CẢI CÁCH TIỀN LƯƠNG ĐỂ KHUYẾN KHÍCH LAO ĐỘNG, SÁNG TẠO

Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công đang tiến hành khảo sát một số cơ quan về thực trạng chính sách tiền lương, phụ cấp đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Qua khảo sát cho thấy, chính sách tiền lương hiện nay còn bộc lộ rất nhiều bất cập, đặc biệt ở khu vực Nhà nước, nhiều quy định phức tạp, rườm rà, không còn phù hợp với thực tiễn.

"Lương không đủ sống" vẫn là câu cửa miệng mà nhiều công chức, viên chức thường nói với nhau. Thực tế hiện nay, lương tối thiểu của người lao động chưa bảo đảm mức sống tối thiểu. Khoản thu nhập mà công chức, viên chức hưởng từ ngân sách Nhà nước dựa trên hệ thống thang bảng lương phức tạp với nhiều loại phụ cấp khác nhau, có trường hợp phụ cấp còn cao hơn lương. Hệ thống này được đánh giá là đã lạc hậu, gây nhiều khó khăn trong công tác cải cách tiền lương khi có những loại phụ cấp chắp vá, chồng chéo lên nhau.

Ảnh minh họa/baochinhphu.vn.

Cơ chế, chính sách về lương, phụ cấp vô hình trung trở thành "vòng kim cô" kìm hãm năng lực của cán bộ, công chức, viên chức. Dù muốn cống hiến nhiều hơn, nỗ lực hơn trong công việc nhưng thu nhập bị bó hẹp bởi khung, hệ số dẫn đến không tạo được động lực để phấn đấu; thậm chí có những nghịch lý như trách nhiệm càng cao thì phụ cấp lại càng thấp. Không ít cơ quan nhà nước than phiền khó tuyển được nhân lực chất lượng tốt, trong khi yêu cầu công việc ngày càng cao. Người lao động rất khó yên tâm, gắn bó với công việc khi thu nhập chưa đủ trang trải cuộc sống. Chính sách tiền lương bất cập cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến phát sinh tiêu cực trong cơ quan công quyền hoặc làm xuất hiện tình trạng "chân trong chân ngoài", làm việc ở một nơi nhưng nguồn thu nhập chính đến từ nơi khác.

Nói đi cũng phải nói lại, năng suất lao động ở Việt Nam còn thấp khiến việc cải thiện thu nhập gặp nhiều khó khăn. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức vẫn làm việc theo kiểu "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về". Thái độ phục vụ của nhiều cơ quan nhà nước chưa tạo được sự thân thiện, thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; tinh thần, trách nhiệm với công việc chưa cao. Khối lượng việc cần làm đáng lý có thể hoàn thành trong một tuần nhưng kéo dài đến cả tháng. Trong lúc hiệu quả công việc chưa cao thì bộ máy Nhà nước lại quá cồng kềnh, số người hưởng lương tăng nhanh khiến ngân sách không kịp đáp ứng. Với hơn 8 triệu người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước hiện nay, chi thường xuyên đã chiếm phần lớn trong tổng chi ngân sách, gây áp lực không nhỏ cho kinh tế đất nước.

Cải cách chính sách về tiền lương, thu nhập là yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết hiện nay. Để phát huy tối đa khả năng lao động, năng lực sáng tạo của mỗi cán bộ, công chức, viên chức, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, không nên trả lương theo hình thức "cào bằng", nặng tính bình quân như quy định hiện hành. Hệ thống lương cần được thiết kế để xác định được vị trí công việc gắn với từng ngành nghề cụ thể, phù hợp với phân công lao động, đặc thù chuyên môn. Khi đã xác định được vị trí việc làm thì chỉ nên duy trì số ít khoản phụ cấp như phụ cấp khu vực, ngành nghề. Đồng thời, cần tăng quyền quản lý tiền lương cho người sử dụng lao động, kể cả ở khu vực Nhà nước. Muốn khuyến khích người lao động gắn bó, hết mình với công việc, cần trả lương cho họ theo hiệu quả hoàn thành công việc chứ không phải tuần tự, "đến hẹn lại lên" như hiện nay.

Tiền lương, thu nhập của người lao động không chỉ giúp họ trang trải cuộc sống mà còn là khoản đầu tư để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Với định hướng đó, song hành cùng tinh gọn bộ máy, biên chế, cần thiết phải có giải pháp mạnh mẽ để thay đổi căn bản hệ thống trả lương, giúp người lao động có nguồn thu nhập chính đáng, góp phần nâng cao đời sống, tạo động lực để người lao động phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ.

ĐỖ MẠNH HƯNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/cai-cach-tien-luong-de-khuyen-khich-lao-dong-sang-tao-521193