Cảm nhận phong cách Hồ Chí Minh qua những lần Người về thăm Vĩnh Phúc

Phong cách Hồ Chí Minh được các cơ quan chuyên môn trình bày trong nội dung tài liệu học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gồm nhiều vấn đề vừa mang tính lý luận, vừa mang tính thực tiễn. Song, phong cách Hồ Chí Minh thể hiện qua những lần Người về thăm, làm việc với Vĩnh Phúc lại là những hình ảnh trực quan, sinh động, để lại dấu ấn không thể phai mờ trong tâm trí của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh mặc dù bận trăm công ngàn việc, nhưng Người vẫn dành tình cảm lớn cho Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Phúc. Người từng về thăm, làm việc với Vĩnh Phúc 8 lần kể từ năm 1945 đến 1963. Có năm, Bác về 3 lần (năm 1958), 2 lần (năm 1963). Đặc biệt, ngày 2/3/1963, Hồ Chủ tịch về thăm Đảng bộ, nhân dân tỉnh nhà; tại buổi mít tinh trọng thể chào mừng Người, sau khi nói chuyện, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn, đồng thời cũng là giao nhiệm vụ cho Đảng bộ và nhân dân: “Phải làm cho Vĩnh Phúc thành một trong những tỉnh giàu có, phồn vinh nhất ở miền Bắc nước ta”.

Mỗi lần về Vĩnh Phúc, dù ở thời điểm khác nhau,nhưngdấu ấn sâu đậm nhất Bác để lại trong tâm trí cán bộ, đảng viên, nhân dân Vĩnh Phúc nhiều thế hệ là phong cách của Người.

Trước tiên, Bác rất giản dị, mộc mạc, chân thành, thân thiết với tất cả mọi người. Bác giản dị thể hiện ở cách ăn, mặc, nói chuyện, thăm hỏi, đặc biệt là gần dân, làm việc tại cơ sở, giải quyết mọi vấn đề từ cơ sở; tác phong cẩn trọng, tỉ mỉ, sâu sát.

Ngay từ lần đầu (ngày 25/8/1945) Bác từ Thái Nguyên về Hà Nội, Người ghé thăm huyện Đa Phúc (thời kỳ này thuộc Vĩnh Phúc) đến lần cuối cùng Người về Vĩnh Phúc (16/7/1963- Bác thăm Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ III), Bác đều mặc bộ quần áo nâu hoặc kaki may kiểu Tôn Trung Sơn, Bác chưa hề mặc comple bao giờ. Về Tân Phong (mồng Một Tết Bính Thân- 1956); về Lạc Trung (25/1/1961)… Bác đều mặc giản dị như một người Ông về với con cháu trong gia đình.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh kể, tất cả những lần Bác về Vĩnh Phúc, Người chưa một lần nghỉ lại hoặc dự tiệc tùng. Lãnh đạo tỉnh đều hiểu phong cách ấy của Bác, nên không lần nào bố trí chỗ nghỉ, ăn uống cho Bác.

Vĩnh Phúc là tỉnh nông nghiệp, có nhiều điển hình tiên tiến nên Bác rất quan tâm đến các địa phương có phong trào quần chúng phát triển mạnh, vì thế, Người về thăm, cùng nhân dân xã Hùng Sơn- Đông Anh (thời kỳ này thuộc Vĩnh Phúc) tát nước, chống hạn. Người về thăm thôn Lai Sơn, xã Cộng Hòa, huyện Tam Dương (nay thuộc phường Đồng Tâm, thành phố Vĩnh Yên) là điển hình tiên tiến về xây dựng HTX nông nghiệp của tỉnh; Người thăm HTX Lạc Trung (xã Bình Dương, huyện Vĩnh Tường) là điển hình tiên tiến của tỉnh và miền Bắc về trồng cây.

Một đặc điểm nổi bật trong những lần Bác thăm các địa phương của tỉnh là ở đó có những nhân tố mới, sáng tạo trong sản xuất; đồng thời Bác chủ động thăm, làm việc, trao đổi trực tiếp với cán bộ cơ sở và nhân dân địa phương. Bác chỉ bảo ân cần, có nơi Bác góp ý chân thành cách làm việc của cán bộ trong các cơ quan công quyền.

Bác đến mỗi địa phương đều phát hiện những vấn đề cần tháo gỡ, chỉ dẫn phương pháp sửa chữa như lần Bác về thăm tỉnh ngày 2/3/1963 và thăm Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ III (7/1963). Nhiều đồng chí lãnh đạo tỉnh nay đã cao niên đều kể về điều mà ai cũng nhớ và cảm phục là Bác về thăm các địa phương tỉnh nhà thật sự giản dị, không phô trương, không có đoàn tùy tùng đông đúc, trống rong, cờ hoa rực rỡ. Có lẽ, Bác quan niệm Bác đi công tác bình thường, chứ không phải như vua chúa ngày xưa đi kinh lý.

