Cán cân trong gia đình

Trong gia đình có từ hai con trở lên, làm thế nào để yêu thương các con như nhau, đối xử với chúng công bằng, không thiên vị, trở thành vị quan tòa công tâm nhất luôn là những việc không dễ mà cha mẹ phải đối mặt hàng ngày.

Tình cảm và hành động của cha mẹ góp phần hình thành nên nhân cách các con, ảnh hưởng trực tiếp đến “hòa khí’ giữa chúng. Yêu thương nhau hơn hay thù hận, ghét bỏ nhau cũng đều do cách cư xử của người lớn, của những người làm cha, làm mẹ.

Cha mẹ luôn giữ ổn định tâm lý cho con trẻ

Chuẩn bị tâm lí cho con

Nếu cha mẹ có ý định sinh thêm em bé, nhất định phải làm tốt công tác tư tưởng cho con đầu lòng. Làm như vậy sẽ tránh cho trẻ cảm giác bị ra rìa. Điều quan trọng, cha mẹ phải khiến con cảm thấy hạnh phúc hơn, tự hào hơn khi gia đình chuẩn bị đón thành viên mới. Vì khi đó, con sẽ lớn hơn, chững chạc hơn, ra dáng hơn trong vai trò anh, chị.

Tuyệt đối không bao giờ nói với con theo kiểu: Bố mẹ vẫn yêu con nhất. Mà nên hướng con đến tình cảm ý nghĩa hơn, sâu sắc hơn: Ba người chúng ta sẽ dành tình yêu thương cho nhau, cho em bé!. Lúc ấy, con sẽ cảm thấy mình thật quan trọng. Và đương nhiên tự con thấy sẽ phải có trách nhiệm với em bé mà không sợ mất vị trí nhất nhì.

Đừng để con có cảm giác bị bỏ rơi

Nhiều cha mẹ phân trần: Khi có thêm đứa con thứ hai, việc chăm sóc, quan tâm đến các con như nhau là rất khó. Thậm chí đứa lớn bị ăn mắng nhiều hơn vì giúp mẹ không kịp thời, vì em hay quấy khóc, và vì nhiều thứ linh tinh khác. Chính trong giai đoạn này, trẻ lớn trở nên đáng thương nhất. Vừa không nhận được tình cảm trọn vẹn của cha mẹ, vừa bị cha mẹ trách móc nhiều.

Không ít trẻ vì thế cứ nghĩ mình là con rơi, con xin, con nuôi. Trong tuần, cha mẹ nên thay nhau ngủ với con lớn, trò chuyện, tâm tình để con hiểu nuôi một đứa trẻ bé tí vất vả như thế nào. Và “ngày xưa, con cũng được chăm sóc y như vậy...”

Công bằng trong công việc và chuyện ăn uống

Khi rèn con cái làm việc nhà, bố mẹ phải chia đều phần việc. Bé việc nhẹ, lớn việc nặng hơn. Tránh tình trạng đổ hết trách nhiệm lên vai đứa lớn. Hoặc các em làm sai điều gì cũng quy tội cho con lớn. Như thế, chúng sẽ rất tủi thân. Chuyện ăn uống cũng vậy. Từ bé, cha mẹ nên hình thành quan điểm cho con thật rõ ràng: Ăn cho đều. Không có chuyện đứa lớn phải nhường cho đứa bé phần hơn. Đồ ăn không làm riêng theo kiểu: Anh không ăn được món này món kia. Chăm sóc các con như nhau là cha mẹ đã cho con cảm giác được yêu thương.

Là cái cân trong các mâu thuẫn

Quan trọng, khi giữa các con có mâu thuẫn gì, dù nhỏ, cha mẹ cũng phải tìm hiểu tường tận vấn đề để giải quyết triệt để. Không để trẻ ấm ức. Đối diện với các tình huống đúng- sai, cha mẹ phải là cái cân, không xử nặng-nhẹ cho con nào. Bởi nếu không làm tốt việc đó, cha mẹ sẽ khiến con có suy nghĩ tiêu cực từ bé: Làm gì có công bằng.

Duy Mai

Nguồn Gia Đình VN: http://www.giadinhvietnam.com/gia-dinh/nep-nha/can-can-trong-gia-dinh-d101303.html