Cảm xúc sau tay lái trên phố ngày Tết

'Món quà' của lái xe những ngày Tết không chỉ là những lời chúc chân thành của hành khách, công sức cũng được ghi nhận và thu nhập tốt hơn.

Lái xe Nguyễn Văn Tam

Bước vào cái Tết thứ hai phải hoạt động xuyên Tết trong 3 năm làm lái xe buýt tại Xí nghiệp xe buýt nhanh BRT Hà Nội, anh Nguyễn Văn Tam tâm sự: “Lái xe buýt ngày Tết là một cảm giác rất đặc biệt. Nếu thường nhật, tài xế và phụ xe thường xuyên phải trải qua những giờ cao điểm cân não bởi đường tắc, người đông thì những ngày Tết, sự mệt mỏi, căng thẳng được thay bằng những lời chúc cởi mở, những câu chuyện rôm rả và đôi khi còn là cả những chiếc phong bao lì xì “lấy may”.

Chia sẻ cụ thể về công việc trong dịp Tết Tân Sửu, anh Tam cho biết: “Tết năm nay, do ảnh hưởng bởi dịch, tần suất chuyến buýt được giãn cách. Ví dụ, trong ngày 30 Tết, lái xe ca chiều chỉ chạy 6 lượt, ngày mùng 1 là 4 lượt, đến ngày mùng 2 Tết là 6 lượt. Nhờ vậy, thời gian đóng bến, nghỉ ngơi của lái xe và nhân viên phục vụ cũng được kết thúc sớm hơn. Có những ngày như hôm 30 Tết, chỉ khoảng 18h00 lái xe đã được nghỉ để trở về với gia đình, phụ giúp người thân chuẩn bị lễ cúng Giao thừa, đón năm mới. Cho đến ngày mùng 6 Tết, thời gian đóng bến mới quay trở lại bình thường, là 22h30”.

Phải đi làm trong cả ngày Tết, anh Tam thừa nhận, có nhiều thời điểm không khỏi chạnh lòng khi vào lúc hầu hết các gia đình quây quần cùng nhau đi du Xuân, sắm Tết thì mình vẫn đều chân ga, vợ con ở nhà thì trông ngóng.

Tuy vậy, anh cũng cảm thấy phấn chấn khi “món quà” trong dịp Tết không chỉ là những lời chúc Tết chân thành của hành khách mà năng suất lao động cũng được công ty ghi nhận và trả công xứng đáng.

“Dịp Tết Nguyên đán năm nay, tiền công của lái xe buýt chúng tôi sẽ được tính gấp 4 lần. Nếu ngày thường, tiền công một lượt xe là 60.000 đồng/lượt thì 5 ngày Tết (từ 30 đến hết ngày mùng 4 Tết) sẽ được tính 240.000 đồng/lượt”, anh Tam hồ hởi.

Lái xe Nguyễn Hữu Hiệp

Là người có thâm niên gần 10 năm làm việc xuyên Tết, lái xe taxi Mai Linh Hà Nội Nguyễn Hữu Hiệp (quê Thanh Hóa) chia sẻ, vào nghề từ năm 2012, từ đó đến nay, Tết nào anh cũng ở lại Hà Nội chạy taxi xuyên Tết, cũng do hoàn cảnh kinh tế khó khăn.

“Tháng giáp Tết, sau khi trừ mọi chi phí, số tiền công tôi được nhận gần 5 triệu đồng. Còn trong mấy ngày Tết, ngày cao điểm nhất tôi chạy được 1 triệu tiền cước. Sau khi trừ hết các chi phí, tính ra cũng chỉ cầm về chưa đầy 300.000 đồng. Do năm nay dịch bệnh, kinh tế khó khăn nên lượng khách đi taxi giảm. Chưa năm nào như năm nay”, Hiệp nói.

Anh Hiệp kể, quê anh cũng có nhiều người làm nghề lái xe taxi. Ban đầu, họ lái xe thuê cho các hãng, sau này gom góp mua xe cho vào hãng chạy. Như vậy, hàng tháng chỉ mất tiền đàm, còn lại tự thu, tự chi nên thu nhập khá hơn đi chạy xe thuê. Anh cũng là người như vậy, vay mượn mua chiếc xe hơn 300 triệu đồng để chạy.

“Tôi chạy cố mấy ngày Tết để lấy tiền trả nợ. Vợ làm nhân viên thu vé xe buýt, tổng thu nhập của hai vợ chồng được khoảng 15 triệu đồng/tháng, nếu phải trả tiền thuê nhà nữa thì rất khó khăn”, anh Hiệp chia sẻ lý do không về quê mà ở lại Hà Nội lái xe xuyên Tết.

Trần Duy - Nam Khánh

Nguồn ATGT: https://www.atgt.vn/cam-xuc-sau-tay-lai-tren-pho-ngay-tet-d496323.html