Cắm thẻ sinh viên, CCCD vì cá độ eSport

Nhiều người trẻ đổ hàng triệu đồng tiền sinh hoạt, học phí để đặt cược trực tuyến vào các trận đấu thể thao điện tử (eSport), dẫn đến phải cầm cố cả thẻ sinh viên, CCCD để vay nợ.

Hiện trang cá cược thể thao điện tử thông qua hình thức trực tuyến ngày càng trở nên phổ biến ở bộ phận giới trẻ. Các trang này đều hoạt động phi pháp tại Việt Nam, đặt máy chủ tại nước ngoài để tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng.

Tuy nhiên, hệ lụy của bộ môn này cũng hiện rõ khi người chơi dùng cách vay lãi suất cao, vay "nóng" hay cầm cả căn cước công dân (CCCD) để trang trải số tiền thua cược.

Vòng xoay vay - cược

Nguyễn Bách (22 tuổi, Ninh Bình) đã chơi cá cược bộ môn eSport được gần 6 năm. Mỗi ngày, sinh viên này dành gần 5 tiếng để tham khảo thông tin trận đấu cũng như chuẩn bị nạp tiền để cá cược.

"Mình tham gia hội nhóm Dota**** được 5 năm, các anh em trong cùng nhóm rủ chơi cá cược nên mình chơi cùng. Mỗi tháng mình chi khoảng 2-3 triệu đồng tiền ăn để đặt cược. Tháng hên thì thắng được gấp đôi, thua thì vay nợ bạn bè rồi trả dần", anh Bách cho biết.

 Chỉ trong nửa ngày, anh Bách đã thua hơn 2 triệu đồng vì cá cược eSport. Ảnh: NVCC.

Chỉ trong nửa ngày, anh Bách đã thua hơn 2 triệu đồng vì cá cược eSport. Ảnh: NVCC.

Chia sẻ với Zing, Bách cho biết vì "xui" mà tháng này anh đã thua gần hết tiền tiết kiệm. Trong nửa ngày, số tiền thua mất do cá cược đã lên đến hơn 2,3 triệu đồng. Để có tiền trang trải sau khi vướng vào cá độ eSport, anh đành cầm cả thẻ CCCD để trả nợ.

"Tôi cầm thẻ CCCD được khoảng 500.000 đồng, sau đó vay mượn thêm bạn bè để xoay xở. Tháng sau khi lãnh lương từ việc làm thêm thì lại trả bớt", Nguyễn Bách cho biết thêm.

Tình trạng sinh viên phải lâm vào cảnh túng thiếu, vay nợ sau những trận cá độ trực tuyến dẫn đến phải cầm cố giấy tờ tùy thân không hề hiếm gặp. Gần đây trong một hội nhóm bàn luận về các trận cá cược thể thao điện tử, tài khoản có tên Nguyễn Huy H*** đăng tải nội dung tìm kiếm nơi có thể cầm bằng lái xe và CCCD để trả nợ.

"Hôm nay mà không đóng tiền trọ thì sẽ bị chủ nhà đuổi đi. Vì chơi cá cược mà không còn đồng nào. Mong bạn nào có chơi cũng đừng đổ toàn bộ tiền vào như em", Huy H*** chia sẻ.

Dưới phần bình luận, các thành viên trong hội nhóm cá độ eSport này cũng đưa ra nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh câu chuyện vay nợ vì cá cược eSport. Theo chủ tài khoản có tên Tú Anh, việc vay nợ để cá cược chỉ có thể trở thành một vòng lặp, không thoát ra được.

"Lúc mới ra trường mình cũng rơi vào vòng xoáy vay tiền để cá cược. Nhưng không phải ai cũng may mắn gỡ được đâu. Dù gì cũng sẽ đến lúc phải thoát ra thôi", chủ tài khoản này bình luận.

Bủa vây người trẻ

Dạo quanh các trang mạng xã hội, hàng loạt hội nhóm bàn luận về cá cược bộ môn thể thao điện tử xuất hiện với số lượng thành viên đông đảo, chủ yếu là người trẻ. Vì vậy, số tiền những "cược thủ" này dùng thường được trích từ tiền ăn hàng tháng nhận từ phụ huynh, tiền làm thêm, hay thậm chí là tiền học.

Những trang cá cược eSport thường được đội lốt dưới mác các trang phát trực tiếp trận đấu, song, người xem có thể vừa theo dõi trận đấu, vừa được gợi ý đăng nhập vào những đường dẫn cá cược.

 Những trang cá cược trái phép sẽ kết hợp phát trực tuyến trận đấu và dẫn người xem đến nội dung đặt cược.

Những trang cá cược trái phép sẽ kết hợp phát trực tuyến trận đấu và dẫn người xem đến nội dung đặt cược.

Truy cập vào những trang cá cược trái phép, mỗi ngày có đến hàng chục trận đấu thể thao điện tử được cá cược trực tuyến. Ngoài ra, thể thao ảo, đánh bài trực tuyến hay các hình thức "tài xỉu" khác cũng được các trang này cập nhật để thu hút người dùng.

Có thể thấy, đối tượng được các trang cá cược trái phép này nhắm đến chính là người dùng trẻ yêu thể thao điện tử và những người chơi lâu năm có tâm lý hiểu rõ luật chơi, nắm bắt được chiến thuật các tuyển thủ, tự tin bản thân có thể cược thắng thường xuyên.

Ngoài ra thay vì sử dụng tiền Việt hoặc các đơn vị tiền tệ phổ biến, các trang cá cược thường yêu cầu người dùng nạp tiền để mua các vật phẩm với nhiều mệnh giá khác nhau, dao động từ 0,01 đến 10.000 USD. Người chơi sẽ dùng chính các vật phẩm đó để đặt cược cho mỗi trận đấu.

Không chỉ đặt cược các trận đấu thuộc các giải thể thao điện tử nổi tiếng, những trang cá cược trái phép tại Việt Nam còn dùng lượt xem, yêu thích các video âm nhạc (MV) của nghệ sĩ để người chơi đặt cược.

Tại phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 10/8, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết vừa qua Bộ Công an đã triển khai nhiều kế hoạch, giải pháp đấu tranh trấn áp các tổ chức đánh bạc, đánh bạc trên mạng.

Theo Điều 101, Nghị định số 15 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, cá nhân hoặc tổ chức sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính tiền 10-20 triệu đồng đối với hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội; đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc.

Đan Thanh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cam-the-sinh-vien-cccd-vi-ca-do-esport-post1348499.html