Cận cảnh khu vực dự án xây cầu 3.700 tỷ nối khu Nam vào trung tâm TP.HCM

Có tổng mức đầu tư 3.735 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố, cầu Nguyễn Khoái được đánh giá là có vai trò quan trọng tháo gỡ ùn tắc giao thông kết nối giữa trung tâm và khu Nam TP. HCM

Hiện trạng và toàn cảnh cầu Nguyễn Khoái sau khi hoàn thành (Nguồn: Sở GTVT TP. HCM)

Vừa qua, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM có Tờ trình gửi UBND TP về việc nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh Dự án xây dựng cầu đường Nguyễn Khoái (quận 1, quận 4 và quận 7). Theo đó, trong tổng mức đầu tư dự án là 3.735 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 1.264 tỷ đồng, chi phí xây dựng khoảng 1.748 tỷ đồng.

Hiện trạng và đầu tuyến cầu Nguyễn Khoái kết nối với quận 1 sau khi hoàn thành (Nguồn: Sở GTVT TP. HCM)

Cầu đường Nguyễn Khoái có phần cầu dài khoảng 2,5 km; phần đường dài hơn 2,3 km; các nhánh cầu dẫn có tổng chiều dài hơn 1,3 km. Nhánh cầu chính sẽ xây dựng cầu vượt kênh Tẻ, tiếp tục đi trên cao bằng cầu cạn theo đường Nguyễn Khoái, sau đó vượt rạch Bến Nghé để kết nối vào đường Võ Văn Kiệt theo hai nhánh cầu riêng biệt N7 và N8. Dự án cũng có 8 cầu bộ hành kết nối với các tuyến đường.

Theo thiết kế sơ bộ, có hai cầu nhánh N1, N2 kết nối từ cầu Nguyễn Khoái - Trần Đình Xu lên xuống từ đường Trần Xuân Soạn; hai nhánh N3, N4 dọc đường Tôn Thất Thuyết giao thông hai chiều để lên xuống cầu cạn, đáp ứng nhu cầu giao thông quận 1 - quận 4 và quận 4 - quận 7. Trong khi, hai nhánh N5, N6 kết nối từ cầu Nguyễn Khoái - Trần Đình Xu lên xuống từ đường Võ Văn Kiệt.

Hiện trạng đầu tuyến Nguyễn Khoái kết nối qua quận 7

Phía bên kia kênh Bến Nghé là đại lộ Võ Văn Kiệt, tuyến huyết mạch Đông – Tây của thành phố và đường Trần Đình Xu kết nối khu trung tâm quận 1. Phía bên kia kênh Tẻ là đường Hoàng Trọng Mậu (quận 7) dẫn về khu dân cư Him Lam, kết nối với đường D1. Từ đường D1, có thể tiếp tục di chuyển đến đường Nguyễn Hữu Thọ hoặc đại lộ Nguyễn Văn Linh. Như vậy, khi cầu đường Nguyễn Khoái hình thành, người dân có thể di chuyển từ quận 1 qua quận 4 và đến quận 7 thuận lợi hơn.

Đầu tuyến đường Nguyễn Khoái giao đường Tôn Thất Thuyết

Ghi nhận của VietnamFinance cho thấy, đường Nguyễn Khoái hiện hữu rộng khoảng 12m, có 2 chiều lưu thông với lưu lượng xe đi lại khá đông vào giờ cao điểm. Điểm cuối đường Nguyễn Khoái tiếp cận đường Tôn Thất Thuyết và kênh Tẻ có nhiều nhà cửa sát bờ kênh. Điềm đầu tiếp cận đường Bến Vân Đồn và kênh Bến Nghé khá khang trang.

Đầu tuyến đường Nguyễn Khoái giao đường Bến Vân Đồn

Theo các chuyên gia giao thông, quận 4 có vị trí như một cù lao bao quanh là sông và kênh rạch. Quận 4 kết nối với quận 7 thông qua cầu Kênh Tẻ, Tân Thuận 1 và Tân Thuận 2; kết nối với quận 1 bằng cầu Ông Lãnh, Calmette và Khánh Hội. Quận 1 và quận 5 kết nối quận 4 và quận 8 thông qua cầu Nguyễn Văn Cừ. Vào giờ cao điểm, lưu lượng xe di chuyển giữa khu trung tâm và Khu Nam rất lớn thông qua quận 4 gây ùn tắc trầm trọng tại các vị trí kết nối trên và đường Nguyễn Tất Thành. Bởi vậy, dự án cầu đường Nguyễn Khoái khi đưa vào vận hành sẽ giảm áp lực giao thông đáng kể tại khu vực này.

Sơ đồ các điểm kết nối thường xuyên ùn tắc giao thông trong khu vực và vị trí cầu Nguyễn Khoái

Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết, dự án cầu đường Nguyễn Khoái là một trong 10 dự án giao thông UBND TP. HCM sẽ trình HĐND TP. HCM thông qua điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án cầu đường Nguyễn Khoái, dự kiến thực hiện đầu tư năm 2024 và hoàn thành năm 2027.

Nam Phương

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/can-canh-khu-vuc-du-an-xay-cau-3700-ty-noi-khu-nam-vao-trung-tam-tphcm-20180504224291430.htm