Cán bộ đăng kiểm bị khởi tố vẫn đi làm: Có đúng quy định?

Ngành đăng kiểm phải huy động cả cán bộ bị khởi tố được tại ngoại đi làm vì năng lực kiểm định hiện chỉ đạt trên 50% số lượng phương tiện có nhu cầu. Việc này dẫn đến nhiều tranh cãi trong dư luận.

Nguyên tắc suy đoán vô tội

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Tô An, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, do thiếu nhân viên đăng kiểm nên vừa qua đơn vị phải sử dụng 12 đăng kiểm viên đã bị khởi tố (đang được tại ngoại) để vận hành lại hai trung tâm đăng kiểm từng bị tạm dừng hoạt động ở Hà Nội.

Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, từ khi cơ quan công an điều tra, khám xét, khởi tố, bắt nhiều cán bộ, nhân viên tại các trung tâm đăng kiểm, nhiều đăng kiểm viên bỏ việc, không muốn đi làm, thậm chí đổ bệnh vì quá mệt mỏi, áp lực.

Đối với thắc mắc, người bị khởi tố có thể đi làm được không, Luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa (Hệ thống dịch vụ pháp lý toàn quốc Luật sư X) thì cho rằng, theo nguyên tắc suy đoán vô tội, không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án có hiệu lực pháp luật. Khi bị khởi tố, họ chỉ bị hạn chế một số quyền. Những đăng kiểm viên này vẫn có các quyền của công dân, trong đó có quyền lao động.

Bên cạnh đó, luật sư trích dẫn Điều 30 Bộ Luật Lao động hiện hành quy định các trường hợp tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động. Theo đó, các trường hợp tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động bao gồm người lao động bị tạm giữ, tạm giam theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.

Điều 34 Bộ Luật Lao động cũng quy định, các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động gồm: Người lao động bị kết án phạt tù nhưng không được hưởng án treo, hoặc không thuộc trường hợp được trả tự do theo quy định tại khoản 5 Điều 328 của Bộ Luật Tố tụng hình sự.

Người lao động bị tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong hợp đồng lao động theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

Ngoài ra, Luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa cũng dẫn giải Nghị định số 112/2020/NĐ-CP ngày 18/9/2020 của Chính phủ qui định về xử lý kỷ luật viên chức, nêu: "Các trường hợp chưa xem xét kỷ luật gồm: Cán bộ, công chức, viên chức đang bị khởi tố, tạm giữ, tạm giam chờ kết luận của cơ quan có thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử về hành vi vi phạm pháp luật, trừ trường hợp theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

Theo đó, viên chức đã bị khởi tố nhưng chưa có bản án vẫn chưa bị xem xét kỷ luật. Họ được phép tiếp tục công việc và hưởng lương cho đến khi có bản án có hiệu lực pháp luật.

Như vậy, đăng kiêm viên bị khởi tố đang tại ngoại được trở lại tiếp tục làm việc là phù hợp với các quy định pháp luật.

Tuy nhiên, theo Luật sư Nghĩa, do người lao động này đã bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú nên việc đi lại sẽ gặp nhiều khó khăn.

"Theo tôi, nếu nơi làm việc và nơi bị can cư trú cùng một xã, phường thì người bị khởi tố vẫn có thể đi làm bình thường. Còn nếu nơi làm việc và nơi cư trú của bị can ở hai tỉnh khác thì khi đi khỏi nơi cư trú, bị can phải xin phép và được sự cho phép của chính quyền địa phương nơi bị can cư trú", vị chuyên gia pháp lý chia sẻ thêm.

Đăng kiểm viên bị khởi tố nhưng được tại ngoại tiếp tục làm việc là không đúng luật

Còn theo PGS.TS Đoàn Thị Phương Diệp cho biết, căn cứ theo Điều 17 Nghị định 139/2018 (quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới) thì đăng kiểm viên sẽ bị tạm đình chỉ tham gia hoạt động kiểm định từ 1-3 tháng trong trường hợp làm sai lệch kết quả kiểm định hoặc Không tuân thủ đúng quy định, quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và các hướng dẫn có liên quan đến công tác kiểm định.

"Các đăng kiểm viên vừa rồi bị khởi tố do các hành vi theo Điều 17 Nghị định 139/2018. Do đó, trong trường hợp này phải tạm đình chỉ công việc đối với các đăng kiểm viên. Nói cách khác, việc cho các đăng kiểm viên bị khởi tố nhưng được tại ngoại tiếp tục làm việc là không đúng luật", PGS.TS Phương Diệp nêu quan điểm.

PGS.TS Phương Diệp nhấn mạnh, việc để các đăng kiểm viên nói trên tiếp tục làm việc là "mạo hiểm", có thể gây hệ lụy và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân. Và cần căn cứ vào Điều 18 Nghị định 139/2018 để thu hồi giấy chứng nhận đăng kiểm viên.

Cũng theo PGS.TS Phương Diệp, từng ngành, nghề sẽ có nội quy riêng biệt (phù hợp với các quy định của luật) và thông thường công chức, viên chức, người lao động đang bị khởi tố, điều tra sẽ bị tạm đình chỉ công tác chờ đến khi có kết luận chính thức từ phía cơ quan có thẩm quyền.

Theo Điều 18 Nghị định 139/2018 đăng kiểm viên bị thu hồi giấy chứng nhận đăng kiểm viên trong các trường hợp sau:

Vi phạm một trong các khoản của Điều 17 của Nghị định này đến mức gây hậu quả nghiêm trọng liên quan đến an toàn phương tiện.
Làm giả các hồ sơ để được cấp giấy chứng nhận đăng kiểm viên.
Bị tạm đình chỉ tham gia hoạt động kiểm định từ 02 lần trong thời gian 12 tháng liên tục.
Bị kết tội bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án.
Bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.
Không trực tiếp thực hiện công tác kiểm định hoặc hướng dẫn, đánh giá nghiệp vụ đăng kiểm viên quá 12 tháng trở lên.
Cùng một thời điểm làm việc tại hai đơn vị đăng kiểm trở lên.

Điều 19: Trình tự tạm đình chỉ tham gia hoạt động đăng kiểm, thu hồi giấy chứng nhận đăng kiểm viên:

1. Cục Đăng kiểm Việt Nam ban hành quyết định tạm đình chỉ, thu hồi giấy chứng nhận đăng kiểm viên, thông báo đến các cơ quan liên quan để phối hợp thực hiện và công bố trên trang thông tin điện tử của Cục Đăng kiểm Việt Nam.

2. Đăng kiểm viên phải nộp lại giấy chứng nhận đăng kiểm viên cho Cục Đăng kiểm Việt Nam (đối với trường hợp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng kiểm viên), đồng thời dừng việc tham gia kiểm định xe cơ giới tại đơn vị đăng kiểm ngay sau khi quyết định có hiệu lực.

3. Đăng kiểm viên bị thu hồi giấy chứng nhận đăng kiểm viên chỉ được xem xét cấp lại giấy chứng nhận đăng kiểm viên xe cơ giới sau 36 tháng kể từ ngày thu hồi.

Quốc Thanh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/can-bo-dang-kiem-bi-khoi-to-van-di-lam-co-dung-quy-dinh-5711012.html