Cần 738.500 tỷ đầu tư hạ tầng giao thông, tạo sức bật cho vùng Đông Nam Bộ

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, đến năm 2030, tổng nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng giao thông vùng Đông Nam Bộ cần khoảng 738.500 tỷ đồng.

Sáng ngày 18/7, tại TP.HCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ, chủ trì Hội nghị của Hội đồng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Tập trung nguồn lực cho các dự án trọng điểm

Tham luận về vấn đề thu hút nguồn lực xây dựng mạng lưới giao thông vùng Đông Nam bộ, ông Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết, dựa trên quy hoạch, đến năm 2030 dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng giao thông vùng Đông Nam Bộ cần khoảng 738.500 tỷ đồng.

Trong đó, giai đoạn 2021-2025 cần khoảng 342.000 tỷ (ngân sách Trung ương khoản 60.800 tỷ; ngân sách địa phương 29.700 tỷ; vốn của doanh nghiệp Nhà nước 109.000 tỷ đồng; vốn huy động nhà đầu tư 142.500 tỷ); giai đoạn 2026 - 2030 nhu cầu khoảng 396.500 tỷ đồng. Nguồn lực nhằm tập trung đầu tư vào các dự án trọng điểm, liên kết vùng, tạo động lực lan tỏa.

Bộ trưởng Bộ GTVT trình bày tham luận tại hội nghị

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, từ nay đến năm 2025, vùng cần tập hoàn thiện đầu tư các tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam, cao tốc nối TP.HCM với các cửa ngõ, quan trọng gồm: Vành đai 3, Vành đai 4, Bến Lức - Long Thành, TP.HCM - Mộc Bài, TP.HCM - Chơn Thành, Biên Hòa - Vũng Tàu, Dầu Giây - Liên Khương, Gò Dầu - Xa Mát, Chơn Thành - Đức Hòa, Chơn Thành - Gia Nghĩa….; tiếp tục đầu tư mở rộng các tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận.

Giai đoạn 2026 - 2030, Bộ GTVT xác định cần hoàn thiện nâng cấp tuyến đường sắt Bắc - Nam và khu đầu mối TP.HCM hiện có để nâng cao hiệu quả khai thác đường sắt; tiếp tục đầu tư hệ thống metro TP.HCM.

Sớm đầu tư đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành, tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu nối TP.HCM, Đồng Nai với TP Vũng Tàu ra cảng Cái Mép - Thị Vải, tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ.

Ngoài ra, Bộ GTVT cũng đề nghị tiếp tục đầu tư đưa vào khai thác nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Long Thành giai đoạn 1 và tiếp tục đầu tư sân bay Long Thành giai đoạn 2; nghiên cứu nâng cấp sân bay Côn Đảo, sân bay Biên Hòa…

Đề xuất cho TP.HCM vay 20 tỷ USD làm metro

Các báo cáo, ý kiến tại hội nghị đánh giá, vùng Đông Nam Bộ có vị trí, vai trò quan trọng, là vùng kinh tế năng động, sáng tạo, đi đầu trong đổi mới và phát triển, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế của cả nước.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, mạng lưới kết cấu hạ tầng nội vùng và liên vùng còn thiếu và chưa đồng bộ. Vấn đề chênh lệch về phát triển giữa các địa phương trong vùng chưa được rút ngắn; lợi ích kinh tế của từng địa phương bó buộc theo địa giới hành chính, thậm chí còn cạnh tranh nhau, làm triệt tiêu lợi thế chung của toàn vùng.

Các vấn đề về ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước, úng ngập cục bộ tại TP.HCM và một số địa phương trong vùng chưa được giải quyết.

Tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của TP.HCM đến nay mới sắp hoàn thành sau 17 năm thực hiện. Ảnh: Chí Hùng

Dẫn chứng cụ thể một số vấn đề, ông Dũng chỉ ra TP.HCM quy hoạch 8 tuyến metro, tuy nhiên 17 năm qua chỉ sắp hoàn thành tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên). Mất 15 năm mới giải phóng 83% tuyến metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương).

