Cam go cuộc đấu tranh phòng,chống ma túy ở Quảng Ninh

ND- Tính đến nay, Công an tỉnh Quảng Ninh đã có 19 cán bộ, chiến sĩ bị thương và phơi nhiễm HIV/AIDS trong khi làm nhiệm vụ chống tội phạm ma túy.

Từ vài nghìn người nghiện, toàn tỉnh chỉ còn hơn một nghìn người có hồ sơ cai nghiện. Con số này cho thấy những cam go trong công tác phòng, chống ma túy ở Quảng Ninh, đồng thời, thể hiện trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể cùng tấm lòng bao dung của các doanh nghiệp và cả cộng đồng chung tay giúp đỡ người nghiện từ bỏ ma túy. Thầm lặng những chiến công Đội trưởng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an TP Hạ Long Bùi Quang Thanh tự tin nói: Đến nay, Hạ Long đã qua "mắt bão" ma túy. Từ hàng nghìn người nghiện, nay chỉ còn 350 người. Chẳng như trước kia thành phố luôn luôn nhức nhối vì những tụ điểm ma túy như khu ngã tư Loong Toòng, chân đồi dốc ngân hàng, khu vườn dừa Bãi Cháy, Giếng Đáy, chợ Sa Tô Cao Xanh... Nguyên nhân của tình trạng này là mươi, mười lăm năm trước, không ít các hộ gia đình ở Hạ Long đã giàu "sổi", nhờ những vỉa than được ví như "vàng đen" do thiên nhiên ban tặng. Ở phường Cao Xanh, than nhiều đến mức đào bất kỳ đâu, từ ngoài vườn, trong ngõ và dưới nền nhà... chỗ nào cũng gặp than. Đồng tiền kiếm được quá dễ, khiến không ít gia đình chỉ lo sắm sửa, "lên đời" xe máy, ti-vi, tủ lạnh và nhiều tiện nghi đắt tiền. Song, điều nguy hại nhất là con cái, cháu chắt trong nhà cũng chểnh mảng học hành, lo chơi bời để "sành điệu" hơn bạn bè cùng trang lứa. Vậy là những tụ điểm ma túy dần xuất hiện tại những góc phố, ngã tư, ngã năm, những khu "chợ cóc", chợ tạm... Như một thứ thuốc độc, ma túy từ từ len lỏi vào từng gia đình gây thảm họa chết người, lúc đó người ta mới sực tỉnh thì đã muộn. Nhiều nhà cả hai, ba thế hệ cùng nghiện; có gia đình ba thế hệ cùng buôn bán ma túy, bị tòa án xử tổng cộng hơn 100 năm tù. Cũng ở phường Cao Xanh, có bà mẹ nghe tôi hỏi thăm, đã tức tưởi: Khổ lắm cô ơi, "Lá vàng còn ở trên cây, cớ sao lá xanh lại rụng?". Chồng và hai con tôi đã chết vì nghiện. Giờ tôi chỉ mong ông trời cho khỏe mạnh để tôi còn lo hương khói vào tuần rằm, mồng một, giỗ, Tết... Những năm trước, đâu chỉ có Hạ Long mới có nhiều người nghiện và tụ điểm ma túy, mà gần như cả tỉnh đều có, nhất là nơi có cửa khẩu như Vân Đồn, Móng Cái... Mở cửa giao lưu giúp kinh tế phát triển, nhưng những tệ nạn xã hội cũng theo đây mà vào. Đã có lúc, người nghiện và các tụ điểm ma túy "mọc lên" nhan nhản. Phải dập được thảm họa này, đó là quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền, lực lượng công an và các ban, ngành trong toàn tỉnh. Cam go nhất là trận tuyến giữa những chiến sĩ công an và bọn tội phạm ma túy. Sự khốc liệt, cam go trong đấu tranh là bởi, đối tượng buôn bán ma túy luôn sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, để tránh bị truy bắt và sự trừng phạt của pháp luật. Người chiến sĩ công an luôn thầm lặng chịu đựng những gian khổ, vượt lên mọi khó khăn, mưu trí dũng cảm trong đấu tranh triệt phá nhiều tụ điểm buôn bán. Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm ma túy (PC47) Công an Quảng Ninh Vũ Thế Vị kể rằng: Có lần, anh cùng đồng đội truy đuổi hai kẻ bán ma túy (một tên có lệnh truy nã) tại phà Bãi Cháy (nay là cầu Bãi Cháy). Vì muốn thoát thân, cả hai đã chống trả quyết liệt. Tên Phạm Văn Linh đi cùng Nguyễn Thị Hoa (cả Linh và Hoa đều nhiễm HIV) điên cuồng cắn chảy máu tay Trưởng phòng Vũ Thế Vị và trinh sát Hoàng Hải Hưng. Hai anh vẫn kiên quyết bắt gọn bọn chúng, bảo đảm an toàn cho rất đông bà con đang có mặt trên chuyến phà qua sông. Sau đó hai anh đã phải sử dụng thuốc chống phơi nhiễm HIV/AIDS. Sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng công an tỉnh đã đưa lại kết quả, nhiều chuyên án lớn và nhiều tụ điểm nhức nhối chuyên buôn bán ma túy trong tỉnh và TP Hạ Long đã bị triệt phá. Có vụ công an thu cả tám tấn ma túy, tòa án xử tới năm án tử hình; có chuyên án lớn bắt hơn 40 tên, đối tượng chủ yếu ở khu vực Tây Bắc; lại có vụ đối tượng là người nước ngoài vận chuyển ma túy vào Việt Nam tiêu thụ đi qua Quảng Ninh thì bị lực lượng công an bắt giữ. Sáu tháng đầu năm 2010, Phòng PC47 đã phát hiện bắt giữ 20 vụ, 36 đối tượng phạm tội ma túy, thu gần tám nghìn viên ma túy tổng hợp cùng nhiều tang vật khác. Điển hình là vụ Phòng PC47 phối hợp lực lượng Hải quan Quảng Ninh phá chuyên án 224-T, triệt phá đường dây mua bán vận chuyển ma túy tổng hợp qua biên giới từ Trung Quốc về Việt Nam tiêu thụ. Các trinh sát bắt quả tang Trịnh Tư Kim, sinh năm 1974, quốc tịch Trung Quốc có hành vi vận chuyển ma túy đi tiêu thụ, thu giữ 3.000 viên ma túy tổng hợp. Trách nhiệm của cộng đồng trong công tác cai nghiện Tại thị xã Cẩm Phả, Công viên Thanh niên có rất nhiều cây xanh sum suê tỏa bóng mát, đang là điểm vui chơi, nơi sinh hoạt văn hóa của người dân thị xã. Trước đây, nơi đây được gọi là "Công viên Hoàng tử", nghe thì mĩ miều, thơ mộng, thế nhưng, với người dân nơi đây, nó là nỗi kinh hoàng khiến nhà nhà luôn phải canh chừng con cái, cháu chắt. Họ sợ chúng bén mảng đến nơi này, sa chân vào vũng bùn ma túy coi như trong nhà gặp đại họa. Chủ tịch UBND thị xã Đỗ Minh Tuấn cho biết: Trước đó, một bộ phận thanh niên, thiếu niên con nhà giàu và không ít thanh niên mới lớn là dân tứ xứ đến làm than "thổ phỉ" ở Cẩm Phả kiếm được khá tiền đã tụ tập ở đây ăn chơi trác táng và hút, chích xì-ke, ma túy. Tên gọi "Công viên Hoàng tử" chính là quá khứ đau buồn của người dân thị xã. Bí thư thị xã Cẩm Phả Nguyễn Như Hiền khẳng định với chúng tôi: "Hiện số hộ nghèo ở thị xã hàng năm liên tục giảm. Song, Đảng bộ và chính quyền thị xã Cẩm Phả luôn coi trọng việc phát triển kinh tế gắn với an sinh xã hội. Đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy và công tác cai nghiện tạo việc làm cho đối tượng sau cai không chỉ là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể mà phải huy động được sức mạnh của cả cộng đồng". Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội Bùi Văn Lư thì thông báo: Tình hình ma túy ở Cẩm Phả "êm" hơn nhiều, không còn "nóng bỏng" như những năm trước. Năm 2004, thị xã có khoảng 800 người nghiện, nay còn khoảng 300 người. Các gia đình có người nghiện thường cai cho con, em mình tại trung tâm cai nghiện của tỉnh. Một số gia đình cai tại nhà hoặc đưa đến cơ sở cai nghiện của Tiêu Vĩnh Ngọc (ở tổ 26C, khu Tân Lập 3, phường Cẩm Thủy). Điều khiến chúng tôi bất ngờ là cơ sở cai nghiện này không có hàng rào, cửa sắt ngăn người nghiện trốn chạy. Cũng không thấy ai lên cơn vật vã, sùi bọt mép đòi ma túy. Chìa cánh