Cảm nghĩ về văn hóa Nhật Bản

Phải chăng ở Nhật Bản, cái mới không đuổi cái cũ đi mà chỉ ghép thêm vào cái cũ, cái cũ lại làm nền cho cái mới phát triển?

Toàn cảnh thủ đô Tokyo, Nhật Bản. (Nguồn: Getty Images)

Một buổi buổi sớm mùa Hạ dạo chơi ở góc phố có vườn hoa tại Tokyo, tôi (Hữu Ngọc) thấy một đoàn người chạy thể dục (jogging). Họ vừa chạy vừa hô lấy nhịp; tiếng hô rắn đanh, có một âm hưởng dữ dội. Một lát sau, đi qua khu nhà ở, tôi nghe vọng ra từ chiếc cassette giọng một nữ ca sĩ êm như nhung, não nùng như kiểu bài Đêm Trung Hoa (Shina no yoru) ở Việt Nam từng nghe vào đầu thập kỷ 40 của thế kỷ trước.

Một buổi tối, tôi ngồi uống trà một mình, xem vô tuyến trong buồng ở một khách sạn Tokyo. Trà để trong một gói giấy xinh; đổ nước sôi vào, nước trà màu lục nhạt, trong suốt, nhấp vào có cảm giác thanh tịnh. Nhưng khi nhìn lên màn ảnh nhỏ, cảm giác ấy biến đi: trong phim kiếm hiệp có cảnh chém đầu, máu nhỏ từng giọt xuống rất lâu từ chiếc đầu bị chém, khiến tôi rùng mình.

Những cảnh sinh hoạt một cách nổi bật – cũng như nhiều hiện tượng văn hóa, nghệ thuật khác ở Nhật – gây cho tôi ấn tượng tương phản, đối lập gay gắt. Dĩ nhiên, trong bản sắc một con người cũng như của một dân tộc, những yếu tố tương phản đối lập là chuyện bình thường.

Nhưng dường như không có dân tộc nào như dân tộc Nhật Bản: trong tính cách họ, những yếu tố tương phản, đối lập hiện lên một cách rõ rệt, sắc nét, “quyết liệt”. Vậy thì tính “dữ dội” hay tính duyên dáng tế nhị là bản chất văn hóa Nhật? Nhà văn Mishima đề cao truyền thống nam nhi quyết liệt, còn nhà văn Kawabata lại tìm bản chất văn hóa dân tộc trong nghệ thuật tế nhị nữ tính.

Hai yếu tố này cùng nhiều yếu tố khác vẫn cứ hòa nhập nhau để tạo nên một nền văn hóa Nhật hài hòa, được đánh dấu bởi nét chung nhất là “duyên dáng bên trong hơn là sự lộng lẫy bên ngoài”. Theo nhà triết học và phê bình Motoori Norinaga (1730-1801), văn hóa Nhật được đặc trưng bởi “nữ tính”, tiêu biểu nhất trong thời Heian”; “nữ tính này thể hiện qua tư duy thực tiễn, phi hệ thống hóa”, trái với tư duy Trung Hoa.

Nền văn hóa vật chất và tinh thần của Nhật Bản là thành công của con người: hơn 125 triệu người tập trung trên những hòn đảo nghèo nàn, khuất nẻo, chỉ có 6 vạn cây số vuông sử dụng được, đã xây dựng một cường quốc từ một nước phong kiến nghèo nàn lạc hậu, vươn lên hàng đầu thế giới.

Có nhiều thuyết giải thích “tính độc đáo Nhật Bản” bằng những yếu tố kinh tế, xã hội, địa lý, lịch sử, chủng tộc, văn hóa… Tuy nhiên, trong lĩnh vực khoa học nhân văn, thật khó khẳng định chân lý tuyệt đối, phần suy luận chủ quan rất khó tránh.

Có những thuyết căn cứ vào địa lý được coi là nhân tố quyết định: vị trí quần đảo nằm xa lục địa, khiến cho Nhật ít bị ngoại xâm, thuận lợi cho việc hình thành một dân tộc có tính cách thuần nhất, nhưng lại ngăn cản ảnh hưởng văn hóa bên ngoài nhập vào dần dần. Khí hậu ôn đới thuận lợi cho hoạt động “văn minh hóa” con người hơn là ở những nơi quá lạnh hoặc quá nóng.

