Cải cách tiền lương tạo động lực cho cán bộ, công chức

Ngày 8/11, trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết đã tăng thu, giảm chi, tiết kiệm các khoản để có 560 nghìn tỷ đồng chi cho cải cách tiền lương trong 3 năm tới. Cùng với cải cách tiền lương trong khu vực của Nhà nước, sẽ cải cách tiền lương khu vực ngoài Nhà nước, làm sao lương hai khối này tiệm cận với nhau theo tinh thần Nghị quyết 27.

Hoàn chỉnh vị trí việc làm, tinh giản biên chế

Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Văn Thị Bạch Tuyết (TPHCM) về chính sách tiền lương năm 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, tiền lương luôn là vấn đề được ĐB, cử tri và nhân dân quan tâm. Tiền lương vừa góp phần tái tạo sức lao động, cũng là động lực cho cán bộ, công chức, người lao động tham gia các hoạt động của mình, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Thủ tướng nêu rõ, Nghị quyết 27 của Trung ương đã ban hành, nhưng vừa qua chưa thực hiện được vì nguồn lực còn khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và tình hình trong nước, ngoài nước tác động. “Tuy nhiên, điều quan trọng là chúng ta đã cố gắng trích lập lương, tăng thu, giảm chi, tiết kiệm các khoản và hiện đã có khoảng 560.000 tỷ đồng phục vụ cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2024 đến hết năm 2026”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội. Ảnh: Như Ý

Cùng với cải cách tiền lương trong khu vực của Nhà nước, Thủ tướng cho biết, sẽ cải cách tiền lương khu vực ngoài Nhà nước, doanh nghiệp để làm sao lương hai khối này tiệm cận với nhau theo tinh thần Nghị quyết 27.

Thủ tướng khẳng định, tới đây sẽ tiếp tục hoàn chỉnh vị trí việc làm, tinh giản biên chế gắn với hoạt động hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị, tiết kiệm các khoản chi để đảm bảo chi lương cho người lao động. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền và hàng loạt các vấn đề khác như Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã nêu trước đó.

ĐBQH Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa) chất vấn người đứng đầu Chính phủ về giải pháp chấn chỉnh tình hình cháy nổ nghiêm trọng như vụ cháy chung cư mini ở quận Thanh Xuân, Hà Nội. Trả lời vấn đề này, Thủ tướng nhấn mạnh rằng, thời gian tới cần làm tốt công tác tuyên truyền phòng cháy chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ; đồng thời nâng cao ý thức của người dân trong việc tham gia PCCC và kỹ năng thoát nạn khi xảy ra cháy.

“Một là phải có kỹ năng phòng, hai là kỹ năng chống”, Thủ tướng nêu rõ, đồng thời cho biết, cấp ủy cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của các cấp chính quyền. Cùng với đó là đầu tư cơ sở vật chất cho PCCC; hoàn thiện tiêu chuẩn, quy định, công tác quy hoạch về PCCC; huy động sự tham gia của người dân, tổ dân phố, các tổ chức chính trị xã hội trong công tác PCCC…

Nêu cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức

ĐBQH Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) nêu chất vấn Thủ tướng về vấn đề cải cách thể chế. Theo nữ đại biểu, ngay từ những ngày đầu nhận nhiệm vụ, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã xác định cải cách thể chế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng vẫn còn chưa rõ cải cách quan trọng nhất và trọng tâm nhất ở đây là gì? Bên cạnh đó, đại biểu nêu tình trạng thủ tục hành chính còn rườm rà và sức ì của một bộ phận cán bộ công chức cản trở sự phát triển.

“Nếu được xếp thứ tự ưu tiên ba vấn đề quan trọng nhất trong thời gian tới, Thủ tướng sẽ chọn vấn đề gì và giải pháp gì để xử lý những tồn tại, hạn chế nêu trên?”, bà Hoa đặt câu hỏi.

Trả lời vấn đề này, Thủ tướng cho biết, trong 3 đột phá chiến lược cần phải hài hòa, hợp lý. “Ưu tiên thì chúng ta đã ưu tiên rồi, nhưng phải hài hòa, hợp lý. Thể chế để tháo gỡ; nguồn lực, phát triển hạ tầng tạo sức cạnh tranh cho hàng hóa, giảm chi phí logistics; nguồn nhân lực cũng rất quan trọng, cần hài hòa, phù hợp trong từng hoàn cảnh, giai đoạn...”, Thủ tướng nêu quan điểm.

Thủ tướng cũng cho biết, thủ tục hành chính còn rườm rà, một bộ phận cán bộ, công chức nhiều lúc còn đùn đẩy, sợ trách nhiệm... Do đó, phải tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức “Giải pháp căn cơ là tinh thần trách nhiệm, năng lực cán bộ; cắt giảm các thủ tục hành chính và tăng chế tài xử lý”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Hà Nội) về thực hiện thí điểm một số cơ chế đặc thù, Thủ tướng cho biết, việc trình các cơ chế đặc thù cho một số địa phương, một số ngành vừa qua là một thực tiễn, yêu cầu khách quan.

Theo Thủ tướng, đất nước ta đang phát triển, có nền kinh tế đang chuyển đổi, xuất phát điểm thấp, hội nhập cao, độ mở cao, khả năng chống chịu với các chính sách bên ngoài còn hạn chế.

Bên cạnh đó, tình hình thế giới, tình hình thực tiễn của đất nước ta thay đổi rất nhanh. Vì vậy mọi văn bản, mọi quy định có cái theo kịp, sát thực tế và có cái thì chưa, mà quy trình xây dựng pháp luật còn tốn nhiều thời gian, công sức.

Nói về cơ sở chính trị, Thủ tướng cho biết, Nghị quyết 18 của Trung ương khóa trước, Nghị quyết 19 của Trung ương khóa này đều nhấn mạnh: Những cái gì đã rõ, đã chín được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, đa số đồng tình thì chúng ta quyết tâm thực hiện, có thể luật hóa. Cái gì chưa rõ, chưa chín hoặc có luật pháp nhưng không còn phù hợp hoặc chưa có luật pháp thì chúng ta mạnh dạn làm thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội. Ngoài ra, trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cũng cho phép việc này.

Theo Thủ tướng, vừa qua đã ban hành một số nghị quyết như Nghị quyết 30 của Quốc hội rất kịp thời, hay một số nghị quyết thí điểm cho các địa phương đang có hiệu quả.

“Như vậy chúng ta có cả cơ sở chính trị, cơ sở thực tiễn và cơ sở pháp lý. Tuy nhiên, chúng ta cần phải có điều chỉnh cho phù hợp. Sắp tới chúng tôi nghiên cứu kỹ hơn, đánh giá tác động kỹ lưỡng hơn, lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, của các cơ quan có liên quan cũng như các vị ĐBQH và người dân để có điều chỉnh cho phù hợp, tiến tới hệ thống pháp luật phải bao trùm, xuyên suốt và thống nhất”, Thủ tướng nêu rõ.

Trước đó, báo cáo giải trình những vấn đề đại biểu nêu ra trong gần 2,5 ngày chất vấn, Thủ tướng cho biết, thời gian tới sẽ tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, giải quyết vướng mắc pháp lý, nhất là về định giá đất, nhà ở, đất đai, bất động sản, quy hoạch, đấu thầu, đầu tư, xây dựng. Đồng thời tiếp tục hoàn thiện quy định để khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung; đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp né tránh, không phối hợp, đùn đẩy trách nhiệm, làm chậm, kém hiệu quả...

THÀNH NAM

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/cai-cach-tien-luong-tao-dong-luc-cho-can-bo-cong-chuc-post1585394.tpo