Cán bộ xã “ăn chặn” tiền của thân nhân liệt sĩ hàng chục năm trời

Bằng cách “ỉm” thông tin, chế độ ưu đãi của Nhà nước với các anh hùng liệt sĩ khiến đối tượng không được hưởng chế độ, hàng chục năm qua, một cán bộ xã đã ăn chặn tiền của các thân nhân liệt sĩ.

Điều đáng nói, trong danh sách nhận chế độ ưu đãi, hàng chục thân nhân liệt sĩ thôn Thái Bảo (xã Nam Sơn, TP.Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) đã có người ký và nhận tiền hộ.

“Cháy nhà ra mặt chuột”

Theo tìm hiểu của PV báo ĐS&PL, tại thôn Thái Bảo hiện có nhiều gia đình thân nhân liệt sĩ chưa nhận được tiền điều dưỡng tại nhà theo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng. Điều đáng nói, Pháp lệnh trên có hiệu lực từ năm 2005, nhưng cán bộ xã phụ trách công tác lao động thương binh và xã hội đã không thông báo đến thân nhân, đối tượng được hưởng chế độ này.

Mới đây, nhiều gia đình liệt sĩ đã làm đơn đến các cơ quan chức năng và báo ĐS&PL tố cáo cán bộ xã phụ trách công tác đền ơn đáp nghĩa đã “ăn chặn” tiền do Nhà nước ưu đãi với người có công với cách mạng.

Để tìm hiểu thực hư vụ việc, PV báo ĐS&PL tìm về thôn Thái Bảo gặp vợ chồng anh Nguyễn Văn Đức (SN 1981) và chị Nguyễn Thị Lộc (SN 1976). Hai vợ chồng anh Đức đều là người khuyết tật. Hiện, vợ chồng anh Đức, chị Lộc đang nuôi ông nội Nguyễn Văn Chắc (94 tuổi, bố liệt sĩ Nguyễn Văn Đắc). Cụ Nguyễn Văn Chắc chỉ nằm một chỗ nên mọi việc đều do vợ chồng người cháu lo liệu.

Chị Nguyễn Thị Lộc bức xúc: “Ông nội tôi là bố liệt sĩ, thuộc đối tượng được hưởng ưu đãi theo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng có hiệu lực từ năm 2005. Theo đó, bố, mẹ, vợ hoặc chồng liệt sĩ cứ 5 năm một lần và 2 năm một lần đối thân nhân có con duy nhất là liệt sĩ hoặc có 2 con liệt sĩ trở lên sẽ được hưởng chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe. Thân nhân liệt sĩ sẽ được đi điều dưỡng tập trung tại các trung tâm điều dưỡng của Nhà nước với mức chi trả 1.500.000 đồng/người/lần. Trường hợp điều dưỡng tại nhà sẽ được hưởng 800.000 đồng/người/lần. Năm 2012, Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng được sửa đổi. Thời gian xét ưu đãi giảm từ 5 năm xuống 2 năm một lần và 2 năm xuống còn 1 năm một lần. Đồng thời chế độ chi trả cũng tăng lên tương ứng 2.220.000 đồng và 1.110.000 đồng/người/lần. Tuy nhiên, hơn chục năm nay, ông nội tôi không hề nhận được thông báo hay nhận một đồng nào”.

Chị Lộc phản ánh thêm: “Ngày 22/7 vừa rồi, tôi đến phòng Lao động thương binh và xã hội của thành phố hỏi về chế độ của ông nội tôi thì phát hiện có người đã ký hộ tên tôi và nhận tiền. Thực tế, đó không phải là chữ ký của tôi và tôi cũng không nhận khoản tiền đó. Tôi về hỏi một số gia đình liệt sĩ trong thôn, họ cũng như tôi, không hề biết thông tin được hưởng chế độ và chưa nhận tiền nhưng vẫn có người ký thay để nhận tiền”.

Theo tìm hiểu của PV báo ĐS&PL, tại xã Nam Sơn có khoảng 150 thân nhân liệt sĩ được hưởng chế độ điều dưỡng, nhưng chỉ riêng thôn Thái Bảo (1 trong 9 thôn thuộc xã Nam Sơn) có đến 6 thân nhân đã làm đơn tố cáo cán bộ phụ trách là ông Nguyễn Thế Khu đã ăn chặn tiền ưu đãi người có công với cách mạng lên các cấp.

Vợ chồng anh Đức, chị Lộc và bà Hợp đặt câu hỏi cả xã Nam Sơn còn bao người cả chục năm chưa được nhận tiền chế độ (ảnh Thành Long).

Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Hợp (77 tuổi, vợ liệt sĩ Nguyễn Đăng Thơ) vô cùng bức xúc: “Nhân ngày thương binh liệt sĩ 27/7 năm ngoái, tôi hỏi một số người thì họ cho biết đã được hưởng chế độ điều dưỡng từ năm 2005. Đến hỏi ông Khu, cán bộ phụ trách công tác Lao động, Thương binh, Xã hội xã thì ông này nói vì tôi đi vắng nên gửi hàng xóm nhà tôi ký và lấy tiền hộ. Nhưng tôi khẳng định tôi chưa nhận tiền. Quá tức giận, tôi đã nói: “Ông không thể ăn cả xương máu của chồng tôi, những người đã hy sinh để ông được làm cán bộ”. Tôi nói sẽ làm đơn lên các cấp, lúc đó, ông Khu mới xin lỗi và đưa cho tôi 1.110.000 đồng và nhờ tôi ký vào sổ đã nhận tiền, nhưng không phải ngày thực tế hôm đó mà đã lùi lại từ năm 2014”.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Hợp, thời điểm đó, bà cứ nghĩ chỉ có bà và chị gái là bà Nguyễn Thị Dõng (vợ liệt sĩ Nguyễn Đăng Kiết) bị nhầm lẫn, thiếu sót nên đã nhận tiền và ký vào sổ. Ai ngờ có quá nhiều người trong xã này không hề được thông báo được hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước và trong trường hợp không đi điều dưỡng tập trung và điều dưỡng tại nhà sẽ được nhận 50% kinh phí so với người đi điều dưỡng tập trung.

