Cảm nhận trọn vẹn hơn Cao Bằng...

Đến Cao Bằng không thể quên thác Bản Giốc hay hang Pắc Bó, nhưng để cảm nhận trọn vẹn hơn vẻ đẹp của non nước Cao Bằng, bạn cần có thêm những khám phá mới ở mảnh đất vùng biên xinh đẹp này.

Cảnh bình yên ở làng đá cổ Khuổi Ky. (Ảnh: Hà Anh)

Về Cao Bằng đúng mùa du lịch Thác Bản Giốc, chúng tôi lựa chọn ở lại làng đá Khuổi Ky đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là “Làng văn hóa truyền thống tiêu biểu của dân tộc ít người” từ năm 2008.

Ngôi làng yên bình, xinh xắn của bà con dân tộc Tày nằm trong khuôn viên chỉ chừng 1ha, dựa lưng vào núi đá, mặt nhìn ra dòng suối nhỏ, đã mở đầu cho một hành trình với nhiều khám phá thú vị…

Ngôi làng cổ đặc biệt

Làng đá Khuổi Ky có 14 ngôi nhà với những bức tường đá kiên cố, được thiết kế hai mái, lợp bằng ngói âm dương thể hiện rõ sự riêng biệt của đồng bào dân tộc nơi đây. Đá cũng được sử dụng trong các công trình khác như hàng rào, bậc thang, cối xay, bếp lò… khiến mỗi ngôi nhà chắc chắn tựa pháo đài.

Không chỉ bị thu hút bởi kiến trúc nhà sàn đá độc đáo, bất kỳ ai tới thăm ngôi làng hơn 400 năm tuổi này còn cảm nhận được bản sắc văn hóa của người Tày miền Đông Cao Bằng với phong tục tập quán và trang phục thuần chất bản địa.

Bên cạnh duy trì nếp sống hằng ngày với công việc trồng lúa ngô, người dân Khuổi Ky đang đầu tư phát triển du lịch cộng đồng, đặc biệt là dịch vụ lưu trú homestay và mô hình trải nghiệm sinh hoạt văn hóa Tày.

Các dịch vụ du lịch đều thu hút được lượng khách đáng kể, cả trong nước và quốc tế, mang lại thu nhập ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống cho bà con.

Giống như Tày Homestay mà chúng tôi lưu trú, mỗi ngôi nhà ở đây đều có điều hòa, bình nước nóng lạnh, chỗ nấu ăn với bếp ga, tủ lạnh và một số đồ dùng cần thiết để khách có thể tự nấu ăn.

Nếu lưu trú dài ngày, khách có thể theo chân người dân tham gia các hoạt động trải nghiệm sản xuất và lao động của người dân tộc Tày như đi hái măng, đào củ hay đi làm đồng, bắt cá hoặc cùng chế biến những món ăn đặc trưng như món thịt heo hun khói, lạp xưởng gác bếp và các loại rau sạch trồng ở bìa rừng.

Khám phá động Ngườm Ngao. (Ảnh: Hà Anh)

Chinh phục “Động Hổ”

Nghỉ tại làng Khuổi Ky cũng là điều kiện thuận lợi để chúng tôi đến với Ngườm Ngao - hang động có vẻ đẹp kỳ thú, ẩn mình trong một ngọn núi hùng vĩ ở xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh.

Theo nghĩa của tiếng Tày thì “ngườm” có nghĩa là động, “ngao” có nghĩa là hổ, nên Ngườm Ngao tức là “Động Hổ”. Những lời truyền miệng như trong động có nhiều hổ sinh sống, hay nghe tiếng nước chảy trong động hòa vào nhau như tiếng hổ gầm.. kết hợp với vẻ đẹp hoang sơ do thiên nhiên tạo tác, càng cuốn hút trí tò mò của chúng tôi.

Trước đây, Ngườm Ngao mới khai thác ở tuyến tham quan trong phạm vi chừng 1km, nhưng hiện nay Ban quản lý đã mở rộng thêm các tuyến tham quan mới giúp du khách có thể khám phá hết hang động kỳ bí này.

Dưới sự chỉ dẫn nhiệt tình của hướng dẫn viên là một cô gái Tày, người bản địa, chúng tôi đã lựa chọn tuyến tham quan mới với cung đường dài tới 3km. Càng đi sâu vào trong động càng thấy choáng ngợp trước một không gian rộng lớn với nhiều hành lang, hệ thống nhũ đá đủ hình dạng, kích thước do bàn tay thần kỳ của thiên nhiên chế tạo.

Ngờm Ngao được chia thành nhiều khu như khu “tứ trụ thiên đình” với những cột đá trông như cột chống trời, khu trung tâm với không gian thạch nhũ kỳ vĩ, khu châu báu là những núi nhũ lấp lánh ánh vàng, ánh bạc...

