Cái khó của múa ba lê

QĐND Online- Sắp tới, vào các ngày 11, 16 và 18-11, Nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch TP Hồ Chí Minh sẽ tổ chức biểu diễn vở ba lê cổ điển nổi tiếng “Kẹp hạt dẻ” do nghệ sĩ Johanne Jakhelln Constant làm biên đạo múa. Phần biểu diễn được thực hiện hoàn toàn bởi các nghệ sĩ múa Việt Nam. Năm 2011, vở ba lê “Kẹp hạt dẻ” cũng đã được biểu diễn tại Việt Nam và gây tiếng vang lớn. Có thể nói, đằng sau thành công của mỗi vở diễn ba lê là sự cống hiến không biết mệt mỏi của các nghệ sĩ và cả nỗi lo “kéo” khán giả đến với sân khấu múa ba lê.

QĐND Online- Sắp tới, vào các ngày 11, 16 và 18-11, Nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch TP Hồ Chí Minh sẽ tổ chức biểu diễn vở ba lê cổ điển nổi tiếng “Kẹp hạt dẻ” do nghệ sĩ Johanne Jakhelln Constant làm biên đạo múa. Phần biểu diễn được thực hiện hoàn toàn bởi các nghệ sĩ múa Việt Nam. Năm 2011, vở ba lê “Kẹp hạt dẻ” cũng đã được biểu diễn tại Việt Nam và gây tiếng vang lớn. Có thể nói, đằng sau thành công của mỗi vở diễn ba lê là sự cống hiến không biết mệt mỏi của các nghệ sĩ và cả nỗi lo “kéo” khán giả đến với sân khấu múa ba lê.

Khó với nghệ sĩ…

Ba lê là một hình thức múa biểu diễn dành cho khán giả nhà hát kịch. Trên cả múa, ba lê được coi là một loại hình nghệ thuật tao nhã, có ảnh hưởng tới rất nhiều loại hình múa của thế giới sau này. Được cho là có khởi nguồn từ I-ta-li-a thời kỳ Phục hưng thế kỷ 15-16, ba lê trở nên phổ biến tại Pháp và Nga, và gần đây nhất là tại Mỹ.

Cũng giống như các hình thức múa khác, ba lê có thể kể lại một câu chuyện, thể hiện một trạng thái cảm xúc, hoặc đơn giản là phản ánh giai điệu của âm nhạc. Nhưng kỹ thuật (tức là cách thức biểu diễn) và các kỹ năng đặc biệt của một diễn viên ba lê rất khác so với kỹ năng của các vũ công khác.

Theo các nghệ sĩ múa ba lê có nghề, để trở thành một nghệ sĩ múa ba lê là một điều không hề dễ. Có thể nói, trong các loại hình nghệ thuật, ba lê là bộ môn đòi hỏi người nghệ sĩ phải luyện tập chăm chỉ theo một chế độ khắt khe nhất.

Tại trường Cao đẳng múa Việt Nam (Khu Văn hóa Nghệ thuật, Mai Dịch, Hà Nội), những học sinh học múa ba lê phải dành ít nhất từ 4 giờ đến 6 giờ cho việc tập luyện.

Không chỉ vất vả trong tập luyện mà chế độ ăn uống để giữ hình thể đối với diễn viên múa vô cùng nghiêm ngặt. Ngoài ra, chuyện bong gân, trật cổ chân, rướm máu do tập luyện là chuyện thường ngày đối với những học sinh học múa ba lê này.

Những nghệ sĩ múa ba lê phải tập luyện rất nhiều để có những màn múa đẹp trình diễn trước khán giả. Ảnh minh họa: Internet.

Khó khăn là vậy nhưng để sống trọn vẹn tình yêu với múa, các nghệ sĩ múa ba lê luôn âm thầm, nhẫn nại cống hiến cho khán giả những màn múa ba lê có giá trị.

… Và khó cả với khán giả

Múa ba lê là một loại hình nghệ thuật phức tạp đòi hỏi người xem phải có vốn kiến thức cơ bản về ba lê mới có thể hiểu và cảm nhận được hết cái hay, cái đẹp của một vở ba lê. Ở Việt Nam, đã có nhiều vở ba lê kinh điển được dàn dựng, trình diễn, nhận được sự quan tâm, hưởng ứng nhiệt tình từ khán giả. Tuy nhiên, có lẽ, ít có khán giả nào dám tự nhận mình đã hiểu sâu sắc về loại hình nghệ thuật này, và một thực tế là rất nhiều khán giả Việt chưa biết nhiều đến ba lê dù đã từng đi xem ba lê.

Trong một cuộc phỏng vấn, NSND Phạm Anh Phương, Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam cho biết, việc khán giả chưa biết nhiều đến ba lê là một thực tế đau xót ở Việt Nam. Theo NSND Phạm Anh Phương, muốn khán giả biết, hiểu và yêu ba lê cần phải đưa ba lê vào dạy trong nhà trường, in sách, phát trên tivi… để nhiều người hiểu biết về nó thì mới có thể yêu nó.

Một cái khó nữa khi kéo khán giả đến gần hơn với ba lê đó là giá vé bán cho mỗi buổi biểu diễn ba lê ở Việt Nam còn khá cao so với mức thu nhập trung bình của người dân. Điều đó dẫn đến, nhiều vở diễn ba lê được dàn dựng chỉ hút khán giả ngoại quốc còn khán giả Việt thì đến rất “lác đác”, “lẻ tẻ”.

Chính những cái khó ấy đã khiến khán giả ít có cơ hội tiếp xúc hay thưởng thức những màn trình diễn múa ba lê.

Trước sự phát triển của các loại hình múa khác như: Múa đương đại, múa hình thể… múa ba lê đang gặp khó trong nhiều khâu và bài toán để giải được những cái khó ấy dường như vẫn là một câu chuyện chưa thể bàn xong trong một sớm, một chiều.

THU THỦY

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/6/66/66/214743/Default.aspx