Cận cảnh những dự án hạ tầng trăm tỷ chậm tiến độ ở Quảng Nam

Nhiều dự án, công trình trị giá hàng trăm tỷ đồng phục vụ dân sinh thi công 'rùa bò' khiến người dân mòn mỏi đợi chờ.

Nhiều năm qua, cầu Máng bắc qua sông Trường Giang, nối liền 2 xã Tam Tiến và Tam Xuân 1 (huyện Núi Thành) là nỗi ám ảnh của người dân. Cầu xây dựng cách đây gần 40 năm với mục đích dẫn nước phục vụ cho nông nghiệp

Tuy nhiên, để rút ngắn quãng đường sang trung tâm huyện, người dân xã Tam Tiến “liều mình” di chuyển qua cầu này, nhất là các em học sinh. Khoảng 10 năm trở lại đây, cầu Máng đã xuống cấp nghiêm trọng khi mặt cầu bong tróc, xuất hiện dày đặc các vết nứt, trụ bằng bê tông cốt thép nằm ngả nghiêng, trơ lõi sắt. Chính sự rệu rã của cây cầu đã xảy ra nhiều vụ việc thương tâm và trở thành nỗi ám ảnh của người dân

Năm 2019, dự án cầu Tam Tiến được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt đầu tư xây dựng để thay thế cầu Máng phục vụ bà con đi lại khiến người dân rất vui mừng. Cầu và đường dẫn có tổng chiều dài 4,18km, tổng mức đầu tư 220 tỷ đồng, do UBND huyện Núi Thành làm chủ đầu tư. Dự án đặt mục tiêu bàn giao vào tháng 11/2022

Thế nhưng, tới thời điểm hiện tại, cây cầu vẫn còn trong dang dở bởi dự án chậm tiến độ do hàng loạt nguyên nhân. Đại diện nhà thầu thừa nhận việc chậm thi công cầu Tam Tiến là do chủ đầu tư chưa bàn giao mặt bằng cho công ty và vật liệu như đất để đắp nền không đủ đáp ứng thi công

Tại huyện Duy Xuyên, dự án đường tránh lũ kết hợp phát triển đô thị Nam Phước cũng ngổn ngang. Trong đó, cầu Tây An 1 gồm 9 nhịp dầm bê tông cốt thép dự ứng lực dài 33m, chiều dài toàn cầu 306,6m; cầu Tây An 2 gồm 2 nhịp dầm bằng bê tông cốt thép dự ứng lực dài 33m, chiều dài toàn cầu 77,75m

Dự án được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt với kinh phí gần 250 tỷ đồng, do UBND huyện Duy Xuyên làm chủ đầu tư; khởi công từ tháng 4/2020 và dự kiến tháng 4/2023 đưa vào sử dụng. Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, dự án vẫn dang dở và UBND huyện Duy Xuyên đã phải gia hạn cho đơn vị thi công đến ngày 31/12/2023 để hoàn thành công trình

Hiện tại, 2 cây cầu Tây An 1 và Tây An 2 thuộc dự án trên dù đã hoàn thiện cơ bản các hạng mục nhưng vẫn "đắp chiếu" vì chưa có đường dẫn với lý do… thiếu đất đắp nền

Tại huyện miền núi Phước Sơn, sau đợt mưa lũ năm 2020, nhiều tuyến giao thông liên xã trên địa bàn huyện bị sạt lở nghiêm trọng, đặc biệt là tuyến Phước Kim - Phước Thành - Phước Lộc. Để đảm bảo giao thông thông suốt, ổn định cuộc sống người dân, UBND tỉnh Quảng Nam quyết định phê duyệt 2 dự án gồm: Dự án đầu tư xây dựng công trình khôi phục, tái thiết tuyến ĐH1.PS (đoạn xã Phước Kim - Phước Thành, tổng mức đầu tư 150 tỷ đồng) và dự án đầu tư xây dựng công trình khôi phục, tái thiết tuyến ĐH2.PS (đoạn xã Phước Thành - Phước Lộc, tổng mức đầu tư 152 tỷ đồng)

Cả 2 dự án này đều do UBND huyện Phước Sơn làm chủ đầu tư. Thời gian thực hiện dự án từ 2021 đến 2024. Tuy nhiên, thời gian qua, tiến độ thi công 2 tuyến đường trên vẫn hết sức ì ạch. Đến nay, đơn vị thi công mới triển khai xây dựng, sửa chữa hệ thống cầu cống, các hạng mục còn lại bị hỏng chưa được khắc phục

Theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất huyện Phước Sơn, tính đến tháng 7/2023, giá trị khối lượng đạt được của 2 nhà thầu trên tuyến ĐH1.PS chỉ đạt 30,22% giá trị hợp đồng; giá trị khối lượng đạt được của 4 nhà thầu trên tuyến ĐH2.PS chỉ đạt 14,435% giá trị hợp đồng

So với hợp đồng thi công đã ký kết, nhà thầu thi công tuyến ĐH1.PS không đảm bảo. Từ ngày 1/6/2023, nhà thầu đã tạm dừng thi công để chờ ý kiến chỉ đạo và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về giá cả vật tư tăng cao. Còn đối với dự án ĐH2.PS, các nhà thầu tham gia dự án thực hiện không đảm bảo theo hồ sơ dự thầu, thậm chí có nhà thầu không triển khai thi công

Sơn Tùng

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/an-ninh-kinh-te/can-canh-nhung-du-an-tram-ty-cham-tien-do-o-quang-nam_151920.html