Cảm động chuyện vợ liệt sỹ 78 tuổi, 45 năm nuôi em chồng tâm thần

Chiến tranh đã lùi xa. Có những vết thương đã được hàn gắn. Hận thù, thậm chí cũng xóa bỏ. Nhưng, những mất mát, hy sinh thì thật vô bờ. Ngày nay, khắp trên đất Việt, trong mỗi làng quê yên ả, phố phường nhộn nhịp hay làng bản miền núi xa xôi, đâu đâu cũng ẩn chứa những thân phận, những cuộc đời là hậu quả nối dài và đa chiều của cuộc chiến. Bà Bùi Thị Trại - vợ liệt sỹ, 78 tuổi, 45 năm nuôi em chồng tâm thần hẳn là một minh chứng.

Do tính chất ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, năm 1968 dù đã có 4 con nhưng ông Tưởng Phi Diễn lại tái ngũ lên đường vào Nam chiến đấu. Lá thư cuối cùng bà Bùi Thị Trại nhận được của chồng là vào đầu năm 1971 theo địa chỉ từ Long An. Và mấy năm sau gia đình mới nhận được giấy báo tử của liệt sỹ Tưởng Phi Diễn.

Là vợ bộ đội rồi vợ liệt sỹ, một nách 4 đứa con, trên là bố mẹ chồng già yếu đã biết bao vất vả nhưng chưa thấm vào đâu khi bà Bùi Thị Trại phải cưu mang người em ruột của chồng bị tâm thần. Bố mẹ chồng già rồi cũng qua đời. Các con nheo nhóc rồi cũng đến lúc trưởng thành. Nhưng đứa em chồng tâm thần từ khi mới 15 tuổi thì cứ lớn lên rồi già đi và vẫn cứ điên dại.

Sinh năm 1953 tại Văn Nội, phường Phú Lương, Hà Đông, Tưởng Phi Quý (em liệt sỹ Tưởng Phi Diễn) có biểu hiện tâm thần từ khi học lớp 5. Những năm đầu, khi bố mẹ còn khỏe thì cả nhà xúm vào đưa Quý đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác. Thời ấy, khó khăn thiếu thốn, gạo không đủ phải ăn độn sắn, khoai. Thế nhưng đi bệnh viện tâm thần phải mang gạo đi theo. Cả nhà phải tăng thức độn để dành gạo cho Quý theo định suất 18kg/tháng.

Đã thế nhưng nào có yên, Quý liên tục trốn bệnh viện, nhiều khi người đưa đi chưa kịp về đến nhà thì Quý đã trốn ra khỏi bệnh viện. Nếu Quý về nhà còn đỡ chứ đi lang thang thì chị dâu lại phải đi tìm. Tìm thấy em đã mừng nhưng làm sao đưa được Quý về là cả một sự vất vả. Người điên thì còn biết gì. Quý điên lại đang tuổi thanh niên nên rất khỏe và hung. Biết bao lần bà Trại bị Quý réo tên bố mẹ lên mà chửi. Không những thế, không ít lần bà bị Quý đánh đập. Những vết sẹo của những vết thương “không cùng tuổi” vẫn còn in dấu trên thân thể và rõ nhất là trên gương mặt bà.

Bà Trại kể: “Thời bao cấp cái gì cũng thiếu, cái gì cũng phân phối. Tôi nhớ nhất thời gia đình chính sách được ưu tiên mà 2 khẩu mới được mua 1 cái bát ăn cơm. Thế mà em tôi lên cơn nó đập hết. Đến bữa mấy đứa con tôi phải ăn cơm bằng mấy cái đĩa giấu được. Hôm nào có cơm đã đành chứ ăn cháo nhìn lũ trẻ lóng nga lóng ngóng húp cháo bằng đĩa mà vừa cười vừa chảy nước mắt”.

Năm 1969 ở nông thôn có chủ trương nếu gia đình nào có nhu cầu thì làm đơn xin ra khỏi hợp tác. Bà Trại và một số hộ xin ra và rủ nhau lập tổ đổi công và mua chung một con trâu lấy sức kéo. Trâu vừa mua xong thì lại có lệnh trên gia đình bà phải gương mẫu nên không được ra HTX. Không ra khỏi hợp tác mà cứ làm kiểu gõ kẻng đi, gõ kẻng về để “giong công phóng điểm” thì bà không chịu. Không quay lại hợp tác xã thì có trâu cũng không được cày ruộng bằng trâu. Lúc này các con còn nhỏ mà em chồng lại điên thì lấy ai kéo cày thay trâu bây giờ. Thế là một mình bà Trại lại lầm lũi cuốc ruộng. Mặc nắng, mưa, nóng hay rét, bà Trại khoác áo tơi lá ra đồng. Nhiều hôm vừa đói, vừa rét giơ cuốc lên rồi để nó tự rơi mà khi cuốc đã nằm ở đất rồi thì uể oải không muốn nhấc lên nữa. Đúng là “giơ cuốc lên cò đậu, hạ cuốc xuống mối xông” quả không sai.

