'Cám dỗ' từ những video dạy khoanh lụi trên TikTok

Nội dung hướng dẫn ôn thi kiểu 'lụi nhanh', 'khoanh bừa' tràn lan trên mạng xã hội, thu hút không ít sự quan tâm của đối tượng học sinh.

Khi các kỳ thi quan trọng như thi tốt nghiệp THPT chuyển định dạng đề sang hình thức trắc nghiệm, mạng xã hội cũng xuất hiện vô vàn video hướng dẫn học sinh cách khoanh lụi để chống liệt, hay thậm chí là khoanh lụi để đạt điểm cao.

Tri thức - Znews đã thử tìm kiếm từ khóa “cách khoanh lụi”, TikTok lập tức đưa ra loạt từ khóa gợi ý như “cách khoanh lụi Toán”, “cách khoanh lụi Tiếng Anh”...

Tất cả 8 môn thi trắc nghiệm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT đều có video hướng dẫn “khoanh đúng mà không cần học”, thậm chí có người bán cả sách hướng dẫn các phương pháp học “đi tắt" này.

Kết quả trái ngược

Nói về những video dạy khoanh lụi trên mạng xã hội, Minh Đức (học sinh lớp 11 ở Hà Tĩnh) cho biết em và bạn bè đã từng ít nhất một lần thấy các video với nội dung như vậy xuất hiện trên trang đề xuất (For Your Page) của TikTok.

Nam sinh nói rằng có thể do em từng tìm kiếm các video về mẹo ôn thi, thuật toán TikTok mới đẩy những video dạy khoanh lụi lên trang chủ. Nhiều lần, do tò mò, Đức cũng xem hết những video đó rồi thử áp dụng trong một số bài thi giữa kỳ hoặc kiểm tra một tiết trên lớp.

Tuy nhiên, thực tế không được như Đức mong đợi. Ví dụ, ở môn Vật lý - môn mà nam sinh học kém nhất, các video dạy khoanh mẹo trên TikTok thường chỉ ra những “tip” như: Chọn những câu trình bày dài và tỉ mỉ hơn; nếu đề yêu cầu chọn câu sai thì chọn câu có độ dài thứ hai hoặc thứ ba; từ khóa nào xuất hiện nhiều lần thường đúng nên hãy loại đáp án lạc loài nhất…

Dù các video đều khẳng định chắc chắn là mẹo này đúng, Đức vẫn không thể áp dụng cho bài kiểm tra của mình. Nhất là với mẹo chọn câu dài nhất, nam sinh thấy mẹo này chỉ khiến học sinh rơi vào “bẫy” của người ra đề chứ rất khó để chọn đúng.

Hay với môn tiếng Anh, vài lần, nam sinh thấy các video TikTok chỉ mẹo rằng “cứ thấy đáp án có however, by the time là khoanh”. Em cũng hí hửng làm theo rồi cuối cùng khi kiểm tra đáp án mới biết mình sai.

Những video hướng dẫn khoanh lụi Minh Đức xem được trên TikTok. Ảnh: NVCC.

Nguyễn Hoàng (học sinh lớp 12 tại Hà Nội) lại có trải nghiệm trái ngược với Minh Đức. Gần đây, một người bạn của em đã mua cuốn sách dạy khoanh lụi trắc nghiệm từ nền tảng mạng xã hội TikTok. Tò mò vì nghe quảng cáo “không cần nhìn đề, xóa đề đi cũng có thể tìm ra đáp án” “lụi dựa trên khoa học" trong các video, nam sinh mượn sách từ người bạn để thử nghiệm các phương pháp này.

“Em khá bất ngờ, làm thử một vài câu theo cách được hướng dẫn trong sách là tìm điểm chung trong đáp án và loại trừ, ai ngờ đúng thật, lại nhanh hơn cách tính từng bước thông thường. Em khá hoài nghi về phương pháp này, không rõ cơ sở khoa học nào. Và khi đã hoài nghi như vậy, học sinh vẫn phải tính lại, như vậy còn mất thời gian hơn là tự làm”, Hoàng chia sẻ.

Nam sinh cũng nhận định các câu làm đúng theo cách này thường là những câu hỏi ở mức độ nhận biết, không quá khó để tìm ra đáp án. Bên cạnh đó, học sinh cũng phải nắm kiến thức cơ bản mới tìm ra đáp án, chứ không phải “không cần học, cứ làm theo cách đó" là đạt điểm cao được.

“Áp dụng cách đó, qua điểm liệt thì dễ chứ để lấy điểm 9-10 thì không khả thi”, Hoàng nhận xét.

