Cắm mốc chỉ giới trên toàn tuyến

Sở Giao thông vận tải (GTVT) vừa trình lên UBND TPHCM phương án cắm mốc chỉ giới xác định phạm vi bảo vệ công trình đường sắt và phạm vi hành lang an toàn đường sắt trên địa bàn.

Theo phương án này, phạm vi thực hiện cắm mốc chỉ giới sẽ là tuyến đường sắt quốc gia Hà Nội - TPHCM, đoạn đi qua địa phận TP. Điểm đầu tuyến tại Km 1712+205 tức ở ranh giới giữa tỉnh Bình Dương với TPHCM, điểm cuối tuyến là hết phạm vi ga Sài Gòn. Nói cách khác, phạm vi được cắm mốc chỉ giới sẽ kéo dài dọc theo 14,54km tuyến đường sắt chạy trên địa giới hành chính TP, tính cả đường vào khu đầu máy toa xe Sài Gòn, đi qua 19 phường xã thuộc 5 quận là quận 3, Phú Nhuận, Gò Vấp, Bình Thạnh và Thủ Đức, trong số này Phú Nhuận là quận có chiều dài đáng kể nhất khi tuyến đường sắt băng ngang qua 7 phường. Lộ trình cắm mốc cũng đi ngang qua 3 ga: Bình Triệu, Gò Vấp và Sài Gòn. Sở GTVT cũng xác định rất chi tiết cụ thể vị trí cắm mốc chỉ giới. Theo đó, đối với đoạn đường sắt chính tuyến, vị trí cắm mốc sẽ được tính ở hai bên đường sắt bắt đầu từ mép chân nền đường đắp, mép đỉnh mái đường đào, mép ray ngoài cùng của đường không đào, không đắp trở ra mỗi bên 15m. Đối với vị trí cầu cạn và cầu vượt sông trong đô thị có chiều dài dưới 20m sẽ tính từ mép lan can ngoài cùng trở ra mỗi bên 5m trong khi cầu vượt sông trong đô thị có chiều dài lớn hơn 20m. Trường hợp cầu dài từ 20m đến dưới 60m sẽ được tính từ mép ngoài cùng của kết cấu cầu trở ra mỗi bên là 50m; với cầu dài từ 60-300m, tính 100m còn nếu cầu dài trên 300m thì tính từ mép ngoài cùng của kết cấu cầu trở ra mỗi bên 150m. Khoảng cách giữa các cọc mốc chỉ giới là 100m, nhưng hoàn toàn có thể thay đổi cơi nới rộng hơn cho phù hợp với địa hình thực tế và dù thế nào vẫn phải đảm bảo khoảng cách giữa các mốc chỉ giới không được quá 200m. Với yêu cầu nghiêm ngặt về cự ly khoảng cách này và với chiều dài toàn tuyến đường sắt quốc gia đoạn đi qua TPHCM, sẽ cần phải cắm tổng cộng khoảng 255 cọc mốc chỉ giới. Sở GTVT cho rằng khối lượng cọc mốc chỉ giới và khoảng cách giữa các cọc mốc như nêu trên chỉ là phương án tạm tính, tức sẽ thay đổi tùy theo thực tế hiện trường. Hiện tại, đặc thù dọc hai bên đường sắt quốc gia đoạn đi qua địa phận TP có đặc thù là có rất nhiều nhà dân nằm san sát nhau, trải dài dọc theo tuyến. Về quy cách, cọc chỉ giới có hình vuông được làm bằng bê tông cốt thép, kích thước mỗi cọc 0,15m x 0,15m có chiều cao là 0,6m tính từ mặt đất trở lên và được chôn sâu 0,7m. Toàn bộ kinh phí đầu tư cho dự án được lấy từ ngân sách nhà nước và được giao cho Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam làm chủ đầu tư. Một trong những nhiệm vụ của chủ đầu tư dự án là liên hệ trực tiếp với chính quyền các quận huyện nơi tuyến đường sắt băng ngang để có sự phối hợp triển khai thực hiện cắm mốc cũng như công bố chỉ giới xác định phạm vi bảo vệ công trình đường sắt, phạm vi hành lang an toàn đường sắt tại TP. Trường hợp phát sinh những thay đổi, vướng mắc vượt quá thẩm quyền của chủ đầu tư, chủ đầu tư phải báo cáo với chính quyền TP xem xét, quyết định THIỆN NHÂN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/xaydungdiaoc/2010/9/238478/