"Cấm bán rượu, uống rượu trong quán karaoke": Khó khả thi

Bàn về quy định xử phạt trên, anh Nguyễn Khắc Hiếu ở đường Điện Biên Phủ, Hà Nội nêu ý kiến: “Thông thường người dân vào quán karaoke hát sau khi uống rượu, bia xong. Đây là nơi vui chơi, xả stress. Nếu chưa uống ở đâu đó, người dân có thể vừa hát, vừa mời nhau vài cốc bia, ly rượu. Bởi vậy, quy định cấm uống rượu bia ở phòng karaoke là chưa hợp lý. Nếu như chúng ta cần kiểm soát để tránh các hoạt động kinh doanh không lành mạnh trong quán karaoke thì phải có cách quản lý khác”.

Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể dục, thể thao và du lịch do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng vừa được công bố lấy ý kiến góp ý của nhân dân. Dư luận khá chú ý đến quy định hành vi vi phạm về hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng như karaoke. Đặc biệt, trong đó có quy định cấm người say rượu vào phòng karaoke, cấm bán rượu tại phòng karaoke.

Nghị định quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch mới sẽ thay thế Nghị định 75/2010/NĐ-CP. Sau khi được thông qua và ban hành, Nghị định sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2013. Điều 15 Dự thảo Nghị định quy định mức phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1 triệu đồng – 3 triệu đồng đối với hành vi: “Để người say rượu, bia vào vũ trường, nơi khiêu vũ công cộng, phòng karaoke”. Điều 19 quy định mức phạt từ 1-3 triệu đồng đối với hành vi uống rượu tại phòng karaoke, phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với hành vi bán rượu tại phòng karaoke.

Chúng tôi trao đổi với những người trực tiếp làm nhiệm vụ xử lý vi phạm, một số lãnh đạo phường, xã rất băn khoăn về tính khả thi của quy định trên. Bởi trước đây, Nghị định 75/2010/NĐ-CP đã quy định hành vi để người say rượu, bia vào phòng karaoke sẽ bị xử phạt ở mức 500.000 đồng - 1,5 triệu đồng. Thế nhưng, gần như chưa quán karaoke nào bị xử lý về hành vi này.

Ông Phạm Ngọc Long, Chủ tịch UBND phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm cho biết, trên địa bàn phường hiện có 2 quán karaoke. Về quy định không bán rượu trong quán karaoke, phường có thể triển khai được, vì bán rượu thì phải có giấy phép. Nếu quán không xuất trình được giấy phép bán rượu thì sẽ bị xử lý về hành vi kinh doanh không phép. Còn quy định cấm người say bia, rượu vào quán karaoke thì rất khó thực hiện. Phường cũng không có đủ nhân lực để thường xuyên xử lý lỗi vi phạm này.

Bàn về quy định xử phạt trên, anh Nguyễn Khắc Hiếu ở đường Điện Biên Phủ, Hà Nội nêu ý kiến: “Thông thường người dân vào quán karaoke hát sau khi uống rượu, bia xong. Đây là nơi vui chơi, xả stress. Nếu chưa uống ở đâu đó, người dân có thể vừa hát, vừa mời nhau vài cốc bia, ly rượu. Bởi vậy, quy định cấm uống rượu bia ở phòng karaoke là chưa hợp lý. Nếu như chúng ta cần kiểm soát để tránh các hoạt động kinh doanh không lành mạnh trong quán karaoke thì phải có cách quản lý khác”.

Cần có cách quản lý hoạt động karaoke phù hợp với nhu cầu và văn hóa của người dân. (Ảnh minh họa)

Trong dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch còn có quy định hành vi đốt đồ mã tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử - văn hóa, nơi công cộng khác với mức phạt từ 1-3 triệu đồng; tổ chức hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và các hình thức khác có tính chất mê tín dị đoan sẽ bị phạt từ 3-5 triệu đồng. Những hành vi trên đã được quy định trong Nghị định 75/2010/NĐ-CP nhưng cũng chưa đi vào cuộc sống vì phong tục tập quán và thiếu hướng dẫn chi tiết, thiếu cả cán bộ cơ sở để thực hiện.

Trong dự thảo Báo cáo đánh giá tác động của dự thảo Nghị định này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đánh giá: “Một số hành vi vi phạm quy định trong hoạt động văn hóa còn chưa cụ thể nên khó khăn khi áp dụng, như: khái niệm say rượu, mất mỹ quan… lên đồng như thế nào là mê tín… Một số hành vi còn không đồng bộ với hệ thống pháp luật nên khó áp dụng như quy định cấm đốt đồ mã nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử, nơi công cộng trong khi pháp luật vẫn cho phép sản xuất mặt hàng vàng mã... Mặt khác, tại một số nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử theo phong tục truyền thống ban tổ chức và ban quản lý vẫn đốt đồ mã, vậy việc xử phạt không hiệu quả nên hành vi này không thực hiện được trên thực tế”. Thế nhưng, dự thảo Nghị định chưa làm rõ được điều này, cần phải có sự điều chỉnh và bổ sung chi tiết hơn.

Việc ban hành quy định để quản lý, làm lành mạnh hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng là cần thiết. Nhưng, những người xây dựng quy chế cần tính đến tính khả thi của văn bản. Điều quan trọng phải tính đến là quy định đó sẽ được triển khai vào thực tế như thế nào. Bởi nếu ban hành mà quy định không đi vào cuộc sống thì sẽ không phát huy được hiệu lực của các văn bản pháp luật

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/vi-vn/xahoi/2013/1/190291.cand