Cấm công chức mặc quần jeans, áo thun ở công sở là đúng!

Mới đây, UBND TP Cần Thơ đã ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, đơn vị sự nghiệp khối nhà nước của thành phố.

Ảnh có tính chất minh họa

Sau Hà Nội (ban hành đầu năm 2017), Cần Thơ là địa phương thứ 2 ban hành quy tắc ứng xử dành cho công chức, viên chức.

Không mặc quần jeans, áo thun

Theo quy định của TP Cần Thơ, trang phục làm việc tại công sở hoặc trong thời gian thực thi nhiệm vụ, công vụ (trường hợp không có quy định đồng phục ngành) của cán bộ, công chức phải đảm bảo gọn gàng, lịch sự, kín đáo; kiểu dáng - màu sắc nhã nhặn, phù hợp với hoàn cảnh và đặc thù công việc. Nam cán bộ, công chức mặc áo sơ mi, quần tây (cho áo vào quần), đi giày hoặc dép quai hậu. Còn nữ phải mặc áo sơ mi, quần tây, áo dài, váy, đầm công sở… Đặc biệt, cả nam và nữ không mặc quần jeans, áo thun các loại.

Trong giao tiếp và ứng xử cán bộ phải ân cần, niềm nở, lắng nghe ý kiến và giải thích, hướng dẫn rõ ràng, cụ thể các quy định; ưu tiên giải quyết công việc với người già yếu, bệnh tật, người khuyết tật, phụ nữ mang thai; sử dụng các từ "xin chào", "xin lỗi", "cảm ơn"; không dùng điện thoại chơi điện tử, đọc báo, truy cập các trang mạng để giải trí cá nhân trong cuộc họp, hội thảo…

Ngoài ra, cán bộ không được hút thuốc lá nơi công sở; không sử dụng đồ uống có cồn trong thời gian làm việc, giờ nghỉ trưa, ngày trực; không nghe nhạc, chơi trò chơi trên máy vi tính, thiết bị điện tử trong giờ làm việc...

Theo lãnh đạo tỉnh Cần Thơ, trước khi ban hành quy tắc này đã nhiều lần được gửi lấy ý kiến các sở, ngành và địa phương và không ai thắc mắc cũng như quy định nam, nữ cán bộ, công chức không được mặc quần jean, áo thun khi làm việc.

Quy định như thế là tốt

Với quan điểm của một chuyên gia nghiên cứu văn hóa nhiều năm, GS Trần Lâm Biền cho biết: “Tôi thấy quy định như thế này là tốt. Những quy định về trang phục khi đến công sở nên lịch sự, gọn gàng từ xưa đến nay đã có rồi. Tuy nhiên, người ta không cụ thể hóa nó ra thôi. Những quy định như thế này chỉ khẳng định việc thực hiện cần được nghiêm túc hơn. Những quy định này không hề xâm phạm đến quyền tự do cá nhân của riêng ai cả. Bây giờ đến cơ quan hành chính nào làm việc, ngay ngoài đầu cửa cũng đều có bảng nội quy quy định ra vào nơi đó. Chuyện ăn mặc hở hang, không đúng quy định sẽ làm cho người làm cùng phân tán tư tưởng. Một khi tư tưởng đã phân tán thì công việc không thể hoàn thành, còn chưa kể những tư tưởng, suy nghĩ đó có thể lệch lạc ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường làm việc”.

GS Trần Lâm Biền cũng khẳng định thêm: “Ở nước ta có hình thức truyền thống sinh hoạt cộng đồng, không phải theo cá nhân - đó là cái gốc của người Việt Nam xưa - chúng ta nên giữ những phần tốt đẹp đó. Nếu một người nào đó thích tự do, thì tốt hơn là nên ở nhà vì một khi đã đi làm, đi ra ngoài đường đều phải chấp nhận theo quy định chung”. Tuy nhiên, GS Trần Lâm Biền cũng lưu ý: “Những quy định này nếu áp dụng nên nhẹ nhàng, không nên rập khuôn, cứng nhắc thì sẽ rất tốt. Khi thực hiện cũng không nên "đánh trống bỏ dùi”, chỉ được một thời gian lại bỏ dở”.

Đồng quan điểm này, bà Ninh Thị Thu Hương, quyền Cục trưởng Cục Văn hóa Cơ sở, Bộ VH-TT&DL cho rằng: “Việc quy định về trang phục trong cơ quan công sở là cần thiết để góp phần thực hiện nếp sống văn minh. Yêu cầu đối với trang phục là phải phù hợp với tính chất công việc, đại diện cho cơ quan nhà nước vì vậy mặc quần bò, áo phông là không phù hợp”.

Bà Hương cũng cho rằng, chất lượng của cán bộ phụ thuộc vào yếu tố như trình độ chuyên môn, tư chất quản lý và hình thức thể hiện. “Tuy ăn mặc không hoàn toàn quyết định đến chất lượng cán bộ nhưng góp phần quan trọng để xây dựng hình ảnh của một cán bộ Nhà nước chuyên nghiệp, có năng lực, lịch sự và phù hợp với xu thế hội nhập”.

ĐỨC MINH

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/cam-cong-chuc-mac-quan-jeans-ao-thun-o-cong-so-la-dung-post201870.html