Cái khó chung của ông Trump và ông Biden

Về chính sách đối ngoại, ông Biden có cách tiếp cận nhất quán đáng ngạc nhiên so với người tiền nhiệm. Cả hai dường như cũng vấp phải cùng một sự bế tắc.

Từ cái cụng tay và cuộc gặp gỡ với thái tử Saudi Arabia đến thuế quan và biện pháp kiểm soát xuất khẩu sang Trung Quốc, việc công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, hay quyết định rút quân khỏi Afghanistan, trong hơn một năm rưỡi, cách tiếp cận của chính quyền ông Joe Biden nhất quán một cách đáng ngạc nhiên với cựu Tổng thống Donald Trump.

Khi tranh cử, ông Biden tuyên bố sẽ thoát khỏi con đường mà chính quyền trước đó đã vạch ra. Dù đạt được một số thành tựu trong chính sách đối ngoại, ông Biden vẫn chưa thể mang lại nhiều đột phá.

Tiếp nối chính sách

Về khác biệt, chính quyền ông Biden đã củng cố lại các liên minh, đặc biệt là ở Tây Âu, trong khi ông Trump chạy theo lý tưởng “nước Mỹ là trên hết”.

Trong những tháng gần đây, Washington đang dẫn đầu một liên minh áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga vì xung đột ở Ukraine. Ông Biden cũng kêu gọi hợp tác toàn cầu về các vấn đề như biến đổi khí hậu và đại dịch Covid-19.

Song trong các lĩnh vực quan trọng, chính quyền ông Biden chưa thể mang lại bước đột phá đáng kể. Chuyến công du của ông Biden đến Israel và Saudi Arabia là ví dụ nổi bật nhất. Chuyến đi này được thực hiện với mục đích tăng cường quan hệ chặt chẽ hơn với các quốc gia mà ông Trump từng hướng đến theo Hiệp định Abraham.

 Ông Biden cụng tay với Thái tử Mohammed bin Salman, vào ngày 15/7. Ảnh: AP.

Ông Biden cụng tay với Thái tử Mohammed bin Salman, vào ngày 15/7. Ảnh: AP.

Tại Saudi Arabia, ông Biden gặp Thái tử Mohammed bin Salman, dù trước đó ông cam kết sẽ biến nước này thành "pariah" - tức một quốc gia bất trị, bị bài xích - vì vi phạm nhân quyền. Vụ sát hại nhà báo của Washington Post, một nhà bất đồng chính kiến ở Saudi Arabia, đã khiến thế giới phẫn nộ và CIA kết luận rằng thái tử Saudi là người đứng sau.

Ở hậu trường, Mỹ vẫn hỗ trợ cho quân đội Saudi Arabia trong cuộc chiến ở Yemen, bất chấp việc ông Biden từng cam kết chấm dứt viện trợ vì các cuộc không kích của nước này khiến dân thường thiệt mạng.

“Các chính sách đang hội tụ và nối tiếp, ngay cả giữa những đời tổng thống có sự khác biệt lớn như ông Trump và ông Biden”, ông Stephen E. Biegun, người từng là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao dưới thời chính quyền Trump và là quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia dưới thời cựu Tổng thống George W. Bush, nhận định.

Một số cựu quan chức và nhà phân tích ca ngợi tính nhất quán này, cho rằng chính quyền ông Trump đã đánh giá đúng những thách thức quan trọng đối với lợi ích của Mỹ và tìm cách đối phó.

Song số khác ít lạc quan hơn. Họ nói rằng lựa chọn của ông Biden đang làm chính sách đối ngoại Mỹ thêm phức tạp, và đôi khi chệch khỏi các nguyên tắc ban đầu.

Chẳng hạn, các nhà lập pháp cấp cao của đảng Dân chủ đã chỉ trích cuộc gặp của ông với Thái tử Mohammed và việc viện trợ cho quân đội Saudi Arabia, dù giới chức Mỹ đã thúc đẩy một lệnh ngừng bắn do Liên Hợp Quốc làm trung gian ở Yemen.

“Thời gian trôi qua, ông Biden đã không thực hiện được nhiều lời hứa trong chiến dịch tranh cử của mình, và ông ấy đang mắc kẹt với hiện trạng ở Trung Đông và châu Á”, bà Emma Ashford, thành viên cấp cao tại Hội đồng Đại Tây Dương, nhận định.