Du hành trong không gian động, du khách bắt gặp rất nhiều hình ảnh kỳ thú giống như cây tơ hồng, bầu sữa mẹ, con đại bàng, cây san hô, thác vàng, thác bạc, đài sen úp ngược…

Có lẽ, điều đặc biệt nhất khi bước vào mê cung kỳ diệu này là mỗi người được phát huy trí tưởng tượng phong phú của chính mình. Không nhất thiết phải tuân theo lời giới thiệu của hướng dẫn viên, bất kỳ ai đều có thể tự do và thích thú với những liên tưởng riêng mình.

Ở Ngườm Ngao sau một cơn mưa rừng, chúng tôi bắt gặp dòng suối chảy xiết trong động và những vũng lớn có thể soi bóng các thạch nhũ trên mặt nước. Sau nhiều cung đường leo trèo, lội suối là trải nghiệm chèo bè trong động, chiêm ngưỡng miệng núi lửa, cửa hang tựa như hang Én ở Sơn Đoòng… rất xứng đáng để dân yêu thích khám phá trải nghiệm.

Cảnh quan Cao Bằng. (Ảnh: Hà Anh)

Hương sắc Thu vùng biên

Đến Cao Bằng vào tháng 10, chúng tôi không bỏ qua cơ hội được nhìn ngắm cảnh sắc Thu đặc biệt của miền sơn cước phong thủy hữu tình này.

Đó là núi Mắt Thần - cái tên được đặt cho một ngọn núi nằm trong thung lũng Bản Danh, xã Quốc Toản, huyện Trà Lĩnh, đang là một điểm check-in được nhiều người yêu thích.

Ngọn núi này còn được gọi bằng cái tên khác là “núi Thủng” (tiếng Tày là“Phja Píot”) do ở phía trên đỉnh có một hang thủng hình tròn tựa như “con mắt” của núi với đường kính hơn 50m.

Núi Mắt Thần nằm gọn trong lòng thung lũng giữa quần thể hồ Thang Hen của Công viên địa chất non nước Cao Bằng. Dù chỉ ghé thăm địa điểm này trong chốc lát, nhưng ai cũng kịp thu vào tầm mắt cả khung cảnh hùng vĩ của ngọn núi cùng với một vùng thảo nguyên thơ mộng bên hồ nước xanh trong.

Ngoài núi Mắt Thần, thì cảnh đẹp Phong Nậm - địa danh ở huyện Trùng Khánh cũng là trong những điểm săn ảnh của các nhiếp ảnh gia mỗi độ Thu về.

Đón chúng tôi trước lúc hoàng hôn, thung lũng Phong Nậm khoác lớp áo vàng rộm nổi bật bên núi đồi trùng điệp và dòng sông Quây Sơn uốn lượn như một dải lụa vắt ngang giữa các cánh đồng, rặng tre và nếp nhà của người dân.

Vào đúng mùa gặt, nơi đây hiện lên một khung cảnh đồng quê no ấm, yên bình với những bó nếp thơm treo trước hiên nhà, những cây rơm rạ được xếp hàng ngay ngắn trên những thửa ruộng mới gặt…

Dù là địa danh nổi tiếng, ở Phong Nậm vẫn chưa phát triển dịch vụ du dịch. Anh Phó Chủ tịch xã cho biết, cả xã mới chỉ có một ngôi nhà homestay chủ yếu phục vụ du khách nước ngoài hay lui tới. Thu nhập chính của người dân nơi đây vẫn là những ruộng lúa, nương ngô và hoạt động đánh bắt cá.

Tuy nhiên, khi khách có nhu cầu trải nghiệm công việc sản xuất, người dân Phong Nậm rất niềm nở và nhiệt tình hướng dẫn. Bà con tiết lộ bí quyết khi thu hoạch lúa nếp, họ phải hái từng bông, rồi phơi trong nhà để gạo nếp giữ nguyên được hương vị, không bị vỡ như tuốt lúa bằng máy.

Một trải nghiệm thú vị khác trong chuyến đi là chúng tôi tới tận vườn để thu hoạch hạt dẻ cùng người bản địa.

Tại những vườn dẻ bạt ngàn của Trùng Khánh, người dân thường dùng sào tre móc cành và rung cho quả chín rụng, hoặc chờ khi hạt đủ độ chín sẽ tự rụng xuống gốc, chỉ việc thu lượm về.

Quả dẻ chín có đường nứt ở vỏ ngoài, bên trong có từ một đến ba hạt. Do bề ngoài vỏ có gai nên người dân mang cây gắp vào vườn nhặt trái và tách hạt tại chỗ. Khi tách lớp vỏ gai bên ngoài ra, hạt dẻ có màu nâu sẫm, lớp lông tơ màu trắng nhạt, nhân có màu vàng, ăn sống có vị thơm ngon và bùi ngậy.

Cùng người dân thu hoạch và thưởng thức hạt dẻ, chúng tôi còn được giới thiệu nhiều đặc sản khác của địa phương, trong đó các các món ăn chế biến từ hạt dẻ như bánh hạt dẻ, xôi, cốm hạt dẻ, rượu nấu từ hạt dẻ...

Chia tay Cao Bằng rồi, những hương vị nồng ấm ấy càng gây thương nhớ trong ngày Thu se lạnh.

HÀ ANH

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cam-nhan-tron-ven-hon-cao-bang-246830.html