Cảm nghĩ về vấn đề giáo dục trong Thông báo Hội nghị Trung ương 6 (khóa XI)

QĐND - Tháng Mười – Sau khi đã yên tâm với việc con em vui vẻ bước vào năm học mới và ổn định học hành, nhân dân cùng với các nhà giáo, các nhà quản lý giáo dục, các nhân viên phục vụ trong ngành giáo dục và đào tạo đã hồi hộp chờ đón Nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ 6 (khóa XI) về “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo” với ý nghĩa là một sự kiện quan trọng và lớn lao trong lịch sử phát triển giáo dục nước nhà. Trong gần 70 năm Cách mạng Tháng Tám, ở nước ta đã diễn ra 3 cuộc Cải cách giáo dục vào các năm 1950, 1956, 1979. Những cuộc cải cách đó là những cột mốc đánh dấu sự phát triển giáo dục trong từng giai đoạn lịch sử cách mạng. Nền giáo dục của chúng ta đã góp phần rất lớn vào sự nghiệp khai sáng dân trí, hun đúc dân khí, vun đắp dân chủ, cải thiện dân sinh. Từ năm 1980 đến nay, trên thế giới và trong nước có nhiều đổi thay. Cuộc Cải cách giáo dục 1979 dù sao thì cũng chỉ là một cuộc cải cách trong khuôn khổ của một đất nước dựa vào nền kinh tế nông nghiệp, theo cơ sở bao cấp, chỉ mở cửa sang các nước xã hội chủ nghĩa. Gần 30 năm, kể từ khi Đảng khởi xướng đổi mới toàn diện đất nước (1986), nền giáo dục của chúng ta chỉ thực hiện những đổi mới có tính chất bộ phận để đáp ứng tức thời những đòi hỏi của kinh tế - xã hội hoặc để đối phó những tình huống nảy sinh bất thường bằng những giải pháp tình thế. Tuy những đổi mới đó đã giúp cho giáo dục vượt qua được không ít khó khăn và cũng gặt hái nhiều thành tựu mới, nhưng dù sao thì những đổi mới có tính chắp vá ấy cũng có trường hợp tạo ra những gì đó làm rắc rối thêm như gây nên một hiện tượng, một sự việc cụ thể không được sự đồng thuận xã hội trong khi giáo dục vốn đã rắc rối.

Tại Hội nghị Trung ương lần này, Đảng đặt ra một vấn đề rất lớn, rất trọng đại: “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo”, nghĩa là sẽ loại trừ hết những gì trong giáo dục, từ mục tiêu đào tạo, chương trình sách giáo khoa, hệ thống trường lớp, công tác quản lý, chế độ, chính sách và cơ chế điều hành… không đủ tính thích ứng với thời đại, không phù hợp với sự phát triển của đất nước.

Chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo đã được Trung ương Đảng đề ra từ đầu khóa XI và đến Hội nghị Trung ương lần thứ 6 sẽ bàn đến như một chuyên đề lớn. Đã có nhiều hội nghị và hội thảo được tổ chức, nhiều diễn đàn giáo dục được tiến hành, nhiều bài viết được đăng tải, tập trung vào trọng tâm: “Thế nào là đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo?”. Chúng tôi có may mắn là được tham dự nhiều hội nghị, hội thảo, đã từng đăng đàn ở nơi nào đó và cũng viết một số bài về vấn đề này. Tuy nhiên, trước thềm Hội nghị Trung ương lần thứ 6, tôi có cảm nghĩ rằng, tư duy chiến lược giáo dục của nhiều người chưa đạt tầm cao cần thiết, nhiều công trình khoa học giáo dục chưa tạo được cơ sở lý giải về cái căn bản nhất cần đổi mới là gì, các cơ quan lý luận chưa chỉ ra được logic trong tư tưởng giáo dục thể hiện ở Nghị quyết Đại hội IX, X và XI và sự nhất quán về quan điểm chỉ đạo phát triển giáo dục giữa ba nghị quyết đó.

Thông báo Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI có đoạn viết: “Tập trung nghiên cứu, tiếp tục làm sáng tỏ một số vấn đề về lý luận – thực tiễn của công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Lãnh đạo, chỉ đạo công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, nhất là đối với thế hệ trẻ và trong nhà trường, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước và hội nhập quốc tế”.

