Cần bảo đảm sự thống nhất giữa dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với Luật Lâm nghiệp

Thực tiễn cho thấy, mặc dù đất rừng và rừng có mối quan hệ mật thiết với nhau, rừng là tài nguyên, tài sản gắn liền với đất lâm nghiệp nhưng bị phân tách và được điều chỉnh bằng hai luật khác khau (Luật Đất đai và Luật Lâm nghiệp), nên đã có khó khăn trong quá trình tổ chức triển khai do có sự bất cập, thậm chí mâu thuẫn trong một số quy định của hai luật.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) mặc dù đã có những tiếp thu quan trọng nhằm bảo đảm hài hòa giữa hai luật, tuy nhiên vẫn còn một số điểm cần được nghiên cứu, tiếp thu bổ sung đầy đủ để tránh chồng chéo khi luật được ban hành.

 63 tỉnh, thành phố đã ban hành kế hoạch lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Ảnh: chinhphu.vn

63 tỉnh, thành phố đã ban hành kế hoạch lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Ảnh: chinhphu.vn

Tại Điều 10 trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định phân loại đất theo mục đích sử dụng, trong đó có đất rừng sản xuất, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng thuộc đất lâm nghiệp, nhưng không đưa ra khái niệm về 3 loại đất rừng này. Việc không quy định rõ về khái niệm đất rừng trong Luật Đất đai mà được điều chỉnh bằng văn bản dưới luật nên hiệu lực pháp lý không cao, thậm chí có cách hiểu khác nhau về đất rừng. Điều này dẫn đến có hai sự bất cập cơ bản trên thực tế là: Sự chênh lệch về diện tích đất rừng lâm nghiệp trong quy hoạch đất đai, quy hoạch rừng và cả trong thống kê, chênh lệch về diện tích rừng trồng giữa số liệu thống kê của các ngành ở tất cả các cấp quản lý. Do đó, dự thảo luật cần đưa ra khái niệm cụ thể về các loại đất rừng.

Về đối tượng giao đất, giao rừng, cả Luật Lâm nghiệp và dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đều quy định giao đất gắn liền với giao rừng cho cộng đồng. Tuy nhiên, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chưa có quy định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho đối tượng là cộng đồng. Điều này dẫn tới nhiều địa phương trên cả nước trong thời gian qua phải thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng cho cộng đồng vì chưa có quy định trong luật và đã gây bức xúc cho nhân dân.

Mặt khác, hiện nay còn diện tích lớn đất rừng do cộng đồng quản lý theo truyền thống mà chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đây là các khu rừng có giá trị đa dạng sinh học cao và đã được quy hoạch là rừng đặc dụng. Trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), tại Điều 180 chỉ quy định giao rừng đặc dụng là rừng tín ngưỡng cho cộng đồng, các trường hợp khác không quy định. Thực tế cộng đồng đang quản lý các khu rừng đặc dụng này theo truyền thống hoàn toàn tự nguyện, ví như bảo vệ voọc gáy trắng, cua đá, rừng lim, rừng săng lẻ... để bảo vệ môi trường và bảo vệ tài sản cho thế hệ mai sau.

Về nội dung cho thuê đất rừng đặc dụng và phòng hộ, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) (Điều 122, 123) quy định UBND cấp tỉnh quyết định cho tổ chức kinh tế thuê đất rừng đặc dụng và phòng hộ thuộc khu vực được kết hợp với kinh doanh cảnh quan, du lịch sinh thái-môi trường dưới tán rừng.

Trong khi đó, Luật Lâm nghiệp (Điều 17) không quy định cho tổ chức kinh tế thuê rừng đặc dụng. Như vậy có sự khác biệt cả về thẩm quyền và loại hình thuê đất rừng giữa hai luật. Vấn đề có thể phát sinh là nếu căn cứ theo Luật Đất đai, UBND cấp tỉnh sẽ cho “tổ chức kinh tế” thuê đất rừng đặc dụng, trên đó có rừng, trái với Luật Lâm nghiệp, có thể dẫn đến phức tạp trong quản lý tài nguyên rừng.

QUANG ĐỨC (ghi)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/can-bao-dam-su-thong-nhat-giua-du-thao-luat-dat-dai-sua-doi-voi-luat-lam-nghiep-720749