Cái thuở ban đầu nước Mỹ ấy: Quá vãng 200 năm trước

Lịch sử chẳng ngẫu nhiên mà cũng rất tình cờ, cái nhân duyên quan hệ Mỹ - Việt. Cứ như một định mệnh trớ trêu đủ đầy cả ngọt ngào, cay đắng? Nhân những phát triển vừa qua và sắp tới trong quan hệ hai nước, lần giở và nhớ lại một số chuyện.

Tháng 6/2005, lộ trình xuyên Thái Bình Dương mười mấy giờ bay trong nhóm báo chí tháp tùng chuyến thăm Hoa Kỳ đầu tiên của Thủ tướng Phan Văn Khải dường như ngắn, bớt thêm những dài dặc khi tôi ngồi bên nhà sử học Dương Trung Quốc. Những chuyện gần, chuyện xa. Mái đầu bạc của sử gia khẽ rung khi chúng tôi sẻ chia câu chuyện về một quá vãng... Rằng hồn cốt Dịch lý phương Đông hình như xưa nay vẫn khắc khoải, vẫn nắc nỏm và tốn không biết bao thời giờ lẫn giấy mực quanh một chữ Thời! Rằng Việt Nam và nước Mỹ tít mù xa mà đang bay cả ngày lẫn đêm bằng tốc độ phản lực này vẫn chưa tới đã dính líu, đã can dự kha khá quanh một chữ thời này!

Nhà sử học họ Dương có nhắc đến một sự kiện mà ông nói thấy ít được nhắc tới. Ấy là cuộc ngồi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với con trai Tổng thống Mỹ J. Kennedy. Đó là ngày 23/ 8/1988. Vị lão tướng, nguyên là giáo sư sử học đã nhắc chàng trai kém mình một nửa thế kỷ tuổi tác (khi ấy Đại tướng 88 tuổi còn con trai của Kennedy 38 tuổi) cái câu này: Nhiều người Mỹ, nhất là thế hệ trẻ mới chỉ biết đến lịch sử bang giao Việt Mỹ qua một cuộc chiến tranh khốc liệt mà quên rằng đã từng có trang sử tốt đẹp trước đó...

Con tàu Constitution trong ngày sinh nhật thứ 210 vào tháng 10 năm 2010.

Trang sử?

…Tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ G. Washington tuyên đọc bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776, nhưng có lẽ chắc ít người biết, chấp bút viết bản Tuyên ngôn độc lập bất hủ cho Washington chính là một luật sư trẻ có tên là Thomas Jefferson, người sau này đã trở thành Tổng thống thứ ba của nước Mỹ. Và cũng ít người biết Th. Jefferson chính là người Mỹ quan tâm đến Việt Nam, đến cái địa danh mà bây giờ gần như chìm lút vào dĩ vãng lẫn quên lãng: Cochinchina. Địa danh ấy, cái tên ấy các thương nhân lẫn dân Âu đến xứ ta truyền đạo đã dùng để gọi Việt Nam!

Khi còn chưa nổi danh, Thomas Jefferson thuở đang còn là một điền chủ ở vùng Virginia đã rất say mê với nghề canh nông. Jefferson chơi thân với một nhà thám hiểm người Pháp nổi tiếng có tên Poivre. Poivre từng đặt chân lên nhiều châu lục và ông đã tới được cái xứ tít mù ở vùng Viễn Đông có cái tên là Cochinchina kia. Jeferson say mê nghe Poivre kể lại nhiều chuyện, nhưng thứ làm Jefferson say mê chính là giống lúa cạn sai hạt trĩu bông của xứ Cochinchina.

Jefferson rất mong có được thứ lúa ấy trồng ở nông trại của mình. Hiện còn lưu lại những bức thư của Jefferson gửi cho nhiều người bày tỏ mối quan tâm của mình đến cái giống lúa cạn đó. Sau này khi làm đặc sứ của Hoa Kỳ tại Pháp, tình cờ tại Điện Versaillles, Jefferson đã gặp được hoàng tử Cảnh cùng ông bố nuôi, giáo sĩ Bá Đa Lộc (Pigneau de Béhaine) sang cầu viện Pháp để chống chọi với nhà Tây Sơn. Jefferson đã có cuộc trò chuyện thú vị với vị hoàng tử lưu vong này. Trong câu chuyện, ông bày tỏ luôn mối quan tâm của mình về cái giống lúa ấy. Tiếc rằng nếu như liền đó nước Pháp không xảy ra cuộc cách mạng 1789 thì nguyện vọng kia của vị tổng thống tương lai của Hoa Kỳ chắc sẽ trở thành hiện thực.

Như vậy, có thể người Mỹ đầu tiên tiếp xúc với một người Việt Nam - Hoàng tử Cảnh, chính là Jefferson! Đó là năm 1877. Trong thời gian Thomas Jefferson làm Tổng thống, chiếc tàu biển đầu tiên của Hoa Kỳ đã dong buồm cập cảng Tourane - Đà Nẵng. Đó là chiếc tàu mang tên Fame do thuyền trưởng J. Brisgg chỉ huy đến tìm cơ hội buôn bán với Cochinchina. Có thể nói đó là những công dân Mỹ đầu tiên đặt chân đến nước ta?

Viên thuyền trưởng đã có các cuộc tiếp xúc với các quan chức địa phương. Vua Gia Long cũng như triều đình Việt Nam khi đó theo dõi rất chặt chẽ mọi hoạt động của con tàu Fame trong mối e ngại những nguy cơ từ Tây dương tới nên giữ thái độ đề phòng. Vua Gia Long chỉ cho phép buôn bán nhưng không cho mở thương điếm trên đất liền. Đầu năm 1819, cũng xuất phát từ Salem của vùng Massachusetts như tàu Fame, hai con tàu Marmion và Franklin đã đi mất 5 tháng mới đến Việt Nam.

Hiện còn những tài liệu ghi rõ việc hai con tàu đó đến Việt Nam. Đáng chú ý sau chuyến đi ấy, ông thuyền trưởng tàu Franklin là John White đã viết cuốn sách kể lại chi tiết hành trình. Sách được xuất bản vào năm 1823 ở London với nhan đề Một chuyến đi Việt Nam (A Voyage to Cochinchina). Có chẳng ít những dòng nhận xét rất cực đoan, rằng đây là xứ sở không sản xuất được gì cả... Chế độ quân chủ chuyên chế làm cho nền kinh tế khó phát triển, hết đường làm ăn tại Cochinchina. Mặc dù viên thuyền trưởng cũng thừa nhận ở đây giá cả rất rẻ, có rất nhiều hải cảng tốt. Vịnh Đà Nẵng là vịnh đẹp nhất thế giới. Cư dân thạo nghề sông biển có thể cạnh tranh với người Trung Hoa...

Tác phẩm của John White gây kích thích cho chính giới Tây phương nói chung và Hoa Kỳ nói riêng chú ý tới Việt Nam. Con tàu của John White còn trở lại Việt Nam vào cuối năm 1819 và rời Việt Nam vào đúng thời điểm vua Gia Long mất (1830).

Rồi người kế vị là vua Minh Mạng lên ngôi lấy quốc hiệu là Đại Nam. Là vị vua có chí lớn, muốn củng cố quốc gia mà không bế quan tỏa cảng mở rộng giao thương với ngoại quốc. Cũng lúc đó, Hoa Kỳ cũng có nhu cầu mở rộng ảnh hưởng ở khu vực này. Năm 1826 lãnh sự Mỹ đặt tại Batavia của Indonesia thuộc Hà Lan đã thúc giục chính phủ sớm xác lập quan hệ thương mại với Xiêm (Thái Lan) và Đại Nam lúc này đang là những quốc gia độc lập.

Năm 1829, Andrew Jackson lên làm Tổng thống thứ 7 Hoa Kỳ với hai nhiệm kỳ (1829-1837). Năm 1831, ông đã cử phái viên đầu tiên đi thương thuyết về việc lập lãnh sự nhưng không thành. Cuối năm 1832, một phái đoàn chính thức của Hoa Kỳ mới tới Việt Nam với sứ mạng chuyển tới hoàng đế của nước Đại Nam bức thư có chữ ký của Tổng thống Andrew Jackson. Người thực hiện sứ mạng ngoại giao là đầu tiên đến tiếp xúc với triều đình Đại Nam là Edmund Robert (phiên âm Hán là Nghĩa Đức Môn La Bách).

Tàu bỏ neo ở Vũng Lắm, Vịnh Xuân Đài của Phú Yên bây giờ. Vua Minh Mạng sai hai viên đại thần là Nguyễn Tri Phương và Lý Văn Phức từ Huế vào tiếp xúc với thái độ thiện chí. Nhưng rốt cuộc sự bang giao không thành chỉ vì mỗi một lý do nghi thức! Bức quốc thư theo văn phong Hoa Kỳ với lời mở đầu Great and Good Friend bị triều đình Việt Nam coi là bất kính vì đã không nêu danh người nhận và cách xưng hô không hợp thức với một vị hoàng đế nên bị trả lại và vua Minh Mạng không tiếp!

Luật sư Thomas Jefferson, người chắp bút cho Tổng thống Washington viết bản Tuyên ngôn Độc lập.

Lại phải thêm 4 năm nữa. Tháng 5/1836, vẫn Edmund Robert quay lại trên tàu Peacock mang theo quốc thư với lời đề nghị ký kết một hiệp ước thương mại với nước Đại Nam. Vua Minh Mạng hỏi quần thần về vấn đề này. Thấy còn nhiều ý kiến khác nhau nên có sai người vào gặp khách để giữ hòa hiếu và tìm hiểu thêm tình hình trước khi quyết định. Nhưng tới nơi thì tàu chuẩn bị nhổ neo và E. Robert đã cáo bệnh không tiếp (ít hôm sau, E. Robert bệnh thật và mất ở Ma Cao).

Di cảo của viên thuyền trưởng được xuất bản ngay sau đó. Thế là những cơ hội giao thương hòa hiếu giữa hai nước bị bỏ lỡ để rồi gần một thập kỷ sau, năm 1845, không phải là những chiếc tàu buôn mà là chiến thuyền USS Constitution do thuyền trưởng John Percival chỉ huy đã cập bờ biển Đà Nẵng, không mang theo một sứ mạng ngoại giao nào mà sau khi đã nhận tiếp tế lương thực và nước ngọt đã lấy cơ hội trả tự do cho một nhà truyền giáo người Pháp. Lại càn rỡ nổ súng thị uy và bắt cóc một số con tin Việt Nam rồi bỏ đi! Với sự kiện này, chiến hạm USS Constitution đã trở thành chiến hạm phương Tây đầu tiên nổ súng vào nước ta, trước cả tiếng đại bác của quân Pháp gây hấn vào năm 1847 và chính thức tấn công xâm lược 13 năm sau, năm 1858.

Nhà sử học người Pháp Jean Chesnaux đã gọi hành động này là hành động can thiệp quân sự đầu tiên chống Việt Nam của một chiến hạm Hoa Kỳ. Cho đến nay chưa có một căn cứ nào để minh chứng rằng tiếng súng từ chiến hạm USS Constitution được khai hỏa từ Washington hay chỉ là phản ứng tự phát của viên thuyền trưởng vốn nhuốm máu cao bồi vùng viễn Tây Hoa Kỳ?

Còn chính phủ Hoa Kỳ thì sau đó đã tìm cách hàn gắn sự đổ vỡ. Tháng 8/1849, ngoại trưởng J. Dayton yêu cầu đặc sứ của mình ở Đông Nam Á là Balestier chuyển cho phía Việt Nam thông điệp mong muốn ký được một Hiệp ước hữu nghị, thương mại và khẳng định rằng Chính phủ Hoa Kỳ mong muốn hòa bình hơn là chiến tranh! Balestier cũng bày tỏ rằng, Hoa Kỳ không có một thuộc địa nào ở khu vực này như Anh, Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha...

Tổng thống Zachary Taylor (Tổng thống thứ 12 của Hoa Kỳ) còn viết một bức thư tới vua Tự Đức để xin lỗi hành động của viên thuyền trưởng Percival mà Tổng thống chỉ mới nghe được gần đây. Nhưng dường như mọi sự đã an bài, vua Tự Đức vừa bị choáng váng phải tên rày đã sợ làn cây cong bởi vụ tàu chiến Pháp do Rigault de Genouily gây hấn giờ lại lặp lại việc của tàu chiến Mỹ cũng trên cửa biển Đà Nẵng nên mọi cố gắng gây dựng mối giao hảo Mỹ - Việt đã trở nên vô ích.

Xuân Ba

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/cai-thuo-ban-dau-nuoc-my-ay-qua-vang-200-nam-truoc-post1561781.tpo