Quá bức xúc trước việc làm của ông Nguyễn Thế Khu, cán bộ phụ trách, 6 gia đình liệt sĩ đã làm đơn tố cáo gửi lên các cấp. Ngay lập tức, ông Khu đã gõ cửa từng nhà liệt sĩ để xin lỗi, trả tiền và nhờ họ ký nhận tiền, nhưng ngày tháng sai thực tế cả năm trời, thậm chí nhiều năm hợp thức hóa sổ sách.

Sổ chi trả thất lạc và không nhớ...?!

Theo tìm hiểu của PV, tại thời điểm năm 2015, khi có một số thân nhân liệt sĩ nắm bắt được thông tin mình thuộc đối tượng được Nhà nước ưu đãi chế độ điều dưỡng đã đến “truy” cán bộ phụ trách. Lúc này ông Khu mới chi trả chế độ đối với thân nhân liệt sĩ lần đầu, còn ai không biết thì coi như không có chuyện gì xảy ra.

Đến gần ngày 27/7 năm 2016, nhiều gia đình mới biết mình được hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước cách đây cả chục năm đã đến hỏi ông Khu thì mọi việc mới vỡ lẽ gia đình bị cán bộ xã ăn chặn. Chị Nguyễn Thị Lộc bất bình nói: “Nếu chúng tôi không nắm được thông tin thì mãi mãi không biết mình được hưởng chế độ cả chục năm mà không hề hay biết. Đến khi phản ánh, làm đơn tố cáo lên các cấp, ông Khu mới đến từng nhà xin và “giải quyết hậu quả” bằng cách trả tiền 1.110.000 đồng và nhờ các thân nhân ký nhận. Ban đầu ông Khu còn chối cãi và cứ khăng khăng đã trả cho các gia đình đầy đủ, tuy nhiên, mọi người đều nói không nhận được một đồng”.

Làm việc với PV báo ĐS&PL, ông Nguyễn Thế Khu phân trần: “Tôi đã thông báo về chế độ ưu đãi của Nhà nước đối với các gia đình liệt sĩ được hưởng chế độ từ năm 2006 hay 2007 trên loa truyền thanh của xã. Đa phần các hộ đã nhận chế độ, chỉ còn một ít hộ chưa nhận”.

Trong quá trình tìm hiểu của PV về vụ việc, người dân nơi đây còn cung cấp clip ghi lại hình ảnh ông Nguyễn Thế Khu đến nhà một gia đình thân nhân liệt sĩ xin lỗi và trả lại số tiền đã “quên chưa trả”. Khi PV yêu cầu ông Khu cung cấp sổ sách ghi chép tất cả thân nhân liệt sĩ trong xã đã nhận tiền chế độ cụ thể vào các thời gian nào. Tuy nhiên, ông Khu nói: “Sổ chi trả chế độ điều dưỡng cho thân nhân liệt sĩ tôi ghi ra sổ tay, nhưng đang bị thất lạc”.

Theo tìm hiểu của PV báo ĐS&PL, ông Nguyễn Thế Khu được UBND xã Nam Sơn giao phụ trách công tác lao động thương binh và xã hội đã thay mặt các thân nhân liệt sĩ nhận tiền từ ngân sách và chi trả cho đối tượng thụ hưởng. Tuy nhiên, thân nhân liệt sĩ phản ánh thì ông Khu đã không chi trả cho người dân và để hợp thức hóa báo cáo lên cấp trên, ông Khu đã ký hộ.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Bàn, Chánh Thanh tra sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Ninh cho biết: “Chúng tôi đã nắm được đơn thư phản ánh của một số thân nhân liệt sĩ. Qua điều tra, xác minh ban đầu vụ việc đã rõ có vi phạm, làm sai của cán bộ xã trong việc chi trả chế độ ưu đãi của Nhà nước đối với gia đình thân nhân liệt sĩ. Chúng tôi đã có công văn yêu cầu phòng Lao động, Thương binh và Xã hội TP. Bắc Ninh nhanh chóng làm rõ những vấn đề tồn tại ở xã Nam Sơn”.

Cán bộ có dấu hiệu vi phạm

Làm việc với PV báo ĐS&PL, ông Nguyễn Văn Hanh, Chủ tịch UBND xã Nam Sơn thừa nhận: “Vụ việc liên quan đến một số thân nhân liệt sĩ trong xã đã có đơn phản ánh, tố cáo cán bộ chuyên môn của xã liên quan đến chế độ điều dưỡng là có. Qua xác minh ban đầu chúng tôi đã thấy những dấu hiệu vi phạm của cán bộ, đảng viên. Chúng tôi cũng yêu cầu ông Khu, cán bộ phụ trách làm bản tường trình và báo cáo. Ngoài ra, phòng, sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Ninh cũng đã thành lập tổ xác minh để làm rõ về vụ việc. Khi có kết quả chúng tôi sẽ họp để đưa ra hình thức kỷ luật đúng người đúng tội”.

VŨ PHƯƠNG

Xem thêm video:

Đọc báo Pháp luật Đời Sống trong ngày cập nhật liên tục từng giờ tại chuyên mục Pháp Luật

Nguồn ĐS&PL: http://www.doisongphapluat.com/phap-luat/tinh-huong-phap-luat/can-bo-xa-an-chan-tien-cua-than-nhan-liet-si-hang-chuc-nam-troi-a166218.html