Cải thiện môi trường đầu tư: Bứt phá, vươn tầm cao mới (kỳ 3)

Kỳ III: Để Lạng Sơn phát triển nhanh và bền vững

Hội nghị đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022, nhiệm vụ giải pháp thực hiện năm 2023 do UBND tỉnh tổ chức tháng 5/2023 đã chỉ rõ một số hạn chế, bất cập trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh như việc chồng chéo giữa các quy hoạch dẫn đến thu hút đầu tư vào địa bàn chưa thực sự hấp dẫn; công tác giải phóng mặt bằng, giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp vẫn còn một số hạn chế…Điều này đòi hỏi các cấp, ngành của tỉnh cần vào cuộc quyết liệt, đồng bộ hơn nữa để Lạng Sơn thực sự trở thành “mảnh đất lành” hấp dẫn doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Dự án nhà máy thủy điện Bản Nhùng- Kỳ Cùng 6 tại xã Trấn Ninh, huyện Văn Quan đã cơ bản hoàn thành đầu tư trong năm 2023

Nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức

Môi trường đầu tư kinh doanh của Lạng Sơn trong những năm gần đây có những bước chuyển vượt bậc, được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư đánh giá cao; song từ khi dịch Covid-19 được kiểm soát, việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, trong “nguy” có “cơ”, đây là thời điểm để Lạng Sơn khẳng định quyết tâm trong việc tiếp tục thiết kế, thực thi các chính sách và lắng nghe cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư để tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn hơn trên chặng đường phát triển.

Ông Lương Đăng Ninh, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về kinh tế, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, nguyên Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho rằng: Điều kiện, cơ hội và thách thức của Lạng Sơn trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thời gian tới đó là tỉnh phải khẩn trương hoàn thiện quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Quy hoạch tỉnh chính là quy hoạch xương sống đề ra định hướng phát triển cả trong ngắn hạn và dài hạn.

Khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh thì đây là cơ hội vàng để Lạng Sơn đẩy mạnh thu hút đầu tư vào tỉnh. Tuy nhiên, những thách thức mà Lạng Sơn phải đối mặt đó là sự cạnh tranh khốc liệt trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của các tỉnh trong khu vực và các tỉnh có nhiều điểm tương đồng với Lạng Sơn.

Vì thế, tỉnh phải xây dựng được các cơ chế riêng, sát thực tiến và đáp ứng được những nhu cầu của nhà đầu tư nhất là về đất đai, giải phóng mặt bằng. Cùng đó, tỉnh cần định hướng được rõ những ngành nghề mà thực hiện phát triển sản xuất tại Lạng Sơn sẽ tạo được những lợi thế so sánh vượt trội, phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Còn theo ông Nguyễn La Thông, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Thành ủy Lạng Sơn, nguyên Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, để môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh có chất lượng, giữ được sự ổn định và tạo bứt phá thì việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển là rất quan trọng. Hiện tỉnh đang xây dựng quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030 tầm nhìn đến 2050, đây là định hướng phát triển chiến lược, không chỉ giúp Lạng Sơn phát triển kinh tế – xã hội trong dài hạn mà còn là căn cứ pháp lý quan trọng để thúc đẩy thu hút đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong nhiều năm tới. Vì thế, khi quy hoạch được phê duyệt sẽ giải quyết được nhiều vướng mắc như sự chồng chéo của các quy hoạch (cụ thể như quy hoạch đất đai, xây dựng, quy hoạch phát triển các ngành). Và muốn đưa quy hoạch vào cuộc sống thì Lạng Sơn rất cần có đội ngũ cán bộ có tâm, có tầm để hiện thực hóa các định hướng phát triển đã được đề cập trong quy hoạch tỉnh.

Tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn

Để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo đà cho Lạng Sơn phát triển bứt phá, trước mắt tỉnh tập trung tháo gỡ những “điểm nghẽn” đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến thực hiện các nhiệm vụ mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội cũng như cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra tình hình thực hiện dự án nút giao đường cao tốc vào khu công nghiệp VSIP Hữu Lũng

Đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Trong những năm gần đây, theo đánh giá của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Lạng Sơn có bước cải thiện vượt bậc về chỉ số PCI. Đáng chú ý năm 2022, theo chỉ số PCI do VCCI công bố, Lạng Sơn xếp hạng thứ 15/63 tỉnh, thành phố và nằm trong nhóm 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế tốt nhất cả nước.

Tuy nhiên, một số chỉ số thành phần quan trọng trong chỉ số PCI năm 2022 vẫn giảm điểm cho thấy những hạn chế trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh chưa được khắc phục hiệu quả. Cụ thể là các chỉ số: “tiếp cận đất đai và ổn định trong sử dụng đất”; “chi phí thời gian”; “tính năng động và tiên phong của chính quyền” và chỉ số “chính sách hỗ trợ doanh nghiệp”.

