Cái giá của việc than hết tiền trên TikTok

Thế hệ ám ảnh về sự giàu có đang có nhiều nhận thức sai lệch về giá trị tài chính của bản thân khi tiếp xúc với những nội dung về tiền trên mạng xã hội.

Vừa khóc, Abby Ferrell vừa bày tỏ sự thất vọng với cuộc sống hiện tại khi công việc có thu nhập không đủ để cô thanh toán các hóa đơn.

Qua video đăng tải trên TikTok, Gen Z kể lại có những ngày cuối tuần, cô trên giường vì cảm thấy mình không có tiền để làm bất cứ điều gì khác.

“Chỉ cần học đại học và có bằng cấp thì có thể mua được một căn nhà và có được những thứ khiến bạn hạnh phúc ư? Tôi cảm thấy bị lừa dối", Ferrell nói.

Dù đã làm việc rất chăm chỉ để có được vị trí hiện tại, cô vẫn không thấy cuộc sống màu hồng như đã tưởng tượng. Ferrell chia sẻ tình trạng tài chính hiện tại không đủ khả năng mua hàng hóa thông thường, quần áo hay bất cứ thứ gì khác khiến cô hạnh phúc, theo nghĩa đen.

Không riêng Ferrell, hiện trên TikTok đầy những video tương tự. Những người trẻ Mỹ đang than phiền giá thuê nhà tăng đột ngột, hóa đơn cần chi trả vượt mức lương được trả.

Tất cả khiến họ cảm thấy bị mắc kẹt và ngộp thở, Business Insider đưa tin.

Gen Z không ngại chia sẻ nỗi lo tài chính công khai trên mạng xã hội. Ảnh minh họa: @placeofpods.

Kiếm thêm "đồng minh" trực tuyến

Có thể nói Gen Z ám ảnh bởi sự giàu có. Họ đề cao đồng tiền hơn chức danh hay khả năng thăng tiến, những thứ được các thế hệ trước coi là đích đến thành công.

Thế hệ này xem công việc chỉ là công việc và không muốn đánh đổi sức lực để đổi lấy định nghĩa thành công là thăng tiến. Họ ưu tiên dành thời gian nghỉ ngơi và âm thầm phát triển, thay vì nỗ lực làm tốt hơn đồng nghiệp chỉ để có thêm một khoản tài chính nhỏ.

Tuy nhiên, nỗi lo về tài chính của Gen Z lại căng thẳng hơn bất kì thế hệ nào khác. Đối mặt với giá thuê nhà tăng vọt, chi phí sinh hoạt khổng lồ và nhiều đợt suy thoái kinh tế, đồng lương từ vị trí nhân viên không mang lại sự yên tâm, ngược lại, khiến họ càng bất an hơn về tài khoản tiết kiệm của mình.

Jareen Imam, chuyên viên truyền thông, nhà sáng tạo nội dung về tài chính và công việc, chia sẻ rằng TikTok đã giúp bình thường hóa các câu chuyện về vấn về tài chính. Đó là lý do tại sao mọi người có thể cởi mở chia sẻ với nhau về tiền bạc.

“Theo một cách nào đó, việc chia sẻ câu chuyện kiếm tiền trực tuyến mang lại cảm giác như thú tội. Và bạn cảm thấy được an ủi nếu biết được có nhiều người cùng hoàn cảnh tài chính giống mình. Điều đó giúp bạn tiếp thêm sức mạnh”, cô nói.

Ở vị trí nhân viên, thu nhập của Gen Z không mang lại sự yên tâm cho họ. Ảnh minh họa: Snna Shvets/Pexels.

Hiện tượng "rối loạn tiền bạc"

Đồng quan điểm với Jareen Imam, Markia Brown, cố vấn tài chính, nhà sáng tạo nội dung có hơn 200.000 người theo dõi trên TikTok, nhận định TikTok có thể kết nối những người có cùng hoàn cảnh tài chính.

Tuy nhiên, Brown lưu ý mạng xã hội này đầy rẫy những kẻ lừa đảo, không phải ai tương tác cũng mang đến lợi ích tốt đẹp.

“Internet là một nơi tuyệt vời, đồng thời chứa đầy sự nguy hiểm. Vì vậy, hãy thật sự cẩn trọng với những nội dung mà bạn xem cũng như đề phòng những người cố gắng tiếp cận bạn”, cô nói.

Imam cho biết mạng xã hội có xu hướng bóp méo hiện thực, đặc biệt khi liên quan đến tiền bạc. Khi nhiều người dùng đăng tải video tuyên bố kiếm được hàng triệu USD hay khoe mẽ về sự giàu có, nhiều người khác cũng bị ảnh hưởng tâm lý, như nảy sinh sự đố kị, lo lắng về tài chính, hay xuất hiện hội chứng “rối loạn tiền bạc".

Đây là một dạng rối loạn tâm lý mới, trong đó người mắc phải thường có nhận thức sai lệch về giá trị tài chính của bản thân.

“Người mắc hội chứng này có thể có cái nhìn lệch lạc về tài chính của bản thân. Họ có thể nghĩ rằng họ giàu hơn hoặc nghèo hơn thực tế”, Imam chia sẻ.

Theo cô, đây chính là nguyên nhân khiến nhiều người chi quá tay vào các khoản xa xỉ trong khi không đủ khả năng chi trả, chỉ để có cuộc sống như một người giàu có thực sự. Ngược lại, nhiều người lo lắng quá mức về tiền bạc, họ không dám tiêu tiền vào bất cứ điều gì và tiết kiệm quá mức.

Bên cạnh kiến thức giá trị về quản lý chi tiêu, tối ưu thẻ tín dụng hoặc nhiều cách thức tiết kiệm bổ ích, những nội dung mang tính truyền động lực vô tình khiến nhiều người cảm thấy tệ khi tự so sánh với tình trạng tài chính của bản thân.

Imam cho rằng mọi người cần tỉnh táo trước những thông tin lan truyền trên mạng xã hội. Không phải những gì bạn thấy là những gì bạn nên tin, bởi có rất nhiều nội dung nhằm mục đích thương mại.

Như Phương

Đồ họa: Akshita Chandra/New York Times

Nguồn Znews: https://znews.vn/cai-gia-cua-viec-than-het-tien-tren-tiktok-post1462380.html