Cái sai của người học thạc sĩ khi chưa định hướng đúng

Chọn sai ngành, hụt hẫng vì chương trình đào tạo không như kỳ vọng, chú trọng nhiều vào lý thuyết là những điều Thanh Huyền (28 tuổi) đã trải qua khi học thạc sĩ ở nước ngoài.

Nhiều người chọn học hơn 2 bằng thạc sĩ vì chọn sai ngành ở quá khứ. Ảnh: University of Canterbury.

Năm 2018, Thanh Huyền (28 tuổi, TP.HCM) mang theo kỳ vọng của gia đình (khi anh chị họ đều tốt nghiệp thạc sĩ ở châu Âu), chọn học chương trình đào tạo thạc sĩ Truyền thông tại ĐH RMIT (Australia). Thời điểm đó, cô chưa biết bản thân đang cần gì và có thế mạnh ra sao.

Tốt nghiệp chương trình đào tạo này, Huyền không còn hứng thú và muốn gắn bó, làm việc lâu dài trong ngành Truyền thông. Năm 2021, cô chọn học tiếp chương trình thạc sĩ ngành Công nghệ thông tin ở ĐH Flinders (Australia). Hiện tại, Huyền sắp tốt nghiệp bằng thạc sĩ thứ 2. Cô cũng đang làm việc và sinh sống ở Australia.

Theo Huyền, chương trình đào thạc sĩ là lựa chọn "không tệ" nhưng không phải tốt nhất hoặc bắt buộc. Trước khi lựa chọn, người học nên suy nghĩ kỹ càng.

Trả giá bằng tiền vì chọn sai ngành

Cụ thể, sau 2 năm tốt nghiệp bằng cử nhân, khi đi làm, Thanh Huyền luôn cảm thấy "thiếu nhiều thứ". Cô ám ảnh chuyện nâng cao lợi thế cạnh tranh trong công việc và phải hiểu biết nhiều hơn.

Trong lúc không rõ bản thân đang có lợi thế nào và cần làm gì tiếp theo, Huyền chọn học thạc sĩ ở nước ngoài. Cô hy vọng sau khi học thạc sĩ, bản thân sẽ có cơ hội làm việc ở vị trí cao, thăng tiến nhanh hơn.

Lựa chọn lúc đầu của Huyền là chương trình đào tạo thạc sĩ ngành Truyền thông ở ĐH RMIT (Australia). Kết thúc chương trình đào tạo này, nhận tấm bằng tốt nghiệp, Huyền hoang mang khi phát hiện bản thân không muốn gắn bó dài lâu với nghề Truyền thông như cô từng suy nghĩ. Vì vậy, cô tìm hiểu ngành học khác.

Công nghệ thông tin là lựa chọn tiếp theo của Huyền. Cô nhận thấy ngành nghề này ở Australia rất phát triển, chất lượng đào tạo tại các trường đại học cũng được đánh giá cao. Vì vậy, vào năm 2021, Huyền học tiếp bằng thạc sĩ ngành Công nghệ thông tin ở ĐH Flinders (Australia).

"Nếu có thể quay lại thời gian đầu, tôi ước mình tìm hiểu kỹ càng hơn trước khi quyết định ngành học. Chọn sai ngành, tôi đã tiêu tốn về mặt tài chính của gia đình rất nhiều. Nhưng cũng nhờ việc đi du học, trải nghiệm môi trường đa dạng, học 'sai' một ngành, tôi mới nhận ra được điểm đến cuối của mình là gì", Huyền nói.

Khi chọn sai ngành học, học viên có thể phải trả giá đắt về tiền bạc. Ảnh: Master's Programs Guide.

Đồng cảnh ngộ, khi sang Australia học thạc sĩ, Hồ Mai (28 tuổi, Hà Nội) cũng phải trả giá bằng tiền học phí cho lựa chọn sai ngành của mình.

Năm 2016, sau khi tốt nghiệp cử nhân, Mai dành một năm để tìm hiểu, nghiên cứu về các ngành học, cơ hội nghề nghiệp và môi trường đào tạo thạc sĩ trên thế giới. Cô được gia đình khuyên lựa chọn ngành Quản trị khách sạn ở một trường đại học tại Australia.

Qua lời tư vấn của bố mẹ, Mai ngộ nhận tính cách của bản thân phù hợp với ngành này nên đã quyết định theo học. Thế nhưng, chỉ sau 3 tháng của học kỳ đầu tiên, cô đã phát hiện mình không thuộc về ngành Quản trị khách sạn. Cô thích lắng nghe, tìm hiểu tâm lý xã hội và hỗ trợ mọi người hơn là làm việc ở khách sạn.

Sau đó, Hồ Mai đã tìm hiểu ngành Công tác xã hội. Cô quyết định từ bỏ chương trình đào tạo thạc sĩ Quản trị khách sạn để theo đuổi ngành khác.

Với lựa chọn này, Mai phải trả giá bằng việc phải đầu tư thêm thời gian và học phí cho chương trình thạc sĩ. Thay vì mất 2 năm để hoàn thành chương trình này, Mai tốn thêm 3 tháng. Cô cũng lãng phí số tiền học ở chương trình thạc sĩ Quản trị khách sạn trước đó.