Đồng thời, khí hậu khắc nghiệt (núi lửa, động đất, sóng thần, bão, lụt...) cũng như hạn chế đất cấy lúa, đã gieo vào tiềm thức cộng đồng những ấn tượng “dữ dội”, thiếu an toàn, do đó, họ quen sống giản dị, khắc khổ và đề cao tập thể từ gia đình, xóm làng đến quốc gia để tồn tại. Mặt khác, thiên nhiên hùng vĩ hoặc xinh tươi đi vào đời sống hàng ngày (nhà ở, hội hè, cắm hoa, cây cảnh, trà đạo....) đã nuôi dưỡng thẩm mỹ (kiến trúc, hội họa...) và tín ngưỡng vật linh của người Nhật (đạo Shinto – Nhật hoàng coi là dòng dõi thần Mặt trời).

Có thuyết tìm trong hệ tư tưởng cổ truyền bí quyết thành công và chiếc chìa khóa văn hóa của Nhật. Ngoài những yếu tố Thần đạo (Shinto) là tín ngưỡng bản địa, làm gốc cho tình cảm thiết tha với thiên nhiên, người chết, Nhật hoàng, gia tộc, làng xã, quốc gia; việc nhập từ Trung Hoa những hệ tư tưởng lớn Phật – Khổng (nền văn hóa Phật giáo), kết hợp với Thần đạo đã góp phần hình thành nên tính cách Nhật. Kiến trúc, tranh vẽ, lối sống cho đến nay vẫn chịu ảnh hưởng của Phật giáo sâu sắc.

Đặc biệt là Thiền (Zen) chủ yếu tham thiền nhập định để chứng ngộ Phật tính; nó tự khẳng định vào thế kỷ XIV-XVI, là một yếu tố quan trọng của văn hóa giới “võ sĩ”: tu luyện bản thân, khép mình vào kỷ luật, nhập vào thiên nhiên, nghệ thuật tinh luyện (vườn Thiền, trà đạo..). Tông phái Tịnh độ niệm Phật A-di-đà phổ biến trong nhân dân hơn. Khổng học Nhật Bản cực đoan hóa chữ “Trung” và quan niệm “Nghĩa” rất khắt khe; nó trở thành nền tảng của xã hội phong kiến và hậu thuẫn cho lý tưởng “Võ sĩ đạo” (Bushido).

Có thuyết cho là Nhật Bản thành công trong việc “Tây hóa” và việc tự vực lên được sau nhiều tổn thất từ Thế chiến II là do biết chuyển hóa cơ sở truyền thống tư tưởng - tôn giáo, đặc biệt là Khổng học (tinh thần cộng đồng, khái niệm “Hòa” thuận trong tôn ty trật tự Trời - Đất - Người và trong xã hội loài người). Hiện đại hóa thời Minh Trị (1868 - mở rộng cửa, văn hóa phương Tây ào ạt tràn vào) được thực hiện với một nền kinh tế chỉ huy rất chặt chẽ, trên cơ sở truyền thống phong kiến.

Ngày nay, Nhật Bản có một nền văn hóa ngày càng mang sắc thái công nghiệp - kỹ thuật; sắc thái “xã hội tiêu thụ” phương Tây và sắc thái “quốc tế hóa”. Trong đời sống hàng ngày, người Nhật đã thành công ở việc hòa giải ảnh hưởng của văn hóa phương Tây với những truyền thống của họ. Người ta thường đưa ra điển hình những nhà kinh doanh ban ngày sống trong máy móc và nhịp độ điện tử ở Tokyo, đến tối trở về với bộ kimono và những tục lệ truyền thống.

Phải chăng ở Nhật, cái mới không đuổi cái cũ đi mà chỉ ghép thêm vào cái cũ, cái cũ lại làm nền cho cái mới phát triển?

Hữu Ngọc

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cam-nghi-ve-van-hoa-nhat-ban-234584.html