Tôi cho rằng, Trung ương Đảng không ra một nghị quyết riêng trong kỳ họp này về giáo dục, mà chủ trương tập trung nghiên cứu, tiếp tục làm sáng tỏ về lý luận và thực tiễn giáo dục – đào tạo là rất thận trọng trước một vấn đề hết sức quan trọng của đất nước khi mà chưa có sự thống nhất cao trong xã hội. Sự quyết định vội vã về hướng đi của giáo dục sẽ có thể dẫn đến những tác hại lớn, làm giáo dục sẽ tụt hậu hơn nữa, cho nên, những vấn đề lớn sau đây cần được nghiên cứu để có được kết luận rõ ràng:

- Trước hết, tại Đại hội X, Đảng đã khẳng định phải chuyển mô hình, giáo dục hiện nay sang mô hình giáo dục mở - mô hình xã hội học tập. Đến Đại hội XI, vấn đề trọng tâm trong phát triển giáo dục là đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Vậy thì, hướng đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục có phải là chuyển sang mô hình xã hội học tập hay không? Nếu đúng là như vậy thì phải chăng tiêu đề đổi mới giáo dục là đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo theo hướng xây dựng cả nước thành một xã hội học tập. Còn nếu không phải như vậy thì phải giải thích cách hiểu một câu trong Thông báo Hội nghị lần thứ 6 này: “Hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân thành hệ thống giáo dục mở và xây dựng xã hội học tập”.

Hai là, Hội nghị Trung ương lần này đã chỉ ra rằng chất lượng giáo dục và đào tạo nhìn chung còn kém, nhất là ở lĩnh vực đại học và dạy nghề, do đó chưa đáp ứng nhu cầu nhân lực.

Vấn đề đặt ra là, hệ thống giáo dục ban đầu bao gồm các thiết chế giáo dục từ nhà trẻ, mầm non, phổ thông, chuyên nghiệp và đại học… có nhiệm vụ chuẩn bị thế hệ trẻ thành nguồn nhân lực, tức là nhân lực đang trong quá trình đào tạo, còn nhân lực đang được sử dụng trong các lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân cũng cần phải có chất lượng cao, hay nói cách khác, cũng phải được giáo dục, bồi dường, đào tạo lại một cách thường xuyên. Do vậy, việc hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân như Hội nghị Trung ương yêu cầu tất phải bao gồm việc hoàn thiện hệ giáo dục người lớn - những người lao động đang làm việc trên các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, văn hóa, khoa học, giáo dục, an ninh, quốc phòng... Hệ giáo dục người lớn bao gồm chủ yếu các thiết chế giáo dục không chính quy và phi chính quy, người học theo phương thức vừa làm, vừa học, học thường xuyên, học suốt đời. Không nhận thức đúng tầm quan trọng của giáo dục người lớn thì không bao giờ đạt yêu cầu nâng cao chất lượng nhân lực của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Ba là, trong thời đại mà xã hội học tập đã trở thành hướng phát triển của giáo dục thế giới, bốn trụ cột giáo dục (học để biết, học để làm, học để chung sống, học để làm người) đã trở thành bốn nguồn tri thức, bốn hướng phát triển trí tuệ của con người, trong đó, không phải ngẫu nhiên, UNESCO lại đặt HỌC ĐỂ LÀM NGƯỜI là cung bậc cuối cùng. Hướng đích của bất cứ nền giáo dục nhân văn nào cũng là vun trồng nhân cách. Nền giáo dục truyền thống của dân tộc ta cũng đề cao triết l?ý? học để làm người, có học mới nên người, nhân bất học bất tri lý (người không học thì không biết đạo lý). Làm người là quá trình học hỏi, tu dưỡng để có đủ những phẩm chất cần thiết (trong đó quan trọng hàng đầu là phẩm chất đạo đức) để sống hữu ích, sống lương thiện, sống tử tế, sống vì lợi ích của dân tộc, sống để xây đắp và bảo vệ sự trường tồn của đất nước. Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo trước hết phải là làm cho nền giáo dục của chúng ta trong sạch, lành mạnh, minh bạch, hướng đến cái CHÂN, THIỆN, MỸ để xây dựng nhân cách con người.

Bốn là, đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo phải có sự chú ?ý? thích đáng đổi mới căn bản và toàn diện hệ thống sư phạm. Hệ thống sư phạm trong một chừng mực nào đó phải được đổi mới trước cả sự đổi mới hệ thống giáo dục phổ thông, chuyên nghiệp và đại học.

Đầu tư vào hệ thống sư phạm là đầu tư cho chất lượng giáo dục-đào tạo con người. Do vậy, đầu tư cho sư phạm trước hết là đầu tư xây dựng nhân cách nhà giáo và sau đó là đầu tư bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần của nhà giáo. Nếu ở đâu mà truyền thống tôn sư trọng đạo bị mờ nhạt, thì chắc chắn ở đó hình ảnh của nhà giáo mẫu mực sẽ không có trong con mắt học trò.

Cuối cùng, đó là Luật Giáo dục. Nếu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo theo hướng xây dựng xã hội học tập thì nhất thiết phải sửa đổi Luật Giáo dục hiện hành. Có nhiều điều, khoản trong Luật Giáo dục hiện nay, mặc dù đã bổ sung và sửa đổi, vẫn không thể dùng cho việc phát triển xã hội học tập ở nước ta trong giai đoạn trước mắt (2012-2020) và lại càng bất cập khi nước ta trở thành một nước công nghiệp, từng bước phát triển kinh tế tri thức.

GS, TS Phạm Tất Dong

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/7/20/20/212536/Default.aspx