TP Hà Nội cũng quy hoạch 8 tuyến metro, 12 năm qua cũng mới hoàn thành tuyến đầu tiên; metro Nhổn – ga Hà Nội đến nay vẫn chưa xong.

“Tốc độ thế này phải 100 năm nữa chúng ta mới hoàn thành tuyến đường sắt đô thị, và nếu với cách làm này thì không phát huy được thế mạnh đường sắt”, ông Dũng nhấn mạnh và nhận định các địa phương cần mạnh dạn đề xuất cách làm mới, huy động vốn vay.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Để làm được, ông Dũng cho rằng cần ưu tiên nguồn ngân sách trung ương từ nguồn dự phòng, tăng thu để đầu tư các dự án cấp bách liên vùng. Đối với TP.HCM, địa phương cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cơ chế cho phép vay một khoản đủ lớn, khoảng 20 tỷ USD để hoàn thành đồng bộ các tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch.

Nguồn lực này nhằm giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông, mở rộng không gian thành phố bằng cách kéo dài đường sắt TP.HCM sang các địa phương lận cận trong vùng, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư, tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho thành phố.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận buổi làm việc

Quy hoạch phải có tư duy chiến lược, tầm nhìn dài hạn

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ là một trong 4 hội đồng điều phối vùng được Thủ tướng Chính phủ thành lập.

Đây là một hình thức tổ chức mới được thực hiện theo chủ trương của Đảng, nhất là với yêu cầu tăng cường điều phối và đẩy mạnh liên kết vùng.

Hội nghị là sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của vùng Đông Nam Bộ nhằm phối hợp triển khai thực hiện các định hướng của vùng đã được Quốc hội, Bộ Chính trị thông qua, là dấu mốc quan trọng trong chuỗi các chương trình cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống.

Đánh giá cao các ý kiến tham luận sâu sắc, khách quan, trách nhiệm, tâm huyết, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư- cơ quan thường trực của Hội đồng tổng hợp, tiếp thu để hoàn thiện kế hoạch triển khai các hoạt động của Hội đồng trong 6 tháng cuối năm 2023 và các chương trình, kế hoạch hoạt động của Hội đồng.

Thủ tướng nêu rõ, quy hoạch phải có tư duy chiến lược, tầm nhìn dài hạn; phải chỉ ra và phát huy được các tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, hạn chế, hóa giải các khó khăn, tồn tại, thách thức.

Chủ động nghiên cứu, đề xuất về thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù phát triển vùng Đông Nam Bộ, thúc đẩy liên kết vùng. Vừa qua, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, UBND TP.HCM tích cực làm việc đề ra nhiều chính sách đột phá, vượt trội cho thành phố.

Đối với vùng Đông Nam Bộ, cần nghiên cứu kỹ lưỡng, để đề xuất các chính sách đột phá, phù hợp với vị trí, vai trò quan trọng của vùng. Cơ chế đột phá, đặc thù cần đi liền chính sách ưu tiên, trên tinh thần nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân.

Vùng Đông Nam Bộ bao gồm TP.HCM và 5 tỉnh trực thuộc Trung ương: Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Năm 2020, quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của vùng Đông Nam bộ tăng gấp 4,9 lần so với năm 2005 và 2,6 lần so với năm 2010, vượt mục tiêu đề ra.

Vùng Đông Nam Bộ đã đóng góp 32% GDP của cả nước, 44,7% tổng thu ngân sách Nhà nước. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 cao nhất cả nước.

Ngày 7/10/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ.

Nghị quyết đặt mục tiêu đến năm 2030, Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước. TP.HCM là hạt nhân, cực tăng trưởng của vùng…

Nghị quyết cũng nêu rõ mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông kết nối liên vùng làm trọng tâm cho sự phát triển kinh tế xã hội. Đến năm 2030 cơ bản hoàn thành hệ thống giao thông kết nối nội vùng, liên vùng và khu vực; đầu mối giao thương, hội nhập khu vực và thế giới.

Thư Trần

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/can-738000-ty-dau-tu-ha-tang-giao-thong-de-ta-suc-bat-cho-vung-dong-nam-bo-d597645.html