Cái tết của người già

Cách Việt Nam tới nửa vòng trái đất, có một cái tết rất xưa vẫn đang được gìn giữ vẹn nguyên bởi những cụ già trên dưới 80 tuổi, bất chấp những thăng trầm, đổi thay của đời sống.

Tết Hà Nội xưa ngưng đọng nơi xứ người

Tròn 44 năm trước, đại gia đình chồng tôi từ phố cổ Hàng Đường, Hà Nội chuyển qua Canada định cư. Kể từ ấy, mãi mãi trong lòng ông bà, bố mẹ chồng tôi là ký ức về cái Tết Hà Nội của những năm 1960, 1970 trở về trước.

Qua xứ người, chẳng thể nào có cả kỳ nghỉ dài để sắm tết như ở quê nhà, nhưng không ai đành lòng đón cái tết vội vàng, qua loa. Vì thế mà một “truyền thống mới” đã dần hình thành trong nhóm bạn đến từ phố cổ Hà Nội của bố mẹ chồng tôi. Thay vì tự chật vật tìm nguyên liệu cho đủ mâm cỗ Việt, thì mỗi nhà chia nhau làm một món để chăm lo cho cái tết xưa thật chu toàn, đậm đà vị Việt như cái ngày họ xa quê hương.

Bánh chưng Hà Nội xưa trong cái lạnh âm độ Canada

Bố mẹ chồng tôi nhận phần việc nặng nhất là gói bánh chưng. Bánh chưng Hà Nội phải gói bằng lá dong bánh tẻ dẻo dai, xanh ngắt, còn ở đây chỉ có lá chuối đông đá vừa dễ rách vừa kém tươi. Nhưng lá rách không thể làm khó những người yêu cái tết xưa. Mặt lá xanh tươi nhất thì để trong cùng, lá rách chèn vào giữa, lá dai dày thì bọc ngoài cùng, đúng như câu “lá lành đùm lá rách” ông bà xưa đã dạy. Bánh chưng gói lá chuối qua bàn tay người Hà Nội vẫn lên màu xanh mướt, dền, dẻo vị gạo nếp, đậm ngọt vị đậu xanh, thịt heo - không thay đổi dù cách xa quê hương.

Lá chuối đông đá gói bánh chưng Tết

Gói bánh xong, lái xe một vòng khắp thành phố đi chia bánh đã thành nếp nhà tôi dịp tết, dù có năm lạnh tới âm 30 độ C. Để rồi chúng tôi nhận lại xôi gấc, xôi đậu xanh, giò lụa, nem, củ hành muối, thịt nấu đông… từ nhóm bạn cao niên của bố mẹ tôi – những người cũng tìm mọi cách xoay xở mua sắm, chăm chút kỹ càng cho từng món ăn luôn tròn vị Tết Hà Nội.

Sẵn bánh chưng, nhà tôi luộc thêm gà, nấu canh bóng (có năm nấu canh măng) là có đủ đầy mâm cỗ tết, trước là dâng lên ông bà tổ tiên, sau là con cháu cùng nhau sum vầy ôn lại kỷ niệm xưa.

Những “em bé Tây” mê ăn bánh chưng nhà tôi

Cứ thế, câu chuyện tết trong đám trẻ nhà tôi không phải của những năm 2000, mà là tết của Hà Nội thế kỷ trước – những cái tết mãi ngưng đọng trong tâm trí người già.

Gìn giữ tết nay cho mai sau

Tết nay ở Hà Nội mỗi năm lại trở nên phong phú hơn nhờ óc sáng tạo của các bà, các mẹ và của các dịch vụ tết. Còn ở nhà tôi, tết xưa và tết nay luôn là một, không đổi thay. Cỗ tết vẫn như những năm xa xưa có phần giản dị, mộc mạc hơn, nhưng không hề mất đi nét tinh tế, tươm tất, trang trọng của người Hà Nội.

44 năm trôi qua với biết bao thăng trầm. Mẹ tôi đã đi xa, bố tôi bị bệnh khớp ngày càng nặng. Mỗi lần gói xong nồi bánh chưng 40 - 80 cái, ông đứng lên không nổi. Chúng tôi khuyên ông hay là nghỉ gói một năm, nhưng ông nhất quyết không chịu. Việc gói bánh chưng góp vào cái tết chung đã trở thành một lời hứa “bất thành văn” với nhóm bạn cao niên.

Nhóm bạn chí cốt của bố mẹ tôi khi mới sang ở tuổi 30, 40, nay đã trên dưới 80, người còn, người mất. Nhưng phong vị ngày tết không vì thế mà dần hao mòn, rơi rụng.

Bao năm qua, nhờ ông bà, bố mẹ bền bỉ, miệt mài chỉ dạy, chúng tôi biết đã đến dần lúc tiếp nối gia đình chăm lo cái tết xưa trong lòng tết nay.

Từ một gia đình chỉ có người Việt đến nay nhà tôi đã định cư đến thế hệ thứ 4 với nhiều dâu, rể đa chủng tộc. Mỗi gia đình trẻ lại có thêm những truyền thống bản địa cần bảo tồn, nhưng chúng tôi thật tự hào vì luôn lan tỏa văn hóa Việt. Gia đình tôi có dâu, rể ngoại quốc không chỉ biết thưởng thức món tết, mà còn biết gói nem, gói bánh chưng thành thạo.

Bao nhiêu năm lớn lên và ăn tết ở Việt Nam, tôi đâu ngờ lại có ngày được trở lại một cái tết xưa thật là xưa ở nơi cách xa vạn dặm, để rồi càng thương, càng trân quý Tết Việt hơn.

Giờ đây mỗi dịp xuân sang, chúng tôi lại thấy mình như ông bà xưa, mang cho mình một tâm hồn thật thư thái để bắt tay vào chuẩn bị mâm cỗ tết, trước là dâng lên ông bà tổ tiên, sau là nhắc nhở con cháu biết giữ gìn, trân quý cái Tết Việt đến mãi mãi về sau.

THANH LOAN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/cai-tet-cua-nguoi-gia-post728972.html