Chung nỗi trăn trở

Cả chính quyền ông Trump và ông Biden đều phải vật lộn với câu hỏi làm thế nào để duy trì vị thế số một của Mỹ vào thời điểm nước này có dấu hiệu suy giảm quyền lực. Chiến lược an ninh quốc gia của chính quyền ông Trump đã định hình chính sách đối ngoại theo hướng “cạnh tranh cường quốc” với Nga và Trung Quốc, đồng thời tránh ưu tiên các nhóm khủng bố và tác nhân phi quốc gia khác.

Và ông Biden vẫn duy trì quan điểm đó, khẳng định Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh lớn nhất, trong khi Nga là mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh và liên minh của Mỹ.

Một số chuyên gia nhận định sự tiếp nối này có thể xuất phát từ cử tri Mỹ. Khi cam kết rút quân khỏi Afghanistan, ông Biden và ông Trump đã thuận theo ý chí của hầu hết người Mỹ - những người đã quá mệt mỏi sau hai thập kỷ chiến tranh.

Bất chấp sự hỗn loạn ở Afghanistan khi Taliban tiếp quản đất nước vào tháng 8, các cuộc thăm dò cho thấy hầu hết người Mỹ muốn quân đội Mỹ ngừng can dự.

 Tổng thống Biden vẫn duy trì chính sách thuế tương tự ông Trump đối với Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Biden vẫn duy trì chính sách thuế tương tự ông Trump đối với Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Trong khi đó, chính sách với Trung Quốc là ví dụ sinh động nhất về sự tiếp nối giữa hai chính quyền. Mỹ tiếp tục chỉ trích Trung Quốc vì vấn đề nhân quyền, cử tàu qua eo biển Đài Loan và chuẩn bị bán vũ khí cho hòn đảo.

Điều gây tranh cãi nhất là ông Biden vẫn giữ mức thuế quan từ thời ông Trump với Trung Quốc, bất chấp một số nhà kinh tế và quan chức hàng đầu, bao gồm Bộ trưởng Tài chính Janet L. Yellen, nghi ngờ mục đích và tác động của chúng.

Ông Biden và các trợ lý nhận thức sâu sắc về quan điểm chống tự do mậu dịch đang gia tăng ở Mỹ. Điều đó khiến ông né tránh việc tái gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương mà ông Obama thúc đẩy nhằm cạnh tranh kinh tế với Trung Quốc.

Song các nhà phân tích cho rằng Washington cần mang lại những thỏa thuận thương mại và cơ hội tiếp cận thị trường Mỹ tốt hơn cho các nước châu Á, nếu muốn chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc.

“Cả chính quyền ông Trump và ông Biden đều không có chính sách kinh tế và thương mại mà những người bạn châu Á cần để giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc”, Kori Schake, Giám đốc nghiên cứu chính sách đối ngoại và quốc phòng tại American Enterprise, cho biết.

“Ở một mức độ nào đó, cả hai đều quân sự hóa vấn đề Trung Quốc quá mức, vì không thể tìm ra miếng bánh kinh tế”, bà nói.

Về quân sự, cả ông Trump và ông Biden cùng ủng hộ chiến lược giảm hiện diện quân sự tại các khu vực xung đột, nhưng có những ngoại lệ.

Chính quyền Tổng thống Biden đã triển khai thêm quân đội đến Somalia, đảo ngược quyết định rút quân dưới thời ông Trump. Bên cạnh đó, Mỹ vẫn đóng quân ở Iraq và Syria.

Ở châu Âu, ông Biden có lựa chọn khác với người tiền nhiệm. Chính quyền cựu Tổng thống Trump đã có lúc mâu thuẫn về châu Âu và Nga. Cụ thể, ông ca ngợi Tổng thống Nga Vladimir Putin, chỉ trích tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương và từ chối viện trợ quân sự cho Ukraine.

Ngược lại, ông Biden và các phụ tá đồng loạt khẳng định tầm quan trọng của liên minh xuyên Đại Tây Dương, vốn đang giúp họ phối hợp các biện pháp trừng phạt và vận chuyển vũ khí để hỗ trợ Ukraine.

“Tôi hoàn toàn tin rằng lời nói và chính trị là yếu tố cần thiết. Nếu các đồng minh không tin tưởng Mỹ sẽ duy trì Điều 5 của NATO và đứng ra bảo vệ họ, đầu tư bao nhiêu cũng không quan trọng", Alina Polyakova, Chủ tịch Trung tâm Phân tích Chính sách châu Âu, cho biết.

Ông Biden đăng video cập nhật về bệnh Covid-19 từ ban công Nhà Trắng Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 21/7 đã đăng một video cho biết ông “ổn” và chỉ gặp các triệu chứng nhẹ sau khi được chẩn đoán mắc Covid-19.

Hải Linh

Theo New York Times

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cai-kho-chung-cua-ong-trump-va-ong-biden-post1339441.html