tay để lộ vết sẹo dài khoảng 20 cm, Nguyễn Văn Vinh, quê Bắc Ninh không chút giấu giếm: Đây là dấu vết của 20 năm tiêm chích nghiện ngập. Tuổi thanh xuân của em đã bị ma túy chôn vùi, hủy hoại. May nhờ cơ sở cai của anh Tiêu Vĩnh Ngọc, ba năm nay em đã cai được và xin anh Ngọc cho ở lại để giúp những người mới đến đây cai nghiện. - Theo em, thuốc cai nghiện ở đây có gì hay hơn nơi khác? - Không trả lời câu hỏi, Vinh chỉ vào số người nghiện sau khi uống thuốc của Tiêu Vĩnh Ngọc rồi bảo: - Chị nhìn những người đến cai đi! Có ai đập phá, gào thét không? Đây chính là điểm khác biệt do thuốc cai của anh Ngọc khiến họ không còn bị lệ thuộc ma túy. Cả đợt cai, chỉ cần uống một chén thuốc sẽ giúp người nghiện không nhớ và thèm ma túy. Họ không bị "ròi bò trong xương", toàn thân bứt rứt khó chịu. Đây là triệu chứng khiến người nghiện rất sợ khi cai. Tiêu Vĩnh Ngọc kể rằng, rất tình cờ anh đã tìm được bài thuốc nam tại một quán cơm ở TP Hồ Chí Minh khi hai người bạn cho nhau gói thuốc với lời dặn: Thuốc này dùng cho những người bị ngã trật xương, bong gân và người cai nghiện tốt lắm. Nhưng khi đứng dậy họ lại vô tình để quên gói thuốc, Ngọc liền lấy đem về. Lúc đó, Tiêu Vĩnh Ngọc mới cai nghiện được một năm. Thỉnh thoảng vẫn bị những cơn thèm ma túy giầy vò, tưởng không thể vượt qua. Anh tìm hiểu và biết trong gói thuốc có mười mấy loại cây giúp không đau lưng và an thần... Thật kỳ diệu sau khi sắc và uống hết thang thuốc này, Tiêu Vĩnh Ngọc thấy tinh thần sảng khoái, không thèm ma túy và mệt mỏi. Vậy là sau khi thêm bớt một số loại cây cỏ, hoa lá vào thang thuốc và nhiều lần cai xong ma túy lại cố tình nghiện lại để thử thuốc, Ngọc đã chế thành công thuốc cai nghiện đem cai cho anh em trong gia đình, tiếp đó là bạn bè, người quen. Tiếng lành đồn xa, các gia đình có người nghiện tự tìm đến Tiêu Vĩnh Ngọc nộp 2,5 triệu đồng/người xin cai. Với người khó khăn, Ngọc tự nguyện giúp không lấy tiền. Anh nói: Cũng chẳng phải thuốc của tôi thần kỳ, mà chính bản thân người nghiện phải muốn cai thì uống thuốc này mới hiệu quả. Đã có nhiều ý kiến: Sau cai nếu không được sự cảm thông, giúp đỡ của gia đình, cộng đồng người nghiện rất dễ tái nghiện. Ở Quảng Ninh, không chỉ có Tiêu Vĩnh Ngọc có lòng tốt giúp người nghiện ma túy đến cai, ủng hộ mỗi tháng khoảng 50 triệu đồng giúp học sinh nghèo vượt khó; cưu mang những người nghiện sau cai được ở lại chỗ Ngọc làm việc, mà còn rất nhiều những doanh nghiệp hảo tâm đã giúp người nghiện có việc làm sau cai. Điển hình là doanh nghiệp đá Phú Cường, ở tổ 31A, phường Cẩm Thạch, thị xã Cẩm Phả, do anh Từ Văn Lâm làm giám đốc. Một số người sau cai nghiện được nhận vào làm việc đã tâm sự với Giám đốc Từ Văn Lâm: "Nếu không gặp được bác, chúng em chẳng biết đi đâu, làm gì để nuôi sống bản thân. Vất vưởng, vạ vật ngoài đường rồi cũng nghiện lại". Được hỏi vì sao lại nhận người nghiện, trong khi xã hội khối người tử tế còn chưa có việc làm? Giám đốc Lâm trả lời không chút đắn đo: Tôi làm vì chữ tâm, chữ đức và tiếp tục thực hiện ước nguyện của cha tôi - ông Từ Khải Thoong, người dân tộc Sán Dìu (trước là Giám đốc Doanh nghiệp Phú Cường, hiện ông đã mất) đã từng giúp nhiều người nghiện và đi tù về có việc làm tại doanh nghiệp.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=177724&sub=132&top=40