Ngoài ra, theo Hoàng, trong quyển sách đó cũng hướng dẫn một số phương pháp khoanh lụi theo xác suất, tức buộc học sinh phải làm đúng số lượng câu nhất định mới có thể tính toán xác suất những đáp án còn lại.

Có phần trăm đúng cũng không muốn áp dụng

Trong khi đó, lướt thấy video hướng dẫn khoanh lụi, Nguyễn Châu (học sinh lớp 12 tại Hà Nội) cho biết em không tin tưởng hay để tâm quá nhiều đến các phương pháp này. Châu cho rằng các hướng dẫn đó chỉ là trò hên xui, học sinh phải có kiến thức mới làm được bài.

“Nếu khoanh lụi dễ ăn điểm thế, chúng em cũng không phải tốn 12 năm đi học", Châu chia sẻ.

Trao đổi với Tri thức - Znews, Nguyễn Châu cho rằng các video hướng dẫn khoanh lụi đánh vào tâm lý học kém nhưng muốn chống liệt hoặc lười học mà vẫn muốn điểm cao, từ đó nhằm kéo tương tác, câu view. Nữ sinh cho rằng các phương pháp này thiếu cơ sở khoa học, thiếu kiểm chứng, không tập trung vào kiến thức sâu mà chỉ đưa ra kỹ thuật giải mẹo.

“Em thấy những video đó thực sự bất ổn. Chưa kể, một số video còn có những người xưng là thầy/cô. Nếu tự nhận mình là thầy/cô, tại sao họ không đưa ra cho học sinh những cách học hiệu quả, hiểu bản chất vấn đề mà lại dạy học trò khoanh lụi", Châu chia sẻ.

Nữ sinh lo lắng khi những video này ngày càng lan truyền nhiều trên mạng xã hội, sẽ càng có nhiều bạn học theo, dẫn đến tâm lý chủ quan, lười học bởi suy nghĩ “cái này chỉ cần khoanh lụi là đúng, không cần học nhiều". Về lâu dài, những học sinh dựa vào khoanh lụi để đỗ đại học cũng khó mà học tập tốt ở bậc cao hơn.

“Ai cũng có quyền chọn phương pháp học cho mình, nhưng 12 năm đi học, cuối cùng lại ngồi xem video khoanh lụi thì không ổn. Cuối cùng, người chịu hậu quả cũng là các bạn. May mắn chỉ là nhất thời, kiến thức mình có được mới là mãi mãi”, Châu bày tỏ.

Nhiều học sinh cho rằng những video hướng dẫn phương pháp khoanh lụi tạo hệ lụy lâu dài. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Đồng quan điểm, Nguyễn Hoàng cũng cho hay những video hay sách hướng dẫn "đi đường tắt" này dù có phần trăm đúng, em cũng không trông đợi vào phương pháp học này.

Theo nam sinh, có thể, những bạn muốn chống liệt sẽ bị thu hút và học theo những hướng dẫn đó. Còn những bạn muốn lấy điểm cao, muốn đỗ đại học sẽ không chơi trò may rủi. Thay vào đó, các bạn chọn học hiểu bản chất, nắm chắc kiến thức để giải quyết vấn đề.

Tương tự, sau vài lần nghe theo TikTok nhưng thất bại, Minh Đức bỏ hẳn những mẹo đó. Đôi lúc làm bài bí quá, không tìm ra đáp án, nam sinh vẫn đành chọn cách “khoanh theo tổ tiên mách bảo” chứ cũng không dám làm theo mẹo như nhiều nơi hướng dẫn.

Nam sinh nói thêm rằng học sinh thì ai cũng ít nhất một lần làm bài trắc nghiệm theo kiểu khoanh lụi vì tâm lý chung của mọi người là “thà làm sai chứ không bỏ sót”. Việc khoanh lụi vài câu vì bí có thể hiểu và chấp nhận được, nhưng việc dạy khoanh lụi theo mẹo như trên mạng thì đang đi quá xa và có thể để lại hậu quả xấu.

Minh Đức lấy ví dụ về trường hợp của chính mình, do xem video dạy khoanh lụi, nam sinh đôi khi ỷ lại và làm bài chủ quan hơn, không đọc kỹ đề mà cứ thế khoanh theo mẹo. Cuối cùng, khi ra khỏi phòng thi, chính em cũng quên luôn đề thi như thế nào, mình tư duy giải đề ra sao.

Ngọc Bích - Thái An

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/cam-do-tu-nhung-video-day-khoanh-lui-tren-tiktok-post1468473.html