Cần chiến lược bài bản cho ngành cà phê

Giá cà phê liên tục lập kỷ lục khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cà phê đối mặt với thua lỗ do đã ký hợp đồng bán trước đó với giá thấp. Theo các chuyên gia, cần nhanh chóng có chiến lược bài bản và quản trị rủi ro cho ngành hàng này để cả nông dân và doanh nghiệp cùng thắng.

Mua giá cao, bán giá thấp

Theo số liệu sơ bộ từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, giá cà phê xuất khẩu trung bình quý I.2024 đạt 2.373 USD/tấn, tăng 6,8%. Tuy nhiên, theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA), thực tế từ đầu năm đến nay, giá cà phê xuất khẩu trung bình ở mức rất cao, lên đến 3.200 USD/tấn.

Giá xuất khẩu tăng cao đã kéo theo giá cà phê trong nước cũng đạt mức cao nhất trong vòng hơn 30 năm. Giá cà phê ngày 10.4 tăng thêm 500 đồng/kg và lập mốc giá kỷ lục mới là 105.000 đồng/kg. Hiện, giá mua trung bình tại các tỉnh Tây Nguyên là 104.800 đồng/kg, giá mua cao nhất tại tỉnh Đắk Nông là 105.000 đồng/kg.

Nhìn lại thị trường có thể thấy cơn sốt giá cà phê bắt đầu “nóng” từ cuối năm ngoái; cụ thể, vào tháng 11.2023, giá cà phê dao động từ 59.000 - 60.000 đồng/kg nhưng chỉ một tháng sau đã tăng lên 69.000 đồng/kg và đến đầu năm 2024 vượt 80.000 đồng/kg; đà tăng giá vẫn chưa dừng lại, sang tháng 3.2024 đạt 86.000 đồng/kg.

Một doanh nghiệp cà phê tại Lâm Đồng cho biết, giá cà phê nguyên liệu tăng gấp đôi trong mấy tháng gần đây, khiến doanh nghiệp trở tay không kịp khi càng bán càng lỗ. Lý do là hợp đồng bán ký kết trước đó với giá thấp, nay thu mua giá cao nhưng vẫn phải bán với giá đã ký.

“Thời gian từ lúc ký hợp đồng đến lúc giao hàng khoảng 7 tháng. Hợp đồng được ký kết thực hiện cho cả một năm với giá thu mua cũ khoảng 50.000 - 60.000 đồng/kg. Chúng tôi phải thực hiện đúng hợp đồng dù đang bán với giá thấp hơn 5 - 10% so với chi phí sản xuất”, đại diện một doanh nghiệp chia sẻ.

Trong khi giá cà phê càng tăng, doanh nghiệp cũng không dám nhập cà phê dự trữ mà chỉ nhập đủ số lượng để giao nốt những đơn hàng đã ký. Hiện 1 tấn cà phê, doanh nghiệp phải chịu lỗ hàng chục triệu đồng, trong khi hợp đồng cà phê lên tới hàng trăm đến hàng nghìn tấn.

Hài hòa lợi ích

Phó Chủ tịch VICOFA Đỗ Hà Nam nhận định, trong lịch sử ngành cà phê nước ta chưa bao giờ giá cà phê tăng như vậy; Việt Nam đang là nguồn cung cà phê lớn thứ 2 của thế giới, đây cũng là sản phẩm thiết yếu, chỉ đứng sau lương thực ở nhiều quốc gia, nhất là tại châu Âu. Thêm vào đó, nguồn cung trong nước liên tục thiếu sẽ tiếp tục đẩy giá cà phê lên cao trong thời gian tới.

Theo ông Nam, khi khách hàng các nước đã quen với hương vị cà phê robusta của Việt Nam thì việc thay thế sang nguồn hàng khác không phải dễ. Tuy nhiên, nếu giá cà phê duy trì mức cao trong thời gian dài, khách hàng buộc phải thay thế nguồn cung từ Brazil hay Indonesia.

Đại diện Công ty Phúc Sinh cho biết, phần lớn người mua cà phê trên toàn thế giới thích cà phê Robusta của Việt Nam hơn cà phê Robusta conilon của Brazil nhưng với tình hình giá cao mua khó như hiện nay, các doanh nghiệp rang xay cà phê lớn trên thế giới đã chuyển đổi một phần qua Brazil.

Khi mùi vị của khách hàng điều chỉnh, lúc đó, hàng của Việt Nam sẽ không còn quan trọng và chắc chắn ảnh hưởng đến cả ngành cà phê. Do đó, cần có giải pháp, chiến lược để phát triển bền vững ngành cà phê, Phó Chủ tịch VICOFA Đỗ Hà Nam nhấn mạnh.

Đại diện Cục Trồng trọt, cho biết, nước ta có 1 triệu hộ trồng tham gia sản xuất trên 660.000ha cà phê nhưng sự kết nối giữa các chủ thể trồng cà phê còn rời rạc; trong nhiều năm, chúng ta đã thay đổi công tác giống, sản xuất, giữ được chất lượng cà phê nhưng chưa đủ mà phải đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng, truy xuất nguồn gốc, trồng trên đất không phá rừng… theo sự phát triển của yêu cầu trong nước và thế giới. Theo Cục Trồng trọt, giải pháp sắp tới không phải là vấn đề kỹ thuật, doanh nghiệp tìm kiếm thị trường, chế biến mà làm cách nào người sản xuất và xuất khẩu đạt được sự hài hòa lợi ích cá nhân với lợi ích quốc gia để thúc đẩy chuỗi giá trị cho hạt cà phê. Và, bài học của cà phê không chỉ cho cây cà phê mà cho nhiều cây trồng khác.

Theo các chuyên gia, cần nhanh chóng có chiến lược bài bản, cả dài hạn và ngắn hạn, và đặc biệt là bài toán quản trị rủi ro cho ngành hàng cà phê. Bảo đảm lợi nhuận của nông dân là hết sức cần thiết, là chìa khóa cho nguồn cung cà phê. Cùng với đó, chuỗi liên kết ngành cà phê cần chặt chẽ hơn nữa, dẫu cho giá cà phê có lên cao cũng không phá vỡ được chuỗi này, để cho doanh nghiệp và nông dân cùng thắng.

Vũ Quang

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/can-chien-luoc-bai-ban-cho-nganh-ca-phe-i366018/