Ra rồi lại vào vì hợp tác là mẫu hình tập thể. Hợp tác nhỏ rồi hợp tác lớn toàn xã. Khó khăn vẫn hoàn khó khăn. Những hộ khi ra hợp tác gọi là cá thể thì phải nhận những chân ruộng vừa xa, vừa lầy, vừa xấu. Bà Trại cũng không loại trừ. Thấy bà lúng túng với chân ruộng mạ, có ông thợ cày cám cảnh bảo cho bà gieo nhờ ở chân mạ nhà mình. Bà Trại bảo: “Các ông đã vậy, còn vợ con các ông. Tôi gái góa không khéo tình ngay, lý gian, chờ được vạ thì má đã sưng. Thôi cảm ơn các ông, ruộng xa, xấu thì tôi cũng phải cố vậy”.

Những năm giặc Mỹ leo thang tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc thật vô cùng gian khổ. Mỗi khi còi báo động từ Hà Nội hú lên, một mình bà Trại vừa phải đứa ẵm, đứa dắt lại luống cuống dồn, lùa ông em thần kinh xuống hầm trú ẩn. Xuống được hầm rồi nào Quý có chịu ngồi yên mà cứ nhao ra hô hét và lấy tay giơ lên làm súng bắn máy bay. Năm 1972, với 12 ngày đêm máy bay B52 giặc Mỹ không kích bầu trời Hà Nội với tuyên bố “đưa Bắc Việt Nam trở lại thời kỳ đồ đá”, nhằm gây sức ép chúng ta ở hội nghị Pari thì Quý đã phải giữ chặt ở dưới hầm. Một quả tên lửa phóng xuống tuy không trúng hầm nhưng đã làm tốc hết mái nhà. Khi còi báo yên, mình bà Trại trèo lên lợp sửa lại mái nhà và bị ngã ngất đi không ai biết, may mà bà còn tỉnh lại.

Bị tâm thần rồi điên dại từ vị thành niên cho đến lớn. Người ta mỗi năm mỗi tuổi đời còn Quý thì mỗi năm mỗi tuổi điên. Nếu để Quý tự do ra đường thì một là đánh người, hai là vạ vật, ăn bẩn, ăn thỉu rồi lang thang không tránh khỏi tai nạn tàu xe. Vì lẽ đó mà đến khi bệnh viện bất lực thì gia đình cũng bắt đầu một quá trình nhốt giữ Quý tại nhà. Người tâm thần bị nhốt càng ức chế, phá phách, chửi bới suốt ngày đêm. Mà phải nghe chửi nhiều nhất lại chính là người chị dâu – Bùi Thị Trại. Bà phải nghe em chồng chửi từ khi 33 tuổi, mới làm mẹ, cho đến khi làm bà vẫn nghe, và khi có chắt gọi bằng cụ vẫn phải nghe em chửi. Bà Trại nói: “Cũng là kiếp người, mình đã khổ, em mình càng khổ. Vất vả thì không sao tả nổi, nhưng tôi cứ nghĩ, em tôi nó gánh cho cả nhà là tôi lại quên hết khó khăn, ngại ngần. Tôi được bốn mặt con, xin lỗi anh, tôi rửa đít cho chúng nó tổng cộng cũng chỉ hơn chục năm, nhưng với Quý thì đã mấy chục năm rồi!”.

Trong suốt mấy tiếng đồng hồ ngồi nói chuyện, tôi ít thấy bà Trại gọi Quý bằng chú Quý hay em chồng cả, mỗi khi nhắc đến Quý, bà Trại đều gọi: Em tôi. Em tôi thiệt thòi. Em tôi không ngủ được. Em tôi… Bà bảo “em tôi thiệt thòi nhưng vẫn là con người”. Chính vì thế Quý vẫn là một suất đinh. Quý vẫn đóng góp việc họ dù anh chưa bao giờ và có thể không bao giờ đến ăn giỗ họ được. Đặc biệt ở làng Văn Nội quê Quý từ xa xưa đến nay vẫn giữ phong tục “lên cụ”. Đàn ông cứ vào tuổi 50 và nay là 52 thì dù ở làng hay đang sinh sống ở đâu thì cũng phải về quê để lên cụ. Trước đó hàng năm, những người đàn ông cùng tuổi đã nhóm họp bàn bạc việc này. Họ đồng loạt may quần trắng, áo the, khăn xếp để đúng dịp hội làng vào ngày 11 và 12 tháng Giêng sẽ mang lễ ra đình, chùa và quán. Sau khi làm thủ tục lễ Thánh, lễ Phật, họ được chính thức làm ông cụ trong làng và nhận bàn giao của các cụ năm trước để đảm đương việc tế lễ và tiếp đón khách thập phương.

