Cận cảnh viên đá cổ nhất Việt Nam gần 3 tỷ năm tuổi

Viên đá có tuổi đời gần 3 tỷ năm được phát hiện tại huyện Trấn Yên (tỉnh Yên Bái), đang trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội.

Bảo tàng Hà Nội (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đang trưng bày triển lãm chuyên đề “Lịch sử hình thành Trái Đất thông qua bộ sưu tập hiện vật hóa thạch” do Bảo tàng Hà Nội và Bảo tàng Hóa thạch Hà Nội phối hợp thực hiện. Tại đây, nhiều mẫu hóa thạch có niên đại từ hàng triệu đến hàng tỷ năm.

Điểm nhấn của triển lãm là viên đá cổ nhất Việt Nam được xác định có niên đại 2,936 tỷ năm. Ở Việt Nam, nhiều tài liệu về địa chất qua hàng trăm năm nghiên cứu đã khoanh vùng 2 nơi có chứa những loại đá cổ Arkei (Thái Cổ), là địa khối Kon Tum ở Tây Nguyên và dãy núi Con Voi ở Tây Bắc Bộ.

Vào năm 2001, viên đá này được PGS.TS Trần Ngọc Nam (nguyên Chủ nhiệm khoa Địa lý - Địa chất Trường Đại học khoa học, Đại học Huế) phát hiện tại khu vực thác nước Hưng Khánh, thuộc dãy Con Voi (huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái).

Để có thể xác định tuyệt đối niên đại của mẫu vật, PGS.TS Trần Ngọc Nam đã mang sang phòng thí nghiệm hiện đại bên Nhật Bản, áp dụng phương pháp phân tích đồng vị U/pb, một trong những phương pháp xác định niên đại tinh vi nhất bằng trắc phóng xạ với độ chính xác gần như tuyệt đối. Kết quả thí nghiệm cho thấy niên đại 2,936 tỷ năm, thuộc đại Mesoarkei - tuổi đá cổ nhất lãnh thổ Việt Nam ngày nay.

Cùng chung sở thích liên quan đến khảo cổ học, hai bạn Minh Vũ và Tài Võ (sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền) trầm trồ chia sẻ: “Chúng mình bị bất ngờ và ấn tượng về viên đá, không ngờ được rằng Việt Nam lại có mẫu vật mang niên đại khủng cỡ này”.

Có niềm đam mê đến các bảo tàng để nạp thêm kiến thức mới mẻ, chị Đào Khánh (Hà Nội) cho hay: "Ngày còn đi du học Đức, mình đã có sự thích thú, tìm hiểu những câu chuyện của những vật trưng bày trong bảo tàng. Hôm nay, mình không khỏi ngạc nhiên và muốn tận mắt chứng kiến những mẫu vật kì lạ, có tuổi đời từ hàng triệu năm cho đến tỷ năm để hiểu hơn về lịch sử hình thành Trái Đất. Ngoài ra, người đã sưu tập đã làm mình rất thán phục về đam mê khảo cổ, chi phí, quá trình xây dựng để cho công chúng xem và hiểu hơn về Trái Đất. Mình nghĩ tiền vé tham quan cũng không đủ cho bộ sưu tập này”.

Ngoài ra, hóa thạch răng siêu cá mập Megalodon - loài cá mập lớn nhất hành tinh cho đến hiện tại - đã tuyệt chủng cũng được trưng bày. Đến nay, loài “hung thần” này vẫn là đề tài của nhiều nhà làm phim thêu dệt những tác phẩm kinh dị, giật gân gây ám ảnh người xem.

Hóa thạch răng của siêu cá mập Megalodon, lực cắn của loài này có thể lên đến 18 tấn, độ dài 20 m, mạnh gấp khoảng 6 lần khủng long bạo chúa và gấp 200 lần lực cắn của con người.

Hàng trăm mẫu hóa thạch cúc đá được trưng bày trong triển lãm. Cúc đá là nhóm động vật không xương sống, chúng thuộc lớp Chân đầu (Caphalopoda), có quan hệ gần gũi với các dạng sống như bạch tuộc, ốc Anh vũ.

Hóa thạch san hô cổ đại được trưng bày trong triển lãm, đây là cũng là hóa thạch đặc biệt được Bảo tàng Hóa thạch Hà Nội đăng ký trở thành Bảo vật quốc gia.

Tại không gian trưng bày triển lãm của Bảo tàng Hà Nội, gần 1.200 mẫu vật hóa thạch được trưng bày, phục vụ khách tham quan. Chuyên đề “Lịch sử hình thành Trái Đất thông qua bộ sưu tập hiện vật hóa thạch” trưng bày sẽ kéo dài từ 11/2023 đến 5/2024.

Theo Zing.vn

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/giai-tri/can-canh-vien-da-co-nhat-viet-nam-gan-3-ty-nam-tuoi/258727.htm