Cái kết đắng cho một dự án xanh

Từ năm 2000, Tổ chức JICA Nhật Bản đã hỗ trợ nguồn kinh phí khá lớn để trồng gần 2.000ha rừng phòng hộ theo dự án PACSA ven biển Quảng Nam cho các huyện  Núi Thành, Thăng Bình, TP Tam Kỳ.

Những cánh rừng phòng hộ ven biển còi cọc trên nền cát trắng.

Theo báo cáo đánh giá của Sở NN&PTNT, năm 2015 rừng phi lao, dương liễu trong dự án này không phát triển, thân chính và chồi bị khô. Hiện tượng này lặp đi lặp lại khiến cây không thể phát triển. Tỷ lệ cây sống chỉ đạt 60% nhưng chất lượng thấp. Nhiều diện tích sau 2-3 năm cây chết hẳn. Theo ông Lê Minh Hưng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, sở dĩ việc rừng chết yểu là vì suốt thời gian dài không được lưu tâm. Mỗi năm vốn ngân sách phân bổ rất ít. 5 năm mà mỗi héc-ta rừng chỉ được đầu tư 15 triệu đồng thì không thể phát triển rừng giàu được. "Bên cạnh đó việc chồng chéo quản lý đất rừng phòng hộ với các dự án của Kinh tế mở Chu Lai, các khu du lịch, sắp xếp dân cư ven biển khiến địa phương cũng hoang mang trong quy hoạch rừng phòng hộ", ông Hưng cho biết. Khác với trồng rừng phòng hộ đầu nguồn chỉ vài năm đã phủ xanh đồi trọc, trồng rừng ven biển lâu dài và khó khăn trong việc bảo vệ rừng. Dự án rừng PACSA đã không mang lại hiệu quả như mong muốn. Rừng chết, diện tích trồng rừng mới không có mà những hệ quả vì mất rừng đã nhìn thấy trước mắt. Trước những hệ quả và diễn biến xấu của thời tiết, hiện nay Sở Nông nghiệp đang tiến hành làm lại quy hoạch rừng phòng hộ. Tập trung rà soát, điều tra, kiến nghị tỉnh mạnh dạn thu hồi những dự án bỏ đất hoang hoặc chưa sử dụng hết diện tích để đưa vào làm rừng phòng hộ. Bên cạnh đó, trong đề án Bảo vệ và phát triển rừng ven biển ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2015-2020 Nhà nước sẽ đầu tư 1.000 tỷ đồng cho các tỉnh thành ven biển trong đó có Quảng Nam. Mục tiêu đến năm 2020, các địa phương phục hồi và trồng mới 60.000ha rừng nâng cao độ che phủ rừng ven biển lên 20%.

Đồng Dao

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_161857_ca-i-ke-t-da-ng-cho-mo-t-du-a-n-xanh.aspx