Cải cách tiền lương: Công chức, viên chức phải sống được bằng lương

Ngày 1/7 là thời điểm cả nước thực hiện cải cách tiền lương, cán bộ công chức, viên chức đều kỳ vọng tiền lương sẽ được nâng lên và đủ sống.

Kỳ vọng cải cách tiền lương

Hiện nay, mức khởi điểm lương công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước khá thấp, chỉ khoảng 4.200.000 đồng/tháng đối với người có trình độ đại học. Ở các thành phố lớn, mức lương này sẽ khiến cho cán công chức viên chức chật vật trong chi tiêu, trang trải cho cuộc sống.

Chị Nguyễn Linh Chi, cán bộ tại bộ phận tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính phường Hàng Gai (quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội) làm việc sang năm thứ 10, nhưng thu nhập khá thấp. Hai vợ chồng đều làm công chức nhà nước, sống ở Hà Nội đắt đỏ, phải nuôi 3 con ăn học, đời sống gia đình chị còn gặp nhiều khó khăn.

"Với mức lương chỉ hơn 5 triệu, để chi phí thực sự khó khăn. Trường hợp con cái hay người thân trong gia đình bị ốm phải đi bệnh viện thì phải vay mượn thêm của họ hàng, bạn bè", chị Chi nói.

Bộ phận tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính phường Hàng Gai

Bộ phận tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính phường Hàng Gai

Tương tự, chị Phạm Thu Hiền, công chức tài chính kế toán phường Hàng Gai cho biết, mức lương hiện đang hưởng là 6,9 triệu đồng/tháng. "Với mức này để lo cuộc sống sinh hoạt cho gia đình thì phải chi tiêu rất tằn tiện. Thực sự mong muốn sau cải cách tiền lương, công chức phải sống bằng tiền lương", chị Hiền bày tỏ.

Thực tế hiện nay, mức thu nhập của phần lớn công chức tại Hà Nội (một trong những địa phương có giá cả sinh hoạt cao nhất nước) lại thuộc vào nhóm thấp, dường như không đảm bảo chi phí sinh hoạt hàng ngày.

Ngày 1/7 là thời điểm cả nước thực hiện cải cách tiền lương, gắn với vị trí việc làm. Phụ cấp thâm niên hay hệ số lương đang áp dụng sẽ bị loại bỏ, thay vào đó là một thang bảng lương mới. Cán bộ công chức viên chức, những người hưởng lương từ ngân sách nhà nước đều kỳ vọng, tiền lương sẽ được nâng lên và đủ sống.

Đảm bảo được cuộc sống của cán bộ, công chức

Chính sách tiền lương mới mở rộng quan hệ tiền lương từ hệ số 1 - 2,34 - 10 hiện nay lên 1 - 2,68 - 12. Theo đó, mức lương thấp nhất của công chức, viên chức sẽ tăng khá cao so với mức lương khởi điểm 3,5 triệu đồng của công chức, viên chức có trình độ trung cấp, hệ số lương 1,86 hiện nay. Mức lương trung bình của công chức, viên chức cũng có mức khởi điểm tăng từ hệ số 2,34 lên 2,68.

Hiện nay, công chức, viên chức có trình độ đại học có mức lương khởi điểm hơn 4,2 triệu đồng/tháng. Mức lương cao nhất của công chức, viên chức tương ứng với bậc 3 của chuyên gia cao cấp (bằng lương Bộ trưởng) cũng được nới rộng từ hệ số 10 lên 12. Vì vậy, mức lương mới cao nhất của công chức, viên chức dự kiến cũng vượt khá xa như hiện nay.

Ngoài mức lương cơ bản này, chế độ tiền lương mới còn sắp xếp lại các loại phụ cấp chiếm tối đa 30% tổng quỹ lương (trong đó có trường hợp cao hơn 30% hoặc thấp hơn 30%) và 10% tiền thưởng.

Như vậy, nếu tính cả lương cơ bản, phụ cấp và tiền thưởng thì tiền lương trung bình của công chức, viên chức sau khi thực hiện cải cách tiền lương tăng hơn 32% so với thu nhập bình quân của lao động làm công hưởng lương (7,5 triệu đồng/tháng).

Ngoài ra, từ năm 2025, Chính phủ tiếp tục điều chỉnh mức lương trong các bảng lương tăng thêm bình quân khoảng 7%/năm. Tức là sau khi thực hiện cải cách tiền lương có bảng lương mới với mức lương tăng hơn so với hiện hành thì hằng năm công chức, viên chức vẫn được tăng lương thêm 7%.

TS. Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội

TS. Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội

Bày tỏ quan điểm, TS. Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, cải cách tiền lương vào ngày 1/7 tới đây là thời điểm phù hợp với mục tiêu bảo đảm cho người lao động đủ sống bằng lương.

Theo TS. Bùi Sỹ Lợi, đầu tư cho tiền lương là đầu tư cho phát triển, lương quá thấp khiến cán bộ, công chức đã phải làm nhiều việc để có thêm thu nhập. Bên cạnh đó, lương thấp không đủ sống dẫn đến hệ lụy là cán bộ, công chức, viên chức thiếu động lực làm việc, cống hiến không hết mình vì tiền lương không phản ánh đúng giá trị sức lao động mà lực lượng này đóng góp cho cơ quan, đơn vị.

Bản chất tiền lương công chức là cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, tiền lương phải tiệm cận với giá trị sức lao động thị trường, cần phải hướng tới sự công bằng, thực chất. Cần phải xây dựng tiền lương tối thiểu của công chức hành chính ngang bằng với sức lao động.

"Lần cải cách chính sách tiền lương này sẽ tác động đến toàn bộ cán bộ, công chức viên chức, lực lượng vũ trang, người hưởng lương hưu từ ngân sách Nhà nước. Tất cả đều kỳ vọng, tiền lương sẽ được nâng lên và đủ sống và phải được trả theo đúng giá trị sức lao động theo nguyên tắc thị trường", ông Lợi nhấn mạnh.

Hiện Bộ Nội vụ chủ trì cùng các bộ ngành xây dựng đề án cải cách tiền lương. Chánh văn phòng Bộ Nội vụ tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4 cho biết, Ban Chỉ đạo cải cách tiền lương đã hoàn thiện hồ sơ nhưng đang xin ý kiến Thủ tướng một số vấn đề trước khi báo cáo Bộ Chính trị xem xét.

Theo đó, những nội dung Bộ Nội vụ xin ý kiến tập trung vào các vấn đề như: Thống nhất 5 thang bảng lương vừa nêu, 9 nhóm phụ cấp lãnh đạo quản lý và các chế độ tiền thưởng với cán bộ công chức, viên chức lực lượng vũ trang; Việc thực hiện mức khoán, số tiền cụ thể đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố; Việc thực hiện bảo lưu tiền lương, thu nhập đối với đội ngũ cán bộ công chức, viên chức giữ chức vụ quản lý.

"Khi chúng ta thực hiện việc xếp lương mới mà thấp hơn lương cũ thì thực hiện bảo lưu theo tinh thần của Nghị quyết 27 là lương mới đảm bảo không thấp hơn lương cũ", người phát ngôn Bộ Nội vụ nói.

Chí Tâm

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cai-cach-tien-luong-cong-chuc-vien-chuc-phai-song-duoc-bang-luong-319962.html