Căn bệnh khiến lá gan của cô gái 23 tuổi thâm tím

Mới 23 tuổi nhưng lá gan của K. thâm tím do nhiễm mỡ và viêm nặng. Bác sĩ yêu cầu cô giảm cân để cứu bộ phận tiêu hóa quan trọng này.

Gan thâm tím vì nhiễm mỡ

N.H.K. (trú tại Hà Nội) béo phì từ nhỏ. Từ bé, cô đã ăn không biết no, luôn nặng gấp đôi các bạn cùng trang lứa. Khi trưởng thành, K. tăng lên 100kg. 18 tuổi K. được ba mẹ cho đi du học, cân nặng của cô ngày càng tăng hơn.

Cuối năm 2023, K. về nước và được gia đình đưa đến bệnh viện khám để điều trị béo phì. BMI của K. lên tới 50 (130kg). Siêu âm đàn hồi, bác sĩ phát hiện K bị gan nhiễm mỡ nặng kèm theo nhiều rối loạn chuyển hóa.

Khi phẫu thuật cho bệnh nhân, PGS Nguyễn Anh Tuấn - Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật ống tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội) bất ngờ khi gan của cô gái thâm tím nhiễm mỡ. Người bình thường có gan màu đỏ, mịn, đàn hồi tốt.

Bác sĩ khuyên K. cần giảm cân gấp vì tình trạng gan nhiễm mỡ ngày càng nặng, xơ hóa, không phục hồi tế bào. Để giải quyết tình trạng này, cô gái trẻ quyết định giảm cân ngoại khoa bằng nội soi thu nhỏ dạ dày.

Bác sĩ Tuấn cho biết giới trẻ hiện nay ăn uống thiếu khoa học dẫn tới tình trạng thừa cân, béo phì. Những người này ăn nhiều, thực phẩm dư đường chuyển hóa tại gan và tích tụ lại. Ở người béo, nồng độ triglyceride và axit béo tự do trong máu tăng, tích mỡ gan. Lâu dài, người bệnh bị gan nhiễm mỡ, viêm gan mạn tính, xơ gan không hồi phục. Vì vậy, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng người béo phì có nguy cơ ung thư biểu mô tế bào gan cao gấp 4 lần. Nguy cơ này cao gấp 100 lần đối với người béo phì bị tiểu đường và mang virus viêm gan B hoặc virus viêm gan C.

Bác sĩ Tuấn phẫu thuật cho bệnh nhân. Ảnh: BSCC.

Bác sĩ Tuấn khuyến cáo, những người béo phì cần giảm cân để phục hồi gan. Khả năng bình phục phụ thuộc vào mức độ tổn thương ban đầu, thời gian, cách giảm cân và tình trạng sức khỏe tổng thể. Đối với các tổn thương gan nghiêm trọng hơn như viêm gan mỡ không cồn có hại, xơ gan hoặc ung thư gan phải điều trị chuyên sâu thuốc, liệu pháp y tế hoặc phẫu thuật theo thể trạng, mức độ bệnh.

Trong đó, người bệnh ưu tiên thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt có thể làm đảo ngược tình trạng gan nhiễm mỡ.

5 thực phẩm tốt cho gan

Theo Phó giáo sư Tuấn, người bệnh gan nhiễm mỡ lưu ý những thực phẩm cần ưu tiên như: nghệ, chanh, táo, đu đủ, trà xanh…

Củ nghệ có tác dụng ngăn ngừa bệnh gan nhiễm mỡ và kích thích cơ thể tiêu hóa chất béo, làm giảm lượng chất béo tích tụ trong gan.

Chanh là loại trái cây có múi chứa vitamin C, là chất chống oxy hóa tự nhiên giúp gan sản xuất glutathione, đóng vai trò quan trọng trong việc giải độc tố cho cơ thể. Chanh chứa hợp chất naringenin làm giảm chứng viêm gan do nhiễm mỡ.

Giấm táo chiết xuất từ táo thúc đẩy việc giảm cân và làm giảm lượng chất béo tích tụ bên trong gan.

Trà xanh chứa đầy chất chống oxy hóa và chất dinh dưỡng quan trọng đối với cơ thể, hỗ trợ chức năng não, giảm nguy cơ ung thư, tiêu diệt vi khuẩn và đốt cháy chất béo trong cơ thể. Trà xanh là thức uống tốt cho gan nhiễm mỡ không do rượu.

Bồ công anh có tác dụng chuyển hóa các chất béo trong gan, kích hoạt chức năng gan tốt và giúp điều trị bệnh gan nhiễm mỡ do béo phì.

Đu đủ có những lợi ích tuyệt vời trong việc chữa lành xơ gan. Đu đủ giúp đốt cháy chất béo trong gan và do đó rất tốt để chữa

Nước ép bưởi có các chất chống oxy hóa mạnh, tăng cường chức năng hoạt động của gan.

Căn cứ vào các chỉ số cơ bản như ALT, AST, GGT và ALP, bác sĩ sẽ chẩn đoán được một người có mắc bệnh gan hay không. Ở người có sức khỏe bình thường, chỉ số này nằm trong các khoảng sau:

- Chỉ số AST <= 37 IU/L.
- Chỉ số ALT <= 40 IU/L.
- Chỉ số GGT từ 3-37 IU/L.
- Chỉ số ALP nằm trong khoảng 30-110 IU/L.

Các chỉ số cao hơn mức trên cảnh báo gan của bạn đã có vấn đề. Ở các bệnh nhân bị gan nhiễm mỡ, 2 chỉ số quan trọng ALT và AST có thể tăng cao 2-3 lần so với bình thường.

Phương Thúy

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/co-gai-23-tuoi-gan-tham-tim-vi-beo-2266700.html