Cảm nhận trên đất Israel

Lâu nay, qua sách vở và các phương tiện truyền thông, tôi biết về Israel ít nhiều. Đó là quốc gia không lớn, mới thành lập từ 1948 của người Do Thái trên mảnh đất đã có người Palestine sinh sống, thường xuyên xảy ra xung đột giữa 2 dân tộc và 2 tôn giáo khác nhau. Nhà nước Palestine cũng đã được quốc tế công nhận tồn tại song song với Nhà nước Israel trên cùng một lãnh thổ. Tôi cũng đã nghe về người Israel sùng đạo, mạnh mẽ, có nền khoa học kỹ thuật cao, đặc biệt là áp dụng công nghệ cao trong nông nghiệp trong điều kiện đất đai phần lớn bán sa mạc, thiếu nước tưới. Tôi cũng nghe về thành phố cổ Jerusalem - thánh địa của 3 tôn giáo lớn: Ki tô giáo, Hồi giáo, Do Thái giáo, nơi mà người Israel và cả người Palestine đều nói là thủ đô của mình.

Tác giả bên Nhà thờ Chúa giáng sinh, xây trên hang đá Bethlehem. Ảnh: CTV

Háo hức từ Jordan qua Israel

Sáng 21/4/2023, khi rời khách sạn Mena tại thủ đô Amman của Jordan để đi đường bộ qua Israel, tôi có cảm giác thật háo hức. Đoạn đường từ Amman đến cửa khẩu Allenby (còn gọi là cửa khẩu King Husein - bắc qua sông Jordan) dài hơn 50km. Trên đường đi dọc hai bên là núi đá hoặc đất cát bạc màu có trồng chà là, ô liu, chuối, bắp, dưa hấu…

Xe dừng lại trên một điểm ở đỉnh đồi cho khách lưu niệm trước một bản ghi dấu mực nước biển bình thường ở các đại dương, so với mực nước biển của biển Chết - nằm giữa Jordan và Israel - cao hơn 440m. Khu vực biên giới hai bên sông Jordan gần cầu Allenby có những đơn vị quân đội hai nước đóng quân. Phía Jordan chỉ làm thủ tục xe qua, không kiểm soát khách du lịch.

Xe tiếp tục đi về phía tây qua cầu Allenby là ranh giới giữa hai nước, cầu chỉ dài độ 100m bắc qua sông Jordan với dòng nước chảy lơ thơ như một con rạch nhỏ đổ vào biển Chết. Cầu này nằm ở độ sâu 381m dưới mực nước biển ở các đại dương, được xây dựng từ năm 1918, nhưng chỉ thực sự mở ra giao lưu giữa hai nước sau Hiệp ước Hòa Bình giữa Jordan và Israel vào năm 1994. Hàng ngày, cầu được mở từ 7 giờ 30-22 giờ, riêng thứ 7 và chủ nhật chỉ mở từ 1 giờ 30-13 giờ.

Qua khu vực do quân đội kiểm soát, xe vào Trạm Kiểm soát cửa khẩu số 18 của Israel để kiểm tra an ninh và đổi xe phía đối tác Israel. Nhân viên trạm kiểm soát yêu cầu khách du lịch kéo hành lý qua trạm, họ chọn ngẫu nhiên 3 khách để phỏng vấn, soát hành lý và cũng chọn ngẫu nhiên 3 khách, trong đó có tôi để kiểm tra hộ chiếu và soi chiếu hành lý.

Có thể do khách là người Việt Nam nên thái độ của các nhân viên rất thân thiện, thậm chí tôi còn nhận ra cảm giác áy náy của chỉ huy trạm như muốn nói: chúng tôi chỉ làm theo nhiệm vụ, mong các bạn thông cảm. Trạm kiểm soát cửa khẩu làm thủ tục nhập cảnh, cấp visa nhưng không dán vào hộ chiếu, không đóng dấu vào hộ chiếu; sau nghe hướng dẫn viên du lịch giải thích họ làm vậy là để thuận lợi cho du khách khỏi bị kỳ thị khi đi tiếp các nước Hồi giáo chưa công nhận Nhà nước Israel.

Thành cổ Jerusalem nhìn từ núi Cây Olive. Ảnh: ĐÀO TẤN LỘC

Thăm nhà thờ nơi Chúa Jesus ra đời

Đoàn lên xe phía công ty du lịch Israel đi về TP Jerusalem, sau đó đi thẳng vào khu Bethlehem thuộc Nhà nước Palestine quản lý. Đường vào Bethlehem có trạm gác an ninh của Israel, xung quanh khu vực có hàng rào kẽm gai bao bọc. Bên trong Bethlehem đường phố hẹp nhưng khá sạch, nhiều nhà cửa cổ kính. Xe ghé qua một cửa hàng đồ lưu niệm (chủ yếu là đồ lưu niệm về Ki tô giáo) dừng vài chục phút cho khách tham quan mua sắm, sau đó đến chỗ gửi xe.