Học thạc sĩ ở nước ngoài không giúp đổi đời

Tham gia học tập ở 2 chuyên ngành khác nhau, Thanh Huyền nhận ra để theo học và thích ứng với chương trình đào tạo thạc sĩ, học viên phải có khả năng tự học cao và kiên trì.

Cô cho biết bài giảng ở chương trình đào tạo này không quá đa dạng và chú trọng đến trải nghiệm khám phá kiến thức của học viên. Huyền cảm giác các bài giảng thiên về lý thuyết nhiều hơn thực hành. Trong một số lớp lý thuyết, sự tương tác giữa giảng viên và người học không cao.

Việc học thạc sĩ chú trọng rất nhiều vào khả năng tự học của cá nhân. Ảnh: Kiiky.

Thanh Huyền nhận định kiến thức ở bậc học thạc sĩ rất chuyên sâu. Nó phù hợp với những học viên đã đi làm một thời gian, có hiểu biết, trải nghiệm liên quan đến ngành học nhiều hơn. Dù đã nắm vững các kiến thức này, những ngày đầu khi đi làm, Huyền vẫn chưa có cơ hội để áp dụng.

Ngoài ra, Thanh Huyền cũng nhấn mạnh việc nghiên cứu kiến thức ở bậc học thạc sĩ rất nặng, đặc biệt trong quá trình làm luận văn cuối kỳ. Học viên phải đọc rất nhiều bài viết và chuẩn bị trong thời gian dài.

"Khi học thạc sĩ, chúng ta không thể dựa vào ai được mà phải tự học, tự xử lý vấn đề. Để phát triển bản thân, người học phải nỗ lực rất lớn. Tôi cũng nhận ra, bằng thạc sĩ ở nước ngoài, dẫu từ trường lớn cũng không giúp mọi người đổi đời hoặc đạt vị trí cao trong công việc ngay sau khi tốt nghiệp. Vì vậy, nếu đặt kỳ vọng quá cao, người học sẽ dễ thất vọng và hụt hẫng", Huyền nói.

Cũng theo Huyền, người học cần chuẩn bị tâm lý trước và xác định bản thân có thực sự muốn học thạc sĩ hay không vì số tiền bỏ ra cho chương trình này không nhỏ. Họ cũng có thể mất 2 năm rời khỏi thị trường việc làm để tập trung cho học tập.

Nhưng chọn học thạc sĩ là đúng

Nhận thấy những nhược điểm nêu trên nhưng Thanh Huyền cũng không phủ nhận lợi ích của việc học chương trình đào tạo thạc sĩ ở nước ngoài.

"Tôi từng than phiền về học phí, chương trình học thạc sĩ với bạn bè. Nhiều lúc ngồi làm bài cuối kỳ cực không thể tả, tôi tự hỏi mình đang làm gì ở đây, học thêm nhiều vậy rồi sao nữa. Nhưng tôi không hối hận vì đã học 2 chương trình thạc sĩ này. Nhờ nó, tôi đã khám phá được bản thân thực sự muốn gì, thích ứng đến đâu và giỏi điểm nào", Huyền nói.

Từ các kiến thức, trải nghiệm làm dự án thực tế và mối quan hệ trong ngành với các giảng viên, khách mời thỉnh giảng, công ty liên kết với trường học; con đường bước vào nghề Công nghệ thông tin của Huyền đã trở nên dễ dàng hơn. Hiện tại, cô đang làm nhân viên part time ở nhóm Digital Recruitment (tạm dịch: Tuyển dụng kỹ thuật số) của ĐH Flinders.

Đồng quan điểm, Hồ Mai cho rằng quyết định học thạc sĩ của bản thân là đúng đắn (dù cô từng chọn sai ngành). Tấm bằng thạc sĩ ngành Công tác xã hội giúp Mai tin tưởng hơn vào định hướng nghề nghiệp của mình.

Chỉ sau 2 tháng tốt nghiệp, ở lại làm việc và sinh sống tại Australia, Mai đã có công việc đầu tiên. Tuy nhiên, công việc này không tận dụng hết 100% kiến thức cô đã được học. Vì vậy, sau khoảng 8 tháng, Mai chuyển sang làm nhân viên bảo vệ trẻ em. Hiện tại, công việc của cô là nhà tâm lý học lâm sàng ở Australia.

"Khi học ngành thạc sĩ Công tác xã hội, tôi được tìm hiểu về những vấn đề trong xã hội của Austrlia. Tận dụng lợi thế này, tôi có khả năng hiểu thân chủ của mình khi tư vấn tâm lý nhiều hơn", Mai nói.

Xác định theo đuổi công việc này lâu dài, Mai dự định học thêm chương trình thạc sĩ Thực hành sức khỏe tinh thần ở ĐH Queensland (Australia) vào tháng 2 năm sau. Cô cũng định hướng sẽ học lên tiến sĩ khi có điều kiện.

Nguyễn Hằng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cai-sai-cua-nguoi-hoc-thac-si-khi-chua-dinh-huong-dung-post1365288.html