Đến các địa phương, khi nói chuyện với nhân dân, Bác nói ngắn gọn, không lý luận xa vời mà đơn giản hóa để mọi người dễ hiểu. Ông Đặng Văn Tỵ kể về lần Bác về thăm HTX Lạc Trung, xã Bình Dương, huyện Vĩnh Tường. Khi đó, ông là Chủ nhiệm HTX, thật sự bất ngờ và cảm phục khi Bác giảng giải: “Chủ nghĩa xã hội là mọi người cùng ra sức lao động sản xuất để được ăn no, mặc ấm và có nhà ở sạch sẽ. Muốn làm nhà thì phải có gỗ. Muốn có gỗ thì phải hăng hái trồng cây”. Riêng với cán bộ lãnh đạo HTX, Bác căn dặn thật tỉ mỉ: “Về phần Ban quản trị thì phải có tinh thần trách nhiệm trước xã viên, phải dựa vào xã viên, bàn bạc dân chủ với xã viên, để giải quyết mọi công việc trong HTX; phải chí công vô tư, phải công bằng và liêm khiết. Làm được như vậy thì nhất định HTX sẽ tốt và đời sống xã viên sẽ ngày càng được cải thiện”.

Có lẽ, các thế hệ lãnh đạo tỉnh nhà không thể nào quên buổi sáng 2/3/1963, Bác về thăm Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Phúc. Tại buổi mít tinh trọng thể chào mừng Người, Bác đã ân cần chỉ bảo, phân tích chi tiết về sản xuất nông nghiệp như một lão nông giàu kinh nghiệm. Bác nói về 4 yếu tố quan trọng trong sản xuất nông nghiệp là nước, phân, cần, giống và Người cũng yêu cầu phải có cách làm sáng tạo trong việc tạo ra nước, phân - vốn là 2 trong 4 yếu tố quan trọng ấy. Đó là phong cách rất tỉ mỉ, thực tế của người lãnh đạo mà Bác muốn gửi gắm, làm lan tỏa tác phong cụ thể, sâu sát, khoa học trong quản lý, chỉ đạo sản xuất.

Đến nay đã cách xa 60 năm, nhưng những lời dạy của Bác về một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, quyết định đến sự thành bại trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương là công tác xây dựng Đảng, vai trò lãnh đạo của Đảng theo tư tưởng, phong cách của Người.

Bác chỉ rõ: “Muốn làm tốt mọi công việc thì phải lãnh đạo tốt từ tỉnh ủy đến chi bộ. Lãnh đạo tốt nghĩa là thực hiện đầy đủ những nghị quyết của Đảng, biến quyết tâm của Đảng thành quyết tâm của nhân dân. Phải đi sâu vào cơ sở, đi sát HTX. Phải tuyên truyền, giáo dục cho mọi người thấm nhuần ý thức trách nhiệm, tinh thần làm chủ tập thể, cần kiệm xây dựng HTX, xây dựng nước nhà. Cán bộ lãnh đạo phải thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”.

Và, tại diễn đàn Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ III, ngày 16/7/1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến dự, phát biểu với những lời tâm huyết, chân thành, thiết thực, đó cũng là phong cách làm việc của Người. Bác nói: “Lần này phải làm thế nào cho tất cả các đảng viên trong tỉnh đều thấm nhuần chính sách, đường lối của Đảng. Mỗi một đảng viên đều phải gương mẫu. Người nào chưa gương mẫu thì cố gắng trở thành gương mẫu cho xứng đáng là đảng viên…” và “Đại hội cần bàn bạc nêu những vấn đề thiết thực, nêu những biện pháp thiết thực. Làm được những việc ấy là Đại hội đã thành công. Không phải nghị quyết cho nhiều, khẩu hiệu cho dài là tốt…”.

Đó là những dấu ấn sẽ còn mãi mãi trong lòng mỗi cán bộ, đảng viên, nhân dân tỉnh nhà về phong cách Hồ Chí Minh khi Người về thăm tỉnh và cùng với thời gian, phong cách ấy lan tỏa, trở thành phong cách của một vĩ nhân, một chiến sĩ cộng sản lỗi lạc, một nhà văn hóa lớn.

Đỗ Việt Trì

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/93734//cam-nhan-phong-cach-ho-chi-minh-qua-nhung-lan-nguoi-ve-tham-vinh-phuc