Cái chết của viên thẩm phán và bí mật vụ giết người tăm tối nhất nước Pháp

Ngày 11-7-2017, ông Jean-Michel Lambert, 65 tuổi, người từng làm thẩm phán quận Bourg-en-Bresse được phát hiện đã chết tại nhà riêng ở khu phố Prémartine, Le Mans, Pháp. Cái chết của ông Lambert làm cho báo giới và dư luận Pháp một lần nữa nhắc lại sự kiện xảy ra cách đây đã 33 năm.

Người hàng xóm gọi điện cho vợ ông Lambert, bà Nicole, khi đó không sống cùng chồng, thông báo không nghe thấy tiếng ông từ ngày hôm trước. 7h tối, lực lượng cứu hộ phát hiện xác ông Lambert trên ghế bành cùng với một túi nilon buộc chặt trên đầu bằng chiếc cà vạt. Trên bàn, cạnh xác người thẩm phán, một chai rượu đã cạn trơ đáy. Không có dấu vết đột nhập căn hộ hay vũ lực. Cảnh sát sau đó nghiêng theo nhận định: ông Lambert đã tự sát.

Gia đình Gregory Villemin

Gia đình Gregory Villemin

Con quạ đen

Lý giải hợp lý nhất cho cái chết của Lambert có lẽ vì ông hối hận với chính sai sót của mình khi còn làm thẩm phán xét xử vụ án “Little Gregory”. Sai lầm khiến vụ án kéo dài 33 năm chưa có hồi kết, làm Lambert day dứt và nỗi dằn vặt ấy lên đến đỉnh điểm khi cuối tháng 6 vừa qua vụ án được tái điều tra với diễn biến và nghi can mới.

Và có lẽ không phải là sự trùng hợp. Trong cuốn tiểu thuyết thứ 11, công bố vào tháng 10-2016 của mình, Lambert xây dựng nhân vật “Giáo sư Chabert”, hoạt động trong ngành Tư pháp. Nhân vật có nét tương đồng với tác giả, đã phải tự tử để cứu lấy danh dự. Thi thể được đồng nghiệp phát hiện, trên đầu bọc một túi nilon với chai whisky trống rỗng dưới chân ghế. Lambert định trước cho mình cái chết như thế.

Quay ngược lại thời gian của 33 năm trước. Ngày 16-10-1984, thi thể bé trai 4 tuổi Gregory Villemin được tìm thấy trôi trên sông Vologne thuộc vùng núi Vosges, tay chân bị trói bởi dây thừng. Con sông bắt nguồn trên đỉnh cao 1,240m của dãy núi Vosges, băng qua 18 làng mạc phố xá, trong đó có nơi gia đình em bé sinh sống, làng Lépanges-sur-Vologne, rồi đổ về sông Rhin, điểm cuối cùng để ra biển.

Mẹ cậu bé, bà Christine Villemin, gọi cảnh sát cho hay con mất tích từ lúc 5h chiều khi đang chơi đùa đâu đó ở trước nhà. Đến 9h15 tối, người ta tìm thấy xác em bé, mặc chiếc áo khoác ngoài bằng nhựa có mũ trùm đầu thường ngày. Tiết trời tháng 10, buổi chiều mùa thu ở vùng núi Vosges khá lạnh, trên đầu bé còn đội chiếc mũ len. Cơ thể bé không có dấu vết của bạo hành.

Tại quận Lépanges diện tích chưa đầy 7km2 với 924 người dân, ai cũng biết rõ vài năm trước bố của Gregory, ông Jean-Marie Villemin nhận được vài bức thư và điện thoại đe dọa từ một người đàn ông tự xưng là “Con quạ đen”. Hôm sau cái chết của Gregory, ông Villemin tiếp tục nhận được một bức thư nặc danh, bì thư ghi ngày gửi đúng ngày bé bị hại, nội dung “Tao hy vọng mày sẽ chết vì đau buồn, sếp ơi. Tiền bạc sẽ chẳng giúp mày có lại thằng bé đâu. Đây là sự trả thù của tao, đồ ngu”. Bức thư làm cho mọi người nghĩ đến lý do cậu bé bị giết là vì thủ phạm ghen ghét với ông Jean-Marie Villemin khi ấy làm sếp phó hãng cung cấp phụ tùng xe hơi trong phố chính. Nhưng Jean-Marie Villemin là một người mẫn cán, điềm đạm, không vướng mắc, thù oán với bất kỳ ai.

Bé Gregory Villemin, nạn nhân xấu số trong vụ án

Một thẩm phán non tay

Một tháng sau cái chết của Gregory, Bernard Laroche, một người anh họ của ông Villemin bị buộc tội giết cậu bé, dựa trên bằng chứng của Murielle Bolle, một cô gái 15 tuổi gọi Laroche là anh rể. Murielle Bolle khai với cảnh sát, cô ngồi trên xe buýt của trường về nhà nhìn thấy Bernard Laroche đưa bé Gregory vào trong xe vào sáng 16-10-1984, rồi sau đó trở về một mình. Thẩm phán Lambert, khi ấy 32 tuổi, vẫn còn thiếu kinh nghiệm nên đã ra lệnh cảnh sát bắt Laroche từ lời khai quá dễ dàng.

