Cần chiến lược dài hạn bảo vệ thị trường xăng dầu trong nước

Dù vẫn được điều hành êm xuôi theo Nghị định 83 của Chính phủ, nhưng như ông Phan Thế Ruệ - nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu cảnh báo, sự êm xuôi này chủ yếu do giá thế giới liên tục giảm, chứ nếu giá tăng thì “coi chừng”.

Sức ép giảm thu thuế nhập khẩu do các cam kết thông qua các hiệp định thương mại tự do cũng khiến cơ cấu thu ngân sách đối với xăng dầu phải điều chỉnh, nhưng thu đến mức nào để ngân sách vẫn đảm bảo mà không gây sức ép quá lớn lên người dân, doanh nghiệp chính là bài toán nhiều đại biểu băn khoăn tại hội thảo do Hiệp hội Xăng dầu tổ chức sáng 16-5.

Ủng hộ tăng thu trong nước để bù đắp thuế nhập khẩu

Thị trường xăng dầu Việt Nam dưới sức ép của các hiệp định thương mại tự do đang có thay đổi khá lớn, đặc biệt là sức ép giảm thu ngân sách từ thuế nhập khẩu, do đó phải tăng thu từ thuế nội địa.

Thị trường xăng dầu trong nước thời gian vừa qua khá bình yên chủ yếu do giá thế giới liên tục giảm chứ không phải từ chính sách phù hợp.

“Việt Nam tham gia rất nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) và mỗi FTA lại cam kết rất khác nhau. Ví dụ, trong khuôn khổ hiệp định với ASEAN thì thuế xăng là 20%, nhưng hiệp định với Hàn Quốc lại là 10%. DN hoàn toàn có quyền tìm thị trường thuế thấp để nhập. Bộ Tài chính từng có ý định truy thu khoản thuế này, nhưng truy thu là rất vô lý, nên năm 2016 đã ra chính sách thuế bình quân gia quyền” – nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển nêu thực tế. Tuy nhiên, thuế bình quân gia quyền cũng chỉ là động thái đối phó trước mắt.

“Việc này nảy sinh một vấn đề khác là tất cả đều dồn vào Hàn Quốc để nhập khẩu sẽ bị động về giá, không loại trừ DN sẽ trả thêm tiền để hưởng thuế thấp. Nên chăng, chúng ta lấy mức thuế nhập khẩu thấp nhất áp dụng cho tất cả? Vì trước sau DN cũng “chui” vào thị trường đó để nhập, thuế cũng chỉ được từng ấy (thuế bình quân gia quyền quý II theo Bộ Tài chính công bố là 10,21% với xăng, không chênh lệch nhiều so với mức thuế 10% của ASEAN), mà tính như vậy DN có thể tự do lựa chọn thị trường nhập khẩu, không bị ép giá, không phải trả thêm cho người nước ngoài hưởng lợi” – ông Trương Đình Tuyển gợi ý.

Theo ông Phan Thế Ruệ - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu thì sức ép về mở cửa thị trường, cân đối bù đắp ngân sách, chất lượng xăng dầu... là những việc cần nghiên cứu. “Trong điều kiện thuế giảm sâu thì chúng ta phải có chiến lược điều chỉnh lại toàn bộ thuế nội địa: thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế môi trường trước, đến 2024 phải điều chỉnh cả VAT.

Lộ trình tăng thuế bảo vệ môi trường lên 8 nghìn đồng/lít chưa rõ là năm nào, chúng tôi rất ủng hộ. Chúng tôi cũng đã có nhiều văn bản đề nghị Bộ Tài chính đưa thuế trong nước lên. Thuế, phí trong cơ cấu giá bán lẻ xăng dầu nên ở mức trên 50% để đảm bảo nguồn thu ngân sách” – ông Phan Thế Ruệ nêu ý kiến.

Sức ép từ các nhà phân phối nước ngoài ở sau lưng

Việt Nam không cam kết mở cửa thị trường xăng dầu, các nhà đầu tư nước ngoài không được thiết lập hệ thống phân phối xăng dầu ở Việt Nam, về nguyên tắc là như vậy, nhưng nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển vẫn lo ngại thị trường xăng dầu sẽ bị DN nước ngoài thôn tính.

Có 2 “cửa” để các DN nước ngoài có thể làm việc này: Thứ nhất là DN đầu tư vào các dự án lọc hóa dầu có quyền thiết lập mạng lưới phân phối của họ ở thị trường Việt Nam, đơn cử như Nghi Sơn có quyền làm việc này. Ông Tuyển nhận định, việc này “hơi ngược với cam kết, nhưng buộc phải chấp nhận mới thu hút được nhà đầu tư vào lọc dầu”. Thứ hai, khi DN trong nước lên sàn, như Petrolimex chẳng hạn, thì nhà đầu tư nước ngoài có quyền mua cổ phiếu, có thể sở hữu đến 49% doanh nghiệp.

“Giữa cam kết và thực thi có khoảng cách. Như Việt Nam không cam kết mở cửa thị trường phân phối dược phẩm. Khi ta đấu thầu mua thuốc theo điều khoản mua sắm công, nhà đầu tư nước ngoài trúng thầu cũng không được phép đưa thuốc đến tận bệnh viện, mà phải qua 1 công ty phân phối của Việt Nam. Ta làm chặt đến vậy. Nhưng công ty phân phối lên sàn thì nhà đầu tư nước ngoài có thể mua cổ phần. Những việc này đến nay chưa có phương án xử lý” – ông Trương Đình Tuyển phân tích và nêu thực trang sự phối hợp giữa các bộ không hợp lý dẫn đến mỗi nơi cam kết 1 kiểu: Chính phủ cam kết thuế xăng 7% với dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn trong vòng 10 năm đầu đi vào sản xuất kinh doanh (2018 – 2028), nếu thấp hơn mức thuế đó, Chính phủ sẽ phải bù; nhưng theo cam kết với Hàn Quốc, đến 2023 thuế xăng sẽ về 5%. Đây là lỗi của nhà đàm phán - các bộ phối hợp với nhau không tốt, là 1 khiếm khuyết các cơ quan Nhà nước phải tính đến.

“Chính phủ cần đưa ra chiến lược phát triển thị trường xăng dầu dài hạn, ít nhất từ nay đến 2024, nhất là có mở cửa thị trường xăng dầu hay không. Tại sao lại là mốc này? Vì đây là thời điểm thuế xăng theo cam kết ATIGA và Hàn Quốc về 0%, là mốc rất quan trọng. Tôi làm Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ 5 năm, ban đầu các DN nước ngoài vào phối hợp với DN Việt Nam, dần dần họ chiếm toàn bộ vốn và biến siêu thị của Việt Nam thành siêu thị của họ, đưa hàng hóa nhập khẩu vào, tác động rất lớn đến sản xuất trong nước. Đó là một kinh nghiệm. Thị trường xăng dầu nếu chúng ta không tỉnh táo thì sẽ bị “nặng” hơn. Chính phủ có mở cửa hay không mở cửa cũng phải dứt khoát để có các biện pháp phi thuế quan bảo vệ thị trường trong nước” – ông Phan Thế Ruệ nhấn mạnh.

Vũ Hân

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/tai-chinh-ngan-hang/can-chien-luoc-dai-han-bao-ve-thi-truong-xang-dau-trong-nuoc-441411/