Cần cảnh giác khi mua sách, tài liệu qua điện thoại

Thời gian qua, một số đối tượng giả mạo cán bộ cơ quan đảng, nhà nước, tổ chức xã hội để chào bán sách, tài liệu không rõ nội dung, nguồn gốc nhằm trục lợi trái phép. Vì vậy, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh cần cảnh giác hơn nữa đối với những cuộc điện thoại chào bán sách; cần sớm thông báo với cơ quan liên quan, lực lượng chức năng để có biện pháp ngăn chặn kịp thời.

Quyển sách “Tả Ao địa lý toàn thư” mà chị H. đã mua qua điện thoại không đúng như giới thiệu ban đầu -Ảnh: TÚ LINH

Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Quảng Trị Nguyễn Khánh Vũ cho biết, khoảng đầu tháng 4/2022, anh nhận được cuộc điện thoại xưng danh là lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng giới thiệu và đề nghị mua 11 quyển sách có giá 10 triệu đồng. Thấy cơ quan Trung ương Đảng giới thiệu nên sau một hồi trao đổi, Văn phòng Tỉnh ủy đồng ý mua số lượng sách như đề xuất trên với hình thức thanh toán bằng chuyển khoản qua ngân hàng. Thế nhưng bên bán sách không đồng ý với hình thức thanh toán này, mà yêu cầu thanh toán bằng tiền mặt.

Nghi ngờ đây là một vụ mạo danh để lừa đảo, anh Vũ liền gọi điện thoại báo cáo Văn phòng Trung ương Đảng để xác minh sự việc thì nhận được trả lời là không có việc bán sách như nói trên. Trước tình hình này, anh Vũ lập tức đề xuất Văn phòng Trung ương Đảng điện thoại cho các văn phòng tỉnh ủy và văn phòng thành ủy tại các địa phương thông báo sự việc để kịp thời ngăn chặn hành vi lừa đảo như trên.

Trước sự việc này, ngày 20/4/2022, Văn phòng Trung ương Đảng có Thông báo số 1166/CV-VPTW/nb gửi văn phòng các tỉnh ủy, thành ủy về việc ngăn chặn tình trạng giả mạo chào bán sách. Nội dung văn bản nêu: Thời gian vừa qua, Văn phòng Trung ương Đảng nhận được thông tin của một số văn phòng tỉnh ủy, thành ủy phản ánh về việc có người gọi điện thoại (từ nhiều số điện thoại khác nhau không trong danh bạ điện thoại) xưng danh là lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng để giới thiệu và đề nghị mua sách về văn phòng cấp ủy (mỗi nơi đề nghị mua 11 cuốn khoảng 10 triệu đồng).

Về thông tin nêu trên, Văn phòng Trung ương Đảng có ý kiến như sau: Việc giới thiệu, mời mua sách như nêu trên là mạo danh lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng để lấy danh nghĩa, uy tín của Văn phòng Trung ương Đảng chào bán sách không rõ nội dung và nguồn gốc để trục lợi bất hợp pháp. Đề nghị văn phòng các tỉnh ủy, thành ủy cảnh giác đối với các cuộc điện thoại chào bán sách, đồng thời có biện pháp để kịp thời ngăn chặn các đối tượng giả mạo như nêu trên hoạt động trên địa bàn địa phương mình.

Theo chức năng, nhiệm vụ thì Văn phòng Trung ương Đảng chỉ thực hiện việc phát hành, cấp phát văn kiện, tài liệu của Đảng, các cuốn sách của Tổng Bí thư được cơ quan chức năng cấp phép xuất bản và được tổ chức in tại các công ty in của Đảng. Khi phát hành tài liệu, Văn phòng Trung ương Đảng sẽ có văn bản gửi đến các cơ quan, đơn vị; tuyệt đối không giới thiệu, chào mời bằng hình thức điện thoại trực tiếp.

Không những tổ chức mà có không ít cá nhân trên địa bàn tỉnh cũng bị các đối tượng mạo danh, lừa đảo để bán sách có nội dung không rõ ràng với giá cao. Ông Bùi X.V. ở thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh cho biết, vừa qua ông nhận được cuộc gọi điện thoại di động từ một người phụ nữ xưng tên là Bùi T.H., thành viên của Ban đại diện họ Bùi của Việt Nam, đang chuẩn bị tổ chức ra mắt tập sách về truyền thống tự hào của Tộc phả họ Bùi với nhiều đóng góp trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam.

Người phụ nữ này còn khẳng định thêm, tên tuổi của những người mang họ Bùi như ông V. đều được ghi rõ ràng trong sách vì đã có nhiều đóng góp cho tỉnh Quảng Trị. Nhận điện thoại, ông V. rất vui mừng khi biết dòng họ mình có những người tâm huyết, quan tâm hướng về cội nguồn, có trách nhiệm với quê hương, đất nước, nên ông đã đồng ý mua ngay 1 quyển sách với giá hơn 700 nghìn đồng, giao sách qua đường bưu điện đến địa chỉ nhà riêng của ông và thanh toán tiền theo hình thức ship cod (nhận hàng mới thanh toán tiền). Khoảng 3 ngày sau, nhân viên bưu điện giao bưu phẩm đến người nhận.

Trả tiền xong, khi bóc gói bưu phẩm ra xem, ông V. thất vọng hoàn toàn vì đó không phải là sách Tộc phả họ Bùi mà là tập tài liệu giới thiệu về gia phả dòng tộc Việt Nam nói chung, chỉ có vài trang nhắc đến họ Bùi nhưng không phải họ Bùi ở thị trấn Hồ Xá của ông. Ông V. liền gọi điện thoại cho người phụ nữ Bùi T.H. nói trên nhưng điện thoại không liên lạc được. Đến lúc đó ông V. mới biết mình đã bị lừa. Khi ông V. đem câu chuyện của mình ra để cảnh báo cho người quen thì được biết có không ít người cũng bị mắc lừa tương tự trường hợp của ông.

Nghiên cứu sinh về ngành văn hóa xã hội tên N.T.H. ở TP.Đông Hà vừa được một người xưng là đại diện nhà xuất bản tại Hà Nội gọi điện giới thiệu có sách mới tái bản rất giá trị là “Tả Ao địa lý toàn thư” bìa cứng, giấy in láng, số lượng tái bản có hạn. Nhận thấy đây là quyển sách quý, sẽ giúp ích nhiều cho đề tài nghiên cứu, chị H. không ngần ngại, liền chuyển tiền đặt mua ngay 1 quyển với giá ghi trên bìa. Khi nhận sách, chị té ngửa vì đây là một quyển sách phô tô từ trang bìa đến trang ruột, vi phạm bản quyền, giấy in mỏng, tối màu, chữ nhem, đọc không rõ, hoàn toàn không đúng với giới thiệu ban đầu. Thất vọng, chị gọi điện để khiếu nại thì nhận được câu trả lời chị gọi nhầm số và tắt máy.

Theo Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Trị, hành vi mạo danh, giả danh để bán sách là vi phạm pháp luật, cần có biện pháp ngăn chặn kịp thời và xử lý theo quy định. Các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cần nâng cao cảnh giác, khi nhận được các cuộc điện thoại lạ đề nghị hoặc yêu cầu mua sách, tài liệu… cần thu thập lại thông tin cụ thể của đối tượng, kịp thời thông báo đến cơ quan chức năng để xác minh, làm rõ nhằm tránh bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Tú Linh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=168698&title=can-canh-giac-khi-mua-sach-tai-lieu-qua-dien-thoai