Tưởng Phi Quý tuy không ra được đình, chùa, không được họp với những người đàn ông đồng niên 1953, nhưng vẫn được người chị dâu đóng góp đầy đủ lễ thức để được lên cụ. Thế là trong danh sách ở làng Văn Nội vẫn có một cụ mới, cụ Tưởng Phi Quý mặc dù cụ là người điên.

Liệt sỹ Tưởng Phi Diễn hy sinh “tại mặt trận phía Nam ” từ năm 1971. Tìm và đưa chồng về quê nhà là khát khao cháy bỏng của bà Bùi Thị Trại. Nhưng tìm ở đâu khi mà giấy báo tử ghi chung chung như thế. Rồi gia cảnh nheo nhóc, em chồng điên dại triền miên. Không chịu bó tay, khi các con trưởng thành, dựa theo địa chỉ Long An ở bức thư cuối cùng ông Tưởng Phi Diễn gửi về, bà Trại cùng các con đã vào Long An và vô cùng mừng khi gặp được người đã chôn cất anh giải phóng quân Tưởng Phi Diễn khi anh hy sinh.

Chính người này đã nhận ra ngay khi nhìn thấy Tưởng Phi Quang – con trai của liệt sĩ Tưởng Phi Diễn vì anh giống cha như đúc. Thế là kể từ khi ông Tưởng Phi Diễn tái ngũ (1968) lên đường vào Nam chiến đấu thì Quý - em trai ông mới 15 tuổi và bắt đầu bị tâm thần. Thế mà đến tận 2004, khi Tưởng Phi Quý thành ông cụ (51 tuổi) thì phần mộ của liệt sỹ Tưởng Phi Diễn mới được tìm thấy và đưa về nghĩa trang liệt sỹ phường Phú Lương quê nhà.

Sinh năm 1934, nay tuổi gần 80, cụ Bùi Thị Trại vẫn chưa bỏ cấy 3 sào ruộng. Những lúc mùa vụ trùng ngày nghỉ thì con cháu đỡ đần, còn thì vẫn mình cụ lúi húi ở ruộng. Hàng ngày có đi đâu thì cụ cũng sấp sấp, ngửa ngửa về lo cơm nước cho Tưởng Phi Quý – cụ em tâm thần. Cụ Trại bảo: “Con cái có gia đình chúng phải lo con cái chúng nó. Mình còn khỏe ngày nào thì chăm lo cho em mình chứ biết làm sao. Nói dại, chỉ sợ nhất mình chết trước thì em mình khổ lắm! Đến tháng 7 này (2012) là vừa tròn 45 năm em tôi bị tâm thần rồi đấy!”. Đến nay chỉ hai chị em cụ Trại ở cùng nhau ở làng Văn Nội.

Bên sân đình làng Văn Nội, phường Phú Lương có một cây đề rất to. Con cháu hỏi cây đề có từ bao giờ thì các cụ cao niên bảo ngày các cụ sinh ra đã thấy cây đề to thế rồi. Có lẽ cây đề có từ thuở lập làng. Chính vì thế, cây đề chứng kiến biết bao biến cố của làng. Từ một nhánh Hát giang chảy bên cạnh cây đề nay đã thay bằng một dãy phố. Cây đề vẫn không ngừng buông rễ nở thân. Và dưới tán xanh quanh năm rì rào nắng gió ấy có bao điều lớn lao đã và sẽ đi vào lịch sử của làng.

Lại có truyền thuyết rằng, cây đề làng Văn Nội là nơi người Tầu yểm bùa giữ của. Một thời đã có người Tầu hỏi mua cây đề với giá rất cao mà làng không bán. Họ trả tới giá mà mỗi lá đề tính bằng một đồng tiền, làng cũng không nghe… Rõ ràng đến nay, cây đề to hơn, lá nhiều hơn, nhưng trộm nghĩ, giả sử bây giờ tất cả lá cây đề biến thành vàng thì cũng không thể sánh được với những giá trị nhân văn của các thế hệ dân làng tạo dựng. Trong đó có lòng trắc ẩn, tình nghĩa sắt son của cụ Bùi Thị Trại – vợ liệt sỹ, gần 80 tuổi đã và đang nuôi em chồng tâm thần 45 năm nay

Nguồn CAND: http://cstc.cand.com.vn/vi-vn/cuocsong/muonmaucs/2012/4/183189.cand