Chúng tôi xuống xe đi bộ đến Nhà thờ Chúa giáng sinh (Church of Nativity). Nhà thờ này rất lớn, có sân rộng, người đến đông đúc, chủ yếu là tín đồ Thiên Chúa giáo đi hành hương và du khách khắp thế giới đủ màu da, tiếng nói. Nhà thờ Chúa giáng sinh được xây dựng trên một thánh tích đặc biệt là hang đá Bethlehem - nơi Chúa Jesus ra đời. Mọi người xếp hàng đi vào một cửa hẹp, gọi là cửa Khiêm cung để vào phòng có ngôi sao David bạc (Silver Star), đánh dấu nơi Chúa giáng sinh. Ở đây hang đá được giữ nguyên: cả lối đi xuống hang lánh nạn của Thánh nữ Maria, có hốc nước chỗ uống của dê cừu…

Xung quanh tôi có nhiều tín đồ cầu kinh, nét mặt nghiêm trang, sùng kính. Thăm hang đá xong, chúng tôi leo lên lại khu vực nhà thờ - nơi mà nhiều người hành hương tiếp tục nghe giảng đạo, ra phía trước nhà thờ xem các tranh bích họa về các thánh, đến hơn 1 giờ sau mới ra khỏi nhà thờ. Ra theo lối về, chúng tôi ghé vào thăm địa điểm lưu giữ chiếc ô tô từng đưa Giáo hoàng Francis khi đến thăm Nhà thờ Chúa giáng sinh vào năm 2014 và từ vị trí này nhìn xung quanh phố cổ Bethlehem rất rõ.

Đoàn tiếp tục di chuyển qua thăm Nhà thờ Mục đồng (Shepherds Field Church) gần đó, nơi các mục đồng được tin và loan báo tin lành Chúa giáng sinh. Hang đá nơi các mục đồng trú ẩn ngày xưa nay được xây lên một nhà thờ nhỏ xinh xắn và gần đó là một hiện trường khảo cổ dấu tích một đô thị vào hơn 1.500 năm trước.

“Việt Nam, Việt Nam”

Sau bữa cơm trưa muộn (vào khoảng 2 giờ chiều) tại một nhà hàng người Hoa, chúng tôi đi bộ thăm phố xá Jerusalem. Đi trên một đường phố chính có đôi đường ray cho tàu điện hai chiều, đường láng nhựa tốt, không có rào ngăn cách với hai đường tàu mặc dù có lúc tàu chạy 35-40km/giờ, phố xá hai bên vẫn sầm uất, người dân đã quen nên thản nhiên qua lại khi vắng tàu, mua hàng, uống bia tại các hàng quán hai bên đường. Tôi còn thấy có người biểu diễn violon ở góc phố, thu hút người dân xem, cho tiền. Tàu điện hiện đại, chạy rất êm, có 4 toa, mỗi toa có thể chứa 40-50 người, cứ khoảng 10 phút là có một đoàn tàu đến, dừng theo các trạm dọc đường.

Sau đó, chúng tôi được đưa đi thăm chợ truyền thống Mahane Yehuda, rất sầm uất, đông vui. Dọc theo các lối đi hẹp là những sạp đủ loại hàng hóa: nông sản, thực phẩm, đồ thủ công, quán ăn uống giải khát… Đặc biệt là hầu hết các sạp hàng do đàn ông đứng bán hàng, thân thiện mời khách dùng thử các nông sản thực phẩm (bánh kẹo, nước hoa quả, trà, trái cây…). Họ ngạc nhiên và tỏ ra quý trọng khi biết khách là người Việt Nam, nhiều người giơ ngón tay cái và hô “Việt Nam, Việt Nam”.

Rời chợ Mahane Yehuda, hướng dẫn viên đưa chúng tôi vào thăm một khu phố cổ Do Thái ở Jerusalem. Những con đường hẻm dài hun hút, quanh co, hai bên nhà bằng đá san sát, nhiều nhà hơn trăm năm tuổi. Hẻm nào cũng có tên riêng (như tên đường phố), nhà có số (không phải có xẹt ngõ ngách), có khi số nhà được trang trí rất kiểu cách, màu mè, nhiều nhà trồng cây và hoa. Mấy đứa trẻ chơi trong ngõ, tò mò nhìn khách du lịch, vẻ mặt thân thiện, hiếu khách. Đường hẻm lát đá, chằng chịt, nhưng sạch sẽ, nhiều đoạn có bậc thang nên trừ xe đạp có thể dắt qua thì không có phương tiện nào đi lại trong các con hẻm này được. Trên một con hẻm rộng độ 2m, tôi thấy một giếng cổ nghe nói là đã mấy trăm năm, ngày trước dân cư thả dây vào giếng kéo nước lên dùng, nay để làm kỷ niệm.

-----------------

(Còn nữa)

ĐÀO TẤN LỘC

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/89/300403/cam-nhan-tren-dat-israel.html