Do đó, để tháo gỡ những điểm nghẽn trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tập trung cải thiện các chỉ số thấp điểm; tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các chỉ số thành phần có điểm số cao. Đồng thời, tỉnh đang chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050, sau khi quy hoạch tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì tập trung tuyên truyền, công khai để người dân, doanh nghiệp biết và đồng hành cùng chính quyền tổ chức đưa quy hoạch vào cuộc sống.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh tiếp tục nghiên cứu ban hành các cơ chế, chính sách theo thẩm quyền nhằm tạo môi trường thông thoáng để thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư hoạt động sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, tỉnh đang chỉ đạo quyết liệt các huyện, thành phố đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án khu, cụm công nghiệp trên địa bàn để tạo mặt bằng cho doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện các dự án.

Ông Nguyễn Ngọc Thiều, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Vấn đề tiếp cận đất đai, giải phóng mặt bằng luôn là nội dung khó và gặp nhiều vướng mắc trong thời gian qua khi triển khai các dự án đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp. Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, trên cơ sở kết quả rà soát thực tế triển khai thực hiện, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố tham mưu, trình UBND tỉnh báo cáo và đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh nội bộ chỉ tiêu sử dụng đất trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai để thực hiện các dự án giao thông quan trọng, cấp bách đã được chấp thuận chủ trương và ghi vốn đầu tư trong năm 2023, các dự án đầu tư hạ tầng giao thông sử dụng nguồn vốn hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội phục vụ cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh.

Trong tháng 10/2023, sở đã tham mưu UBND tỉnh thực hiện điều chỉnh chỉ tiêu các loại đất giữa các huyện, thành phố để bảo đảm chỉ tiêu sử dụng đất, góp phần thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn.

Đối với công tác giải phóng mặt bằng dự án, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục bám sát tình hình thực hiện các dự án của các địa phương đơn vị. Trên cơ sở đó, Sở phối hợp với ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng các huyện, thành phố tập trung giải quyết khó khăn, vướng mắc phát sinh.

Theo thống kê, trong 9 tháng đầu năm 2023, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh giải quyết 837 trường hợp vướng mắc theo thẩm quyền riêng của Chủ tịch UBND tỉnh trong giải phóng mặt bằng các dự án. Sở đã phối hợp với các sở, ngành và trực tiếp chủ trì 20 cuộc họp chuyên đề để xem xét tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thực hiện các dự án đầu tư theo thẩm quyền. Theo ông Thiều, muốn thực hiện hiệu quả công tác giải phóng mặt bằng trong thời gian tới, cần tăng cường, phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng; nêu cao tinh thần, trách nhiệm của chính quyền và các đoàn thể, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu.

Từ quyết tâm cao đến hành động quyết liệt, các cấp, ngành tỉnh Lạng Sơn đã, đang và tiếp tục kiên trì cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để tạo đà cho tỉnh phát triển, vươn lên tầm cao mới. Và cùng với nỗ lực của tỉnh, rất cần sự chủ động, tích cực của doanh nghiệp, nhà đầu tư thông qua việc phát huy nội lực, tái cơ cấu sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh chuyên đổi số… để từ đó có khả năng hấp thụ vốn, hấp thụ các cơ chế, chính sách hỗ trợ; góp phần tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, đóng góp cho sự phát triển nhanh và bền vững của Lạng Sơn trên chặng đường phía trước.

Ông Đậu Anh Tuấn

“Những năm gần đây, các điểm số thành phần trong bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh do VCCI nghiên cứu, khảo sát tại Lạng Sơn được cải thiện rất rõ nét. Để giữ vững kết quả đã đạt được trong những năm tiếp theo, Lạng Sơn cần tiếp tục đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành, đặc biệt là xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể, khả thi để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Gắn với đó, tỉnh cần tăng cường kiểm tra, giám sát định kỳ, đột xuất đối với đội ngũ cán bộ, công chức thực thi công vụ để đánh giá hiệu quả, hạn chế trong việc giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Đồng thời, tỉnh cần sớm thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đất đai, mặt bằng; ưu tiên nguồn lực hỗ trợ các dự án lớn có sức lan tỏa mạnh để thu hút các nhà đầu tư đến với Lạng Sơn”.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng Ban Pháp chế VCCI

Xem kỳ trước

BẢO VY - TRANG NINH

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/kinh-te/620855-cai-thien-moi-truong-dau-tu-but-pha-vuon-tam-cao-moi-ky-3.html