Cái duyên vô tình với nghề bếp

SGTT.VN - Sau 16 năm, ở vị trí bếp trưởng của khách sạn Continental, Nguyễn Cao Vinh thỉnh thoảng lại bật cười khi nhớ lại cái duyên đến với nghề của mình.

Bếp trưởng Vinh chia sẻ, khi bạn hỏi một đứa trẻ: “Lớn lên con làm nghề gì?” thì ít đứa bé nào chọn nghề bếp, nhất là các bé trai. Vinh cũng vậy, đến với nghề bằng cái duyên vô tình. Ham mê thể thao, Vinh ước mơ trở thành một vận động viên. Một tai nạn bất ngờ khiến anh phải từ bỏ mơ ước. Anh bèn chuyển sang học bưu chính nhưng học được thời gian rồi cũng thôi. Năm 1996, tình cờ đọc báo thấy mẩu tin tuyển học viên bếp của trường Nghiệp vụ du lịch hay hay, anh bèn đăng ký. Sau khóa học sáu tháng, anh được khách sạn Continental giữ lại cho đến nay. Vinh nói: “Định đi học bếp chơi, ai dè làm thiệt cho tới giờ!”

Với Vinh, nghề bếp không phải là công việc nặng nhưng nhiều việc, nếu người thiếu nhẫn nại, không yêu nghề, không chịu khó học hỏi sẽ khó mà theo nghề. Bếp trưởng Vinh chia sẻ: “Người ta chỉ dạy mình vài cái mẹo bếp thôi, nhưng đó là kinh nghiệm được chắt lọc để mình kiếm sống suốt đời”.

Gỏi cuốn chấm tương... nước mắm. Ảnh:

Rành rẽ bếp Âu, bếp Việt lẫn bếp Hoa, nhưng bếp Việt mới là niềm đam mê của Vinh. Anh đã đi từ Nam ra Bắc để tìm hiểu về món ăn các vùng miền. “Mình là người Việt nên thấm nhuần món ăn Việt từ nhỏ. Không ai nấu món Việt ngon bằng người Việt”. Anh cảm nhận sự khác biệt trên các món ăn: canh chua miền nào cũng có nhưng ở mỗi miền lại có đặc trưng riêng. Miền Bắc nấu canh chua bằng trái sấu, mẻ, giấm bỗng. Canh chua kiểu Bắc không dùng ngọt đường, dùng thực phẩm tiết ra hay bột nêm, nên hương vị tinh tế. Canh chua miền Nam sử dụng me, lá giang, cà chua, thơm… thiên về vị ngọt đường, dùng nhiều rau nêm khác nhau như rau om, ngò gai mà hương vị phóng khoáng. Còn miền Trung sử dụng vị chua của giấm, khế, lá me non, rau nêm thích dùng rau răm nên món canh khá đậm đà, hơi cay, trong vị chua hơi chát.

Với niềm đam mê nghiên cứu sâu món ăn Việt, bếp trưởng Vinh đã có những món độc chiêu tạo nên phong cách của riêng mình. Như món tương ăn với gỏi cuốn. Tương thường có vị ngọt, anh đã cho thêm ít nước mắm vào với lượng vừa đủ để tương đậm vị hơn nhưng vẫn giữ mùi đặc trưng. Vinh cho biết nếu cho muối tương sẽ bị chát, mặn. Ngoài nước mắm, anh còn cho thêm đậu trắng xay mịn để món nước chấm thơm, béo và có độ sánh dịu dàng.

Nguồn SGTT: http://sgtt.vn/huong-vi-que-nha/161153/cai-duyen-vo-tinh-voi-nghe-bep.html