường hợp vi phạm lấn chiếm, chuyển quyền sử dụng đất trái phép, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép. Đối với các diện tích đất công và công trình trụ sở không còn sử dụng, huyện đã rà soát cụ thể và có phương án đưa vào quy hoạch chung của huyện trong giai đoạn tới, sắp xếp lại các khu vực thuộc diện tích đất công. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là các diện tích đã quy hoạch chưa tạo được mặt bằng để xây dựng, trước mắt vẫn bố trí một số cơ quan làm việc tại các trụ sở cũ này.

Đối với tình hình quản lý, sử dụng đối với đất đã bồi thường giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án nhưng chưa sử dụng hết, huyện Pác Nặm cũng có các giải pháp cụ thể như: Thực hiện công tác giải phóng mặt bằng đảm bảo dân chủ, khách quan, người có đất, tài sản trên đất trong phạm vi giải phóng mặt bằng (GPMB) cùng phối hợp thực hiện; quá trình lập hồ sơ, xây dựng phương án chi trả đền bù bảo đảm theo quy định của Nhà nước và được thông qua tổ chức, cá nhân (người có đất, tài sản trên đất trong phạm vi GPMB) biết và nhất trí sau đó mới thực hiện chi trả bồi thường. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn; phát hiện, áp dụng các biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời việc xây dựng các công trình nhà ở, hạ tầng hình thành các khu dân cư mới trái phép trên đất nông nghiệp và kiên quyết buộc người có hành vi vi phạm phải khôi phục hiện trạng...

Huyện Pác Nặm cũng kiến nghị việc xem xét giao đất có thu tiền sử dụng đất không thông qua hình thức đấu giá đối với các phần đất đã thu hồi xây dựng công trình mà không sử dụng hết để giao cho các hộ gia đình, cá nhân có đất liền kề sử dụng. Sớm triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai trên địa bàn huyện để thuận lợi trong công tác quản lý nhà nước về đất đai, cập nhật, chỉnh lý biến động đất đai, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự an toàn xã hội tại địa phương./.

Nguyễn Nghĩa

Nguồn Bắc Kạn: http://baobackan.com.vn/xa-hoi/202109/can-chu-trong-quan-ly-dat-cong-tai-pac-nam-15d1fa2/