Ngay sau đó, Murielle Bolle lại chối phắt và phủ nhận lời khai của mình. Bernard Laroche được tha sau vài tháng giam giữ. Sau này, Murielle Bolle nói với báo chí, cô bị bạo hành và áp lực gia đình nên mới có lời khai đổ tội cho Laroche như vậy.

Nhưng với ông Jean-Marie Villemin, cha đứa trẻ bị giết, vì quá đau khổ vẫn một mực tin rằng Bernard Laroche là Con quạ đen đã giết con mình. Uất hận, Jean-Marie Villemin thề trước báo chí rằng ông sẽ giết Laroche, cho dù Laroche là anh họ và chơi rất thân với anh trai mình. Được thả vào tháng 2 thì đến tháng 3-1985, Laroche bị Jean-Marie Villemin bắn chết trên đường đi làm. Villemin bị bắt giam ngay sau đó. Nhưng phải đến năm 1993, phiên tòa xử ông tội giết người mới diễn ra. Bị kết án 5 năm tù giam, trong đó có 1 năm quản chế, ông được trả tự do ngay tại tòa vì đến thời điểm đó, ông đã chịu án giam 4 năm.

Vụ án tiếp tục được điều tra dưới bàn tay điều khiển non nớt của ông Thẩm phán Jean-Michel Lambert. Ngày 25-3-1985, các chuyên gia giám định chữ viết chẳng hiểu sao lại cùng có sự tán thành rằng mẹ Gregory Villemin, bà Christine Villemin có khả năng là tác giả của những lá thư nặc danh. Những tin đồn bà có mặt ở bưu điện gần nơi tìm thấy xác cậu bé trước hôm cậu biến mất cộng với việc Heri-Rene Garaud, luật sư của bà, do hám lợi, đã khôn khéo bố trí Christine Villemin bế một đứa em của Gregory và tươi cười rồi cung cấp cho báo chí đã khiến các nhà điều tra tin chắc rằng người mẹ đã giết con.

Tháng 7-1985, bà Christine bị kết án tù. Song 11 ngày sau, bà được trả tự do vì tòa xét lại, thấy thiếu bằng cứ. Sau 7 năm tái điều tra, bà được tuyên vô tội năm 1993. Năm 1994, được mời tới Quốc hội Pháp, bà phát biểu lấy làm tiếc về việc báo chí khai thác chuyện nhà bà như tiểu thuyết mà không thấy nỗi đau người trong cuộc. Từ đó đến nay, Christine Villemin vẫn không thoát khỏi nỗi dằn vặt rằng mình và chồng vẫn bị coi là những kẻ giết người.

Thẩm phán Jean-Michel Lambert đến xem xét hiện trường vụ án mạng năm 1984

Tìm đến cái chết vì cắn rứt lương tâm

Lúc đầu, người ta nghĩ rằng Jean-Michel Lambert không để lại bất cứ lời nhắn nào như những trường hợp tự sát khác. Song Jean-Marc Le Nestour, luật sư, bạn cũ của Lambert, thông báo cho mọi người tại lễ tang của ông Jean-Michel Lambert để vào trong hộp thư của người hàng xóm một lá thư nhắn gửi mẹ, vợ, con gái và ông Christophe Gobin, phóng viên.

Trong bức thư dài 3 trang này, ông nhắc đến vụ án “Little Gregory”, trong đó có đoạn: “Tháng 11-1984, tôi đã chứng minh Murielle Bolle không có trong xe buýt trường học vào ngày thứ ba 16-10-1984, ngày Gregory Villemin bị giết mà là thứ ba ngày 23-10-1984, tuần ấy cô trở về nhà vì bệnh cúm. Bằng chứng có trong hồ sơ ghi chép của trường học, đặc biệt lời khai của lái xe buýt ông Galmiche và giấy chứng nhận y tế. Tôi tin rằng chính do mẹ của Murielle Bolle mà cô ấy có lời khai khác. Đôi khi những cái mốc thời gian lại trở thành lừa dối bởi lùi sau một tuần”.

Đó chính là lời tuyên bố chắc chắn cuối cùng của Lambert về sự vô tội của Bernard Laroche, nhưng ông nói không có đủ sức mạnh để chiến đấu. Đám tang của Thẩm phán Lambert tại nhà thờ Saint-Julien Le Mans vào ngày 20-8-2017 trở nên nổi tiếng. Thi thể ông được hỏa táng trong sự riêng tư của gia đình.

Câu chuyện vụ án vừa bí ẩn, vừa có tính chất tàn bạo đã thu hút các nhà báo. Vào thời điểm ấy, báo chí ảnh hưởng nghiêm trọng đến hướng điều tra, đặt nạn nhân vô tội trên giàn hỏa thiêu của giới truyền tin. Vụ việc bị đẩy xa đến mức, một nữ nhà báo đã viết cuốn sách có tựa Le Bucher des Innocents (Dàn thiêu sống nạn nhân vô tội) do nhà xuất bản Plon phát hành, trong đó, kêu gọi các nhà báo đừng quên cái gốc của báo chí đúng đắn là góp phần làm sáng tỏ vụ án, thúc đẩy các cơ quan tư pháp làm việc nghiêm túc.

(Còn tiếp)

Hoàng Tiến (Theo Telegraph)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-gioi/cai-chet-cua-vien-tham-phan-va-bi-mat-vu-giet-nguoi-tam-toi-nhat-nuoc-phap/740373.antd