Cái cớ để cắt giảm viện trợ

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho biết trong năm 2011 các nước giàu phải thực hiện chương trình "thắt lưng buộc bụng" nên đã giảm 2,7% khoản viện trợ cho các nước đang phát triển.

Theo OECD, lần cắt giảm này là lần đầu tiên trong 14 năm có thể tiếp tục đè nặng lên các quốc gia nghèo đang hứng chịu tác động tiêu cực của sự đi xuống của các hoạt động kinh tế, thương mại và đầu tư toàn cầu.

Thống kê cho thấy trong năm ngoái, 34 nước thành viên của OECD chi 133,5 tỷ USD cho các khoản viện trợ phát triển chính thức, tương đương 0,31% tổng thu nhập quốc gia của họ. Trong đó, các nhà tài trợ lớn nhất là Mỹ, Đức, Anh, Pháp và Nhật Bản. Nhưng xét trên quy mô nền kinh tế, Đan Mạch, Luxembourg, Hà Lan, Thụy Điển là những quốc gia hào phóng nhất, với mức viện trợ vượt qua cả mục tiêu 0,7% GDP của Mỹ. Còn các nước có mức cắt giảm viện trợ lớn nhất là Áo, Bỉ, Hy Lạp, Nhật Bản và Tây Ban Nha.

Tổ chức viện trợ quốc tế Oxfam cho rằng việc cắt giảm viện trợ của một số nước giàu là sự lựa chọn thiên về chính trị hơn là kinh tế. Giám đốc điều hành Oxfam, Jeremy Hobbs, nhận định các nước giàu đang sử dụng cuộc khủng hoảng kinh tế như một cái cớ để giảm viện trợ cho các nước nghèo. Theo ông Hobbs, khoản viện trợ chỉ là một phần rất nhỏ trong ngân sách và việc cắt giảm không giúp gì nhiều cho kế hoạch cắt giảm thâm hụt ngân sách. Ông Hobbs nhấn mạnh các nước giàu như Tây Ban Nha, Hà Lan, Canada cần giúp đỡ nhiều hơn cho các nước nghèo nhất, vốn rất cần sự giúp đỡ trong thời điểm hiện nay.

Tuy nhiên, OECD cho rằng các khoản viện trợ toàn cầu vẫn tăng trong năm nay.

H.B

Nguồn TG&VN: http://www.tgvn.com.vn/Item/VN/KinhTe/2012/4/FD0414C71E36A1B9/