Cạm bẫy 'chết người' khiến chuyên gia không dám khai quật mộ Tần Thủy Hoàng

Hơn 2.000 năm qua, lăng mộ Tần Thủy Hoàng vẫn ẩn chứa rất nhiều bí mật, đặc biệt là hàng loạt cạm bẫy 'chết người' khiến các nhà khảo cổ e sợ không dám khai quật.

Tần Thủy Hoàng là vị hoàng đế sáng lập nhà Tần - triều đại thống nhất đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc. Để chuẩn bị cho cuộc sống sau khi qua đời, ông đã xây dựng lăng mộ từ năm 246 TCN. Khu lăng mộ này nằm ở dãy núi Ly Sơn, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc, có diện tích 41.600 m2, lớn nhất trong triều đại Tần và Hán.

Khu vực lăng mộ Tần Thủy Hoàng được bảo vệ bởi bức tường thành kiên cố, được xây từ tro trắng, đất cát, hoàng thổ, gạo nếp và đinh sắt. Bức tường này chống mưa gió hiệu quả và thậm chí khá vững chắc trước các tác động mạnh như động đất.

Mặc dù các nỗ lực khảo cổ đã tiết lộ nhiều bí ẩn về lăng mộ nhưng nơi này vẫn được coi là "bất khả xâm phạm" vì các lý do khoa học và tâm linh. Có tin đồn rằng lăng mộ chứa nhiều vàng bạc và châu báu, và để bảo vệ khỏi trộm mộ, Tần Thủy Hoàng đã thiết kế các cạm bẫy chết người bên trong.

1. Dòng sông thủy ngân. Mộ của Tần Thủy Hoàng được bảo vệ một bởi dòng thủy ngân. Các nhà khảo cổ từ Mỹ đã sử dụng công nghệ để khảo sát và phát hiện một lượng lớn thủy ngân trong lăng mộ, cao gấp 280 lần mức bình thường. Điều này trùng khớp với ghi chép về sông thủy ngân trong bộ sử ký Tư Mã Thiên.

Có nhiều ý kiến khác nhau về mục đích chôn lượng lớn thủy ngân trong lăng mộ. Theo một số nghiên cứu, thủy ngân có thể được sử dụng để bảo quản thi thể và chống ăn mòn. Đến thời nhà Hán, người Trung Quốc mới biết rằng thủy ngân có chứa chất kịch độc, điều này làm dấy lên các suy đoán cho rằng thủy ngân được dùng để chống trộm.

Về nguồn gốc của lượng thủy ngân này, các nhà khoa học cho rằng, có thể nó đã được khai thác từ một mỏ thủy ngân ở Tuần Dương, phía nam tỉnh Thiểm Tây. Tuần Dương, cách lăng mộ Tần vương khoảng 100 km, từng là vùng đất nằm giữa nhà Tần và nhà Chu, có tuyến đường thủy vận chuyển hàng hóa qua nơi này.

2. Bẫy cát và cung nỏ. Trong nhiều năm, không có bằng chứng cho việc lăng mộ của Tần Thủy Hoàng từng bị đào xới. Người ta cho rằng tuyến phòng thủ đầu tiên trong lăng mộ đó là sử dụng cát tạo thành "biển cát" xung quanh để ngăn chặn trộm mộ.

Khi kẻ trộm mộ rơi vào bẫy cát, họ có thể bị chôn sống. Tuy nhiên, khi vượt qua tuyến phòng thủ đầu tiên, kẻ trộm mộ vẫn phải đối mặt với nguy cơ từ bẫy nỏ bên trong. Các bản ghi cổ cho thấy lăng mộ có nhiều cửa và lối đi, ẩn giấu nỏ để tự động bắn hạ kẻ xâm nhập.

Mặc dù chi tiết về bẫy nỏ trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng chưa được xác định rõ ràng, khám phá hầm binh mã gần đó đã tiết lộ loại nỏ gỗ dâu được sử dụng. Loại nỏ này được gọi là "kình nỏ" hoặc siêu nỏ, có khả năng tầm bắn hơn 800 m, sức căng lên đến 350 kg và tự động hoạt động. Điều này mở ra khả năng những bẫy nỏ này vẫn còn hoạt động sau hơn 2.000 năm.

3. Đội quân đất nung. Lăng mộ Tần Thủy Hoàng chứa một đội quân đất nung hơn 8.000 binh sĩ, được cho là sao chép từ các binh sĩ thật của nhà Tần. Đội quân này mang theo "lời nguyền" khiến kẻ nào xâm phạm nơi an nghỉ của hoàng đế phải chết chóc.

Chúng được trang bị những vũ khí như cung, kích, giáo, mác, gươm bọc đồng... Có khoảng 40.000 vũ khí bằng đồng được tìm thấy trong lăng mộ, với mũi tên là vũ khí phổ biến nhất. Các nhà khoa học đã tái tạo các mũi tên và thử nghiệm bằng cung tên cổ. Kết quả cho thấy, mũi tên có khả năng xuyên qua áo giáp và gây thương tổn nghiêm trọng.

Có nhiều giai thoại về đội quân đất nung này mang theo "lời nguyền" chết chóc. Một tài liệu cổ kể rằng, sau khi Tần Thủy Hoàng qua đời và được chôn cất tại Tây An, Hạng Vũ - người có công trong việc lật đổ nhà Tần - đã cố gắng phá lăng mộ. Tuy nhiên, khi đào mộ, một con chim nhạn bằng vàng đã bay ra từ lăng mộ và biến mất về phía nam. Sự việc được coi là điềm báo và dự báo rủi ro. Hạng Vũ cuối cùng cũng tử vong sau đó.

4. Lực địa từ. Yếu tố thậm chí đáng sợ hơn cả những "cạm bẫy" bên trong lăng mộ, chính là "lực địa từ". Lực địa từ có sức hủy diệt rất lớn. Trên thế giới, nhiều nơi xảy ra thảm họa thiên nhiên đáng sợ chính là do thay đổi của địa từ. Toàn bộ bên trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng đều phân bố lực địa từ cực mạnh.

Nếu không có biện pháp thích hợp mà cố mở lăng mộ, lực địa từ có thể phá hủy lăng mộ, thậm chí có thể thay đổi mọi thứ trong phạm vi bán kính hàng km.

Cho đến nay, lăng mộ Tần Thủy Hoàng vẫn được xem là một nơi ẩn chứa nhiều bí mật chưa có lời giải đáp trong lịch sử Trung Quốc. Có lẽ chỉ đến khi công trình này được khám phá toàn bộ, hậu thế mới có được giải đáp chính xác cho những bí ẩn tưởng chừng như đã bị lịch sử vùi chôn vĩnh viễn.

Mời quý độc giả xem video: Hé lộ lý do khoan hơn 40.000 lỗ trên lăng mộ Tần Thủy Hoàng

Lê Trang (TH)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/cam-bay-chet-nguoi-khien-chuyen-gia-khong-dam-khai-quat-mo-tan-thuy-hoang-1887949.html