Cần chủ động điều chỉnh, đáp ứng yêu cầu khắt khe

Đằng sau các cảnh báo đầy áp lực Cục Quản lý Thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cũng còn là cơ hội để doanh nghiệp nỗ lực vượt qua chính mình, nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng thời, là điều kiện để các cơ quan chức năng điều chỉnh nhận thức, hành động.

Trong vòng 7 tháng kể từ đầu năm 2017, FDA đã có 32 lệnh cảnh báo đối với doanh nghiệp (DN) Việt Nam có hàng hóa xuất khẩu vào Hoa Kỳ.

Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu  lớn nhất của Việt Nam, với khoảng 1.485 cơ sở sản xuất được FDA cấp mã số kinh doanh hợp lệ, nhưng con số này hiện giảm xuống chỉ còn 806. Như vậy, có tới 679 cơ sở sản xuất tại Việt Nam đã bị hủy mã số kinh doanh do không tiến hành đăng ký lại hoặc đăng ký lại với FDA nhưng không đúng thủ tục hiện hành.

Tiêu chuẩn khắt khe

Theo Thống kê từ website của FDA giai đoạn từ 2009-2017, có đến gần 500 cảnh báo với các lô hàng của Việt Nam nhập khẩu vào Hoa Kỳ, chủ yếu đối với hàng thủy sản... Để được xuất khẩu những mặt hàng thuộc FDA quản lý vào thị trường Hoa Kỳ, bất cứ nhà  xuất khẩu nào cũng phải tuân thủ tất cả những yêu cầu, tiêu chuẩn rất khắt khe của tổ chức này và phải có được chứng nhận của FDA.

Theo thông lệ, FDA gửi cảnh báo hoặc thông báo trên các trang web của FDA đối với các lô hàng nhập khẩu vào Hoa Kỳ khi có vấn đề về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, các ngưỡng dư lượng hóa chất thuốc bảo vệ thực vật vượt quá cho phép, lỗi về hàng mẫu và cả vấn đề về ghi nhãn hàng hóa.

Đặc biêt, FDA cũng bắt lỗi cả những DN không chú ý cập nhật, tuân thủ những quy định mới về nhập khẩu vào Mỹ, như thay đổi mới về mã số DN xuất khẩu, với những thông tin bắt buộc DN cung cấp, như tên công ty, chủ sở hữu, địa chỉ, mặt hàng và nếu DN có thay đổi thông tin thì phải cập nhật lại trong 60 ngày (áp dụng kể từ ngày 25-6-2016); hoặc DN xuất khẩu vào Hoa Kỳ phải thông báo trước với Hải quan nước này khi hàng cập cảng, đối với đường bộ là 2 giờ, đối với đường sắt là 4 giờ và đường hàng không và đối với đường thủy là 6 giờ.

Đặc biệt, theo quy định mới về Luật Hiện đại hóa an toàn thực phẩm (ATTP) và sự dịch chuyển trách nhiệm trong điều tra nhập khẩu cá da trơn từ FDA sang Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), tất cả các nhà máy sản xuất thực phẩm chế biến phải đăng ký mới hoặc gia hạn đăng ký sau mỗi hai năm, bắt đầu từ năm 2016, trong khoảng thời gian từ 1-10 đến 31-12 hàng năm.

Nhập gia phải tùy tục

Theo Đại diện của Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam, các thông tin của FDA đều được cập nhật công khai và minh bạch trên trang web của FDA và không quá khó để tìm thấy những thông tin thay đổi mới, cũng như danh sách các doanh nghiệp Việt Nam bị “cảnh báo nhập khẩu” được cập nhật website của FDA.

Do không cập nhật thông tin kiểu như vậy, nhiều doanh nghiệp Việt Nam thuộc diện bị cảnh báo này sẽ đối diện với nguy cơ bị thanh tra của FDA giám sát tại nơi sản xuất, bị kéo dài thời gian kiểm tra hàng nhập khẩu và thông quan, kéo theo các chi phí tốn kém và hệ lụy khó kiểm soát, thậm chí có thể không còn được phép tiếp tục xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ.

Bởi vậy, DN cần quan tâm đầu tư, bố trí bộ máy, nhân lực và chi phí cần thiết để chủ động nắm bắt thông tin, quy định mới từ thị trường xuất khẩu, kịp thời xử lý, điều chỉnh và đáp ứng chúng, từ đó duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh và cơ hội xuất khẩu của mình.

Bên cạnh đó, cần tăng vai trò hỗ trợ của cơ quan chức năng, như Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ; Đại diện thương mại, Đại sứ quán Việt Nam và nhất là các hiệp hội DN ngành hàng Việt Nam trong hỗ trợ DN nâng cao ý thức và năng lực về an toàn thực phẩm, đa dạng và chuyên nghiệp hóa hoạt động cung cấp các thông tin, quy định mới cập nhật về thị trường nước ngoài cho các DN.

Với tinh thần đó, sáng kiến của Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao về xây dựng bộ tiêu chí "Hàng Việt Nam chất lượng cao - Chuẩn hội nhập” là rất đáng hoan nghênh. Bộ tiêu chí này cần được cập nhật và hội tụ những tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm của Việt Nam và quản lý chất lượng quốc tế có tính phổ quát phù hợp hoặc tương đương, hướng tới cụ thể hóa các tiêu chuẩn của FDA, tiêu chuẩn BRS của Hiệp hội Bán lẻ Anh quốc, tiêu chuẩn IFS của Hiệp hội Thực phẩm Đức…

“Nhập gia tùy tục”, trong bối cảnh ngày càng hạ thấp hàng rào thuế quan theo cam kết hội nhập, thì việc nâng cấp các hàng rào phi thuế quan, bao gồm cả các lệnh Cảnh báo nhập khẩu nêu trên, là xu hướng mới và ngày càng mở rộng ở cả Hoa Kỳ và nhiều nước khác. Đằng sau những cảnh báo này là quyền lực và mục tiêu hợp pháp của nước nhập khẩu; là yêu cầu cập nhật và tuân thủ các quy định mềm ngày càng khắt khe của thị trường xuất khẩu bắt buộc DN cần thực hiện.

Hơn nữa, đằng sau các cảnh báo đầy áp lực này cũng còn là cơ hội để DN nỗ lực vượt qua chính mình, nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng thời, là điều kiện để các cơ quan chức năng điều chỉnh nhận thức, hành động, dần định hình và vận hành hiệu quả hơn các hàng rào kỹ thuật đa dạng, trực tiếp và gián tiếp góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo vệ các DN trong nước trên hành trình hội nhập và phát triển.

Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Minh Phong

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/kinh-doanh/can-chu-dong-dieu-chinh-dap-ung-yeu-cau